Tuần qua thế giới chứng kiến một loạt các căng thẳng song phương khó tháo gỡ, trong đó có căng thẳng Mỹ – Nga, Mỹ – Trung, căng thẳng biên giới Trung Quốc – Ấn Độ. Đồng thời lục đục trong nội bộ Nhà Trắng cũng sẽ khiến chính quyền Trump tốn không ít thời gian giải quyết. Khủng hoảng Venezuela với nguy cơ trượt sâu hơn vào chế độ độc tài cũng là một điểm nóng trên thế giới.

1. Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo, Mỹ gây sức ép với Trung Quốc

Donald Trump gặp Tập Cận Bình tại hội nghị G20, tháng 7/2017 tại Đức

Sau khi Bắc Hàn tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ 2 trong chưa đầy 1 tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng của mình về cách xử lý vấn đề của Trung Quốc.

“Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Những lãnh đạo ngu ngốc của chúng ta trước kia đã cho phép họ thu về hàng tỷ đô la một năm trong lĩnh vực thương mại, thế mà họ CHẲNG LÀM GÌ cho chúng ta đối với vấn đề Bắc Hàn, chỉ nói miệng. Chúng ta sẽ không cho phép điều này tiếp tục. Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề [Bắc Hàn] một cách dễ dàng!”, ông Trump viết trên Twitter.

Donald Trump: Rất thất vọng với Trung Quốc

Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp khẩn, trong đó toàn bộ 15 thành viên của Hội đồng Bảo an đều bỏ phiếu thuận cho 1 tuyên bố chung và biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhắm vào nguồn tài chính của Bắc Hàn. Để có được sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, đại diện của Mỹ cho hay họ đã phải trải qua những cuộc đàm phán “gam go”.

LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt mới lên Bắc Hàn

2. Căng thẳng Mỹ – Nga

Quan hệ Mỹ – Nga tiếp tục rơi xuống điểm thấp nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Nga trục xuất 755 nhà nhân viên ngoại giao và công vụ, tịch thu một số khu phức hợp ngoại giao của Mỹ tại thủ đô Moscow để trả đũa lệnh trừng phạt tương tự mà cựu Tổng thống Obama đưa ra hồi tháng 12/2017. Sau đó chỉ vài ngày, ông Trump buộc phải ký lệnh gia tăng trừng phạt lên Nga, Bắc Hàn, Iran vì dự luật đã được lưỡng viện thông qua với đa số áp đảo. Triển vọng kéo gần quan hệ Washington-Moscow mà ông Trump đặt ra trong quá trình tranh cử ngày càng xa vời hơn.

Trump ký luật trừng phạt Nga, Moscow lên án ‘chiến tranh thương mại’

3. Khủng hoảng Venezuela

Quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng và xung đột khi chính phủ của đảng Xã hội Chủ nghĩa cầm quyền trong 18 năm qua vươn tay thâu tóm quyền lực của quốc hội do phe đối lập nắm giữ. Tổng thống Nicolas Maduro đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến – siêu cơ quan lập pháp có quyền viết lại Hiến Pháp, bị tố là sẽ tăng quyền cho Tổng thống và đẩy quốc hội của phe đối lập ra rìa ngay trước khi ông Maduro mãn nhiệm vào năm 2018. Biểu tình và bạo lực diễn ra hàng tháng trên đường phố và không có dấu hiệu suy giảm. Mỹ đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào ông Maduro, người khăng khăng cho rằng kinh tế Venezuela bị phá hoại bởi bọn “phát xít cánh hữu” và “đế quốc tư bản”. Phe đối lập thề rằng sẽ tiếp tục chiếm giữ đường  phố thủ đô Caracas và không lùi bước cho đến khi xây dựng lại được nền dân chủ.

Chính quyền Venezuela bắt cóc hai nhà lãnh đạo phe đối lập

Hoa Kỳ ra lệnh chế tài Tổng thống Venezuela Maduro

4. Khủng hoảng nhân sự Nhà Trắng

Sau 6 tháng cầm quyền, chính quyền Trump vẫn chưa xây dựng xong một đội ngũ nhân sự hoàn chỉnh. Tuần qua chứng kiến sự ra đi chóng vánh của giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci, người mới được bổ nhiệm chưa đầy 10 ngày. Trước đó, ông Trump lại bổ nhiệm tướng John Kelly, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa vào vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng sau khi ông Reince Priebus đệ đơn từ chức vì mâu thuẫn nội bộ với đội ngũ dưới quyền Tổng thống. Tuy nhiên, việc này lại khiến vị trí lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa bị bỏ trống, và phải cần khởi động tiến trình đề cử – thông qua tại Thượng viện để bổ sung.

Thượng viện Mỹ thông qua lựa chọn Giám đốc FBI của ông Trump

5. Căng thẳng Ấn Độ – Trung Quốc

Sino India
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ở vào tình thế không lối thoát

Căng thẳng biên giới hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Á bước sang tháng thứ 2. Trung Quốc tiếp tục những tuyên bố ngoại giao yêu cầu quân Ấn Độ rút lui khỏi “lãnh thổ” của họ, tuy nhiên Ấn Độ từ chối và yêu cầu cả 2 bên cùng rút quân đồng thời. Ấn Độ không có tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực cao nguyên Doklam này, nhưng có mặt theo yêu cầu của đồng minh thân cận Bhutan, nước cũng tuyên bố quyền tài phán tại dải đất trên dãy Himalaya. Những ngày gần đây, căng thẳng có dấu hiệu chùng xuống trong khi giới ngoại giao Ấn Độ tích tực tìm cách để hai bên xuống thang mà không bên nào bị mất mặt.

Tại sao Trung Quốc – Ấn Độ đối đầu quân sự tại Tây Bhutan?

Đức Trí