­­­­­Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bùng phát trở lại sau khi Bắc Hàn phóng thành công 2 quả tên lửa xuyên lục địa hồi tháng 7 và không ngừng tuyên bố về tham vọng vũ khí hạt nhân của mình. Mỹ, vốn coi vấn đề hạt nhân tại Bắc Hàn là nguy cơ an ninh hàng đầu tại Châu Á, trong tuần qua đã đẩy mạnh cuộc khẩu chiến, đe dọa khiến thế giới lo ngại về một cuộc chiến hạt nhân sắp xảy ra.

1. Khẩu chiến Washington – Bình Nhưỡng

Đầu tuần qua, Bắc Hàn phát đi một kế hoạch phóng tên lửa vào vùng nước liền kề căn cứ quân sự trên đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, sau khi ông Trump đe dọa sẽ trút “lửa thịnh nộ” nếu Bình Nhưỡng dám có bất cứ động thái quân sự nào.

kim jong un
Kim Jong Un chỉ đạo vụ phóng tên lửa đêm thứ Sáu 28/7

Cuộc khẩu chiến giữa 2 chính phủ tiếp tục gia tăng trong những ngày sau đó, với việc ông Trump tuyên bố quân đội Mỹ đã sẵn sàng nổ súng nếu Bắc Hàn có hành động thiếu khôn ngoan. Bình Nhưỡng đáp trả rằng họ cũng sẵn sàng đánh mọi cuộc chiến mà Mỹ muốn, đồng thời cáo buộc Tổng thống Mỹ đã đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân. Một tin tức quan trọng của tình báo Mỹ được trích dẫn trên truyền thông là Bắc Hàn đã có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa xuyên lục địa, tuy nhiên chưa hoàn toàn hoàn thiện.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện cho ông Trump kêu gọi kiềm chế. Theo thông báo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo cùng đồng ý rằng “Bắc Hàn phải giải trừ vũ khí hạt nhân”, nhưng một giải pháp hòa bình là cấp thiết. Trong tuần qua báo chí nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra lập trường của Bắc Kinh nếu một cuộc chiến tranh Mỹ – Triều xảy ra. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng nếu Bắc Hàn tấn công Mỹ trước và bị Mỹ đánh trả thì Trung Quốc sẽ trung lập. Còn nếu Mỹ và Hàn Quốc nổ súng đánh phủ đầu Bắc Hàn “nhằm thay đổi mô hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên”, Trung Quốc sẽ ra tay ngăn chặn điều đó.

2. Biển Đông và lập trường của Việt Nam

Trong tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã có chuyến thăm Ngũ giác Đài với sự tiếp đón của người đồng cấp Hoa Kỳ James Mattis. Giới quan sát cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc lấy được sự ủng hộ của Hoa Kỳ nhằm đối trọng lại các hành vi xâm lấn của Trung Quốc trên biển Đông. Trước đó một tuần, hoạt động khoan dầu trên một lô trên biển Đông của Việt Nam hợp tác cùng công ty dầu khí Tây Ban Nha đã phải ngừng lại do tranh chấp và đe dọa từ Bắc Kinh. Phía Mỹ cam kết sẽ cho tàu sân bay ghé thăm Việt Nam vào năm 2018 – hoạt động loại này lần đầu tiên từ sau cuộc chiến 1975.

james mattis vn

Sau chuyến thăm của ông Lịch vài ngày, Mỹ lại cho một tàu khu trục áp sát Đá Vành Khăn, một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa. Thêm vào đó, giới quan sát đang nhận định rằng Việt Nam có vẻ đang chuyển dịch gần hơn về Hoa Kỳ để tạo đối trọng cân bằng trong các vấn đề khu vực với Trung Quốc.

3. Căng thẳng biên giới Lào-Campuchia

Tuần qua nguy cơ xung đột biên giới Lào-Campuchia bất ngờ bùng phát khi chính phủ Campuchia ra tối hậu thư yêu cầu Lào phải rút quân trong 6 ngày, từ một tỉnh biên giới hai nước mà đường phân định chưa rõ ràng. Lào và Campuchia là 2 nước láng giềng Đông Dương thường có quan hệ tốt. Nhưng quan sát của báo giới cho hay dường như quan chức Campuchia ngày càng mệt mỏi với việc Lào tiến quân vào khu vực “của Campuchia” và không chịu rút lui.

Trọng Đức (t/h)