Bài phỏng vấn do phóng viên tạp chí Forbes thực hiện vào ngày 11/10/2017 và công bố trên mạng vào ngày 14/10.

trump forbes

Nếu ông Trump từng thực sự ví Nhà Trắng là một “bãi rác”, thì bây giờ cũng hết rồi. Bên trong văn phòng ở Cánh Tây (West Wing) nơi ông có hàng chồng giấy tờ và dùng bữa trên cái mà ông gọi là “bàn làm việc”, Tổng thống nói chuyện thoải mái về một chiếc đèn chùm ông mới lắp và những bức tranh sơn dầu vẽ các vị tiền nhân Lincoln và Teddy Roosevelt. Ông mở cho chúng tôi xem phòng tắm riêng của mình. Ông đưa chúng tôi ra ngoài ngắm nhìn cảnh thanh bình của hồ bơi. Bên trong Phòng Bầu dục đã được thay mới rèm cửa, thảm và đồ đạc với tông màu vàng chủ đạo, ông xoa tay lên chiếc bàn Kiên định nơi cố tổng thống John Kenndy đã từng ra quyết định về cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba và cố tổng thống Reagan đã điều hành trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Chiếc bàn khá đơn giản chỉ với hai chiếc điện thoại và một nút gọi. Tổng thống Trump buột lời khen “Nó trông rất đẹp.”

Tổng thống có thể dễ dàng nói chuyện về căn hộ penthouse tại Trump Tower, hoặc về tư cách hội viên của câu lạc bộ golf Doral, và gần một giờ đồng hồ phỏng vấn trong Phòng Bầu dục, ông vẫn thành thực là chính mình như đã từng với tư cách là công dân mà tạp chí Forbes đã chứng kiến trong 35 năm qua.

Ông tự hào nói với một chút cường điệu mà bất kỳ học trò nào của cố tổng thống Franklin Roosevelt hoặc thậm chí cả cựu tổng thống Barack Obama cũng có thể ngắt lời: “Tôi là vị tổng thống duy nhất từ trước tới giờ đã có hầu hết các đạo luật được thông qua chỉ trong vòng 9 tháng. Chúng ta đã có hơn 50 dự luật được thông qua. Tôi không chỉ nói về các sắc lệnh, vốn rất quan trọng. Mà tôi đang nói về các dự luật.”

Ông cũng đề cập đến có tin nói Ngoại trưởng Rex Tillerson từng gọi ông là đồ ngốc: “Tôi nghĩ đó là tin giả, nhưng nếu ông ta thực nói vậy, tôi nghĩ chúng ta nên kiểm tra IQ, và tôi có thể cho anh biết ai sẽ thắng.”

Sau cùng, ông tiết lộ: “Tôi đang có một dự luật khác, một dự luật liên quan đến phát triển kinh tế mà tôi cho rằng nó rất có triển vọng. Chưa có ai biết về điều này, anh là người đầu tiên nghe về nó. Đó là những ưu đãi phát triển kinh tế cho các công ty, khuyến khích các công ty ở đây.” Các công ty tạo ra việc làm ở Mỹ sẽ được khen thưởng; còn những ai đưa việc làm ra bên ngoài sẽ “gánh chịu những chế tài nghiêm khắc.” Ông nói: “Đây là cây gậy và củ cà rốt. Sẽ có ưu đãi cho việc ở lại. Nhưng nếu họ rời đi thì có lẽ mọi thứ sẽ khó khăn hơn họ nghĩ nếu họ muốn bán sản phẩm của họ ở đất nước của chúng ta.”

Và chúng ta đang ở đây, với vị tổng thống đầu tiên khởi đầu hoàn toàn từ khu vực kinh tế tư nhân. Ông là đại diện cho một chính đảng trong hơn một thế kỷ qua ủng hộ chủ nghĩa tư bản tự hành và thương mại tự do, đề xuất rằng chính phủ sẽ trừng phạt và khen thưởng các công ty dựa vào nơi họ chọn đặt các nhà máy và văn phòng. Thưa, tổng thống có cảm thấy thoải mái với ý tưởng đó không?

Rất thoải mái,” ông trả lời. “Những gì tôi muốn là sự có đi có lại. Tôi nghĩ rằng khái niệm có đi có lại là một khái niệm rất hay. Nếu ai đó đang tính phí chúng ta 50%, chúng ta cũng sẽ tính phí họ 50%. Anh xem, hiện tại họ tính chúng ta 50%, và chúng ta thì không tính gì với họ cả. Tôi không chấp nhận việc này.”

Quả thật, ông chưa từng như vậy. Donald Trump không trở nên giàu có vì đã tạo ra các cơ hội kinh doanh, mặc dù ông đã dành hàng năm để xây dựng thương hiệu cho The Apprentice (chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng “Người Học Việc”) và nhận được hàng triệu phiếu bầu từ những người đã học hỏi được những kinh nghiệm từ đó. Trên thực tế, sự thành công của ông nằm ở các giao dịch mua bán miễn là ông có lời, bất kể kết quả cho người khác ra sao. Có những sắc thái khác nhau trong kinh doanh là việc cần thiết. Thông thường, bộ máy mà các doanh nghiệp tạo ra thường có mối quan hệ liên đới với các cổ đông, khách hàng, nhân viên, đối tác, và cả địa phương nơi họ kinh doanh. Về lý thuyết, tất cả đều chia sẻ lợi nhuận. Dưới thời Steve Jobs và Tim Cook, Apple đã giúp các cổ đông sớm tăng khoản đầu tư của họ lên tới gần 400 lần, tạo ra hàng nghìn triệu phú, làm lợi kỷ lục cho nhà cung cấp Foxconn của Đài Loan và làm khách hàng hài lòng đến nỗi họ sẵn sàng chờ đợi cả đêm và chi hàng trăm đô la cho các sản phẩm mà sẽ lỗi thời hai năm sau đó.

Các nhà buôn thì khác, họ hiếm khi hướng đến mô hình kinh doanh “tất cả đều thắng” như vậy. Cho dù đó là một giao dịch chứng khoán, một sự hoán đổi giữa cánh trung gian với nhau hoặc lựa chọn một mảnh đất, thì thỏa thuận đó có xu hướng chỉ liên quan đến hai bên và thường kết quả là một bên sẽ có lợi hơn bên kia (thường là lợi hơn rất nhiều đến nỗi nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi” dường như không tồn tại).  Ông Trump đã từng nói với báo People vào năm 1981: “Con người là loài nguy hiểm nhất” (một năm sau đó nó được nhắc đến lần đầu tiên trong tạp chí Forbes). “Cuộc sống là những trận chiến kết thúc bằng chiến thắng hoặc thất bại.” Đó là một tư tưởng khá cứng nhắc của Tổng thống Trump.

Gần một năm sau ngày bầu cử gây sốc nhất trong nhiều thập niên, ông Trump vẫn khiến các học giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Họ nên hiểu rằng thực ra quan điểm của ông vô cùng nhất quán. Ông không nhìn sự việc như một cơ hội để chuyển ý thức hệ sang chính sách, mà cách ông điều hành đất nước giống hệt như cách ông làm kinh doanh. Đó là hàng loạt những thỏa thuận thắng thua, cả trên bàn đàm phán và trước tòa án dư luận. Nếu chúng ta nhìn vào năm đầu tiên của ông qua lăng kính này, chúng ta sẽ thấy điều này nghĩa là gì. Và nó cũng cho chúng ta manh mối về cách thức điều hành của ông trong ba, hoặc thậm chí bảy năm tới.
**

Tôi hỏi Tổng thống Trump rằng ông có cảm thấy thú vị với công việc mới của mình hay không, và ông trả lời rất nhanh: “Tôi đang vui. Tôi yêu thích công việc này. Chúng ta đang đạt được nhiều thành tựu. Thị trường chứng khoán đang ở mức cao nhất từ trước tới giờ.”

Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong gần 17 năm qua. Chúng ta có những con số tuyệt vời sắp được công bố.”

Thông thường người ta sẽ không coi “những con số tuyệt vời” là một điều gì quá vui vẻ, nhưng ông Trump thì có. Ông đã viết trong cuốn Nghệ thuật Đàm phán 30 năm trước đây “Những người khác thích vẽ những bức tranh thật đẹp lên vải hoặc sáng tác những bài thơ hay. Còn tôi thì thích thỏa thuận, đặc biệt là các thỏa thuận lớn. Đó là niềm vui của tôi.”

Những con số mang đến sự hài lòng cho ông Trump. Chúng xác định ai là kẻ thắng người thua trong một giao dịch và thiết lập nên hệ thống phân cấp. Đó là lý do tại sao ông Trump, hơn bất cứ ai trong số 1.600 người đã từng xuất hiện trên tạp chí Forbes 400, đã dành nhiều thời gian cho việc vận động và ca tụng Forbes để có được một sự định giá và xác nhận cao hơn.

Trong Phòng Bầu dục, khi tôi nói với ông rằng thị trường đã tăng trưởng 20% từ khi ông nhậm chức, ông bèn đính chính lại ngay: “Không, phải là 25%, anh phải tính từ thời điểm cuộc bầu cử.”

Tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào chỉ số (ám chỉ đến chỉ số mà ông Trump hay dùng: chỉ số NASDAQ), nhưng dường như tổng thống đã có trong đầu những số liệu rất tỉ mỉ. “Kể từ ngày bầu cử, nó đã tăng lên 25%. Kể từ ngày bầu cử thị trường đã tăng 5,2 nghìn tỷ đô la – 5,2 nghìn tỷ đô la Mỹ. Nếu Hillary Clinton thắng, thị trường sẽ giảm đáng kể.”

Ông cũng tự hào khi nhắc đến chỉ số GDP. “Quý vừa qua GDP tăng 3,1%. Hầu hết những người trong giới doanh nghiệp và những nơi khác đã nói rằng còn lâu nữa nó mới tăng. Anh thấy đấy, Obama không bao giờ đạt được con số này.”

Khi được đính chính lại rằng người tiền nhiệm của ông đã làm được vài lần như thế, ông Trump phản pháo ngay lập tức. “Ông ấy chưa từng đạt được điều này hàng năm. Chưa từng đạt được con số này mỗi năm. 8 năm mới được như vậy. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ còn đạt được cao hơn nhiều so với hiện nay, và tôi nghĩ rằng quý này sẽ rất ấn tượng, ngoại trừ các cơn bão“.

Và những cơn bão như thế nào? “À, tôi đã được đánh giá rất cao khi xử lý khủng hoảng sau cơn bão,” ông nói. Tuy vậy hai ngày trước đó ông đã tweet về việc không được công nhận vì những việc đã làm. Những câu tweet của Tổng thống dường như là một cách thức mới để bày tỏ quan điểm bản thân. Bất cứ điều gì ông nói đều nhận được hàng ngàn lượt thích cũng như hàng ngàn lượt chia sẻ, và theo thời gian, ông đã có hàng triệu người theo dõi mới. Vậy nếu một số trong những người theo dõi đó là tài khoản giả mạo thì sao? Những con số lớn luôn luôn thu hút ông Trump, bất kể chúng chính xác đến đâu. Ông đếm số tầng trong Tháp Trump để làm cho tòa nhà có vẻ cao hơn, ông bị ám ảnh về xếp hạng của chương trình Người Học Việc và từng nói dối về diện tích căn hộ penthouse của mình. Tất cả những điều này đã giải thích về việc ông ta nói quá về số người trong đám đông ủng hộ mình, hoặc hạ gục một hãng tin sau khi có kết quả thăm dò xấu truyền ra.

Đối với ông Trump, các con số có vai trò như một công cụ linh hoạt. Giới kinh doanh Mỹ đã hoàn toàn chấp nhận các dữ liệu của Big Data hay Moneyball, một dạng máy phân tích, theo đó các con số sẽ đưa ra đề xuất về cách thức hành động tốt nhất. Nhưng trong nhiều thập kỷ, ông Trump đã luôn tự hào về cách ông tiến hành nghiên cứu của mình – phần lớn chỉ là nói miệng – thực ra là ông ta mua bán dựa vào bản năng. Các con số sau đó được sử dụng chỉ để chứng minh cho sự tính toán cảm tính của ông. Ông cũng đang điều hành đất nước đúng theo cách này, quyết tâm thực hiện thậm chí cả những cam kết phi logic nhất khi tranh cử – những cam kết mà các chính trị khác rút lại ngay sau khi đối mặt với các quyết định thực sự về chính sách, cho dù đó là việc yêu cầu Mexico trả tiền xây bức tường biên giới khi tỷ lệ nhập cư bất hợp pháp đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, hay rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mặc dù sự tuân thủ của các nước khi tham gia là tự nguyện. Ông trích dẫn bất cứ con số nào ông có thể để biện minh cho lập trường của mình. Ví dụ, khi được hỏi về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, ông đã lưu ý rằng ông có đến 306 phiếu đại cử tri và nói thêm rằng Đảng Dân chủ cần “một lý do để biện minh cho việc họ thua trong cuộc bầu cử mà theo lý thuyết họ lẽ ra phải thắng.” Đối với ông trùm kinh doanh vĩ đại nhất của Mỹ này (bao gồm cả P.T. Barnum), các số liệu thống kê được sử dụng sao cho tiếp thị có lợi nhất.

Ông cũng sử dụng các con số như đòn bẩy, một cách để thiết lập các thông số và cuối cùng tuyên bố chiến thắng. Trở lại quãng thời gian khi ông mua lại đội New Jersey Generals của Liên đoàn bóng bầu dục Hoa Kỳ vào năm 1984, ông đã mô tả phong cách đấu thầu của mình cho các đồng chủ sở hữu như sau: “Khi tôi xây một cái gì đó cho ai, tôi luôn luôn thêm 50 triệu USD hoặc 60 triệu USD vào giá. Họ vào và nói nó chỉ đáng 75 triệu USD thôi. Tôi nói nó sẽ tốn 125 triệu USD và tôi sẽ xây nó với 100 triệu USD. Về cơ bản, tôi đã làm một việc tệ hại, nhưng họ lại nghĩ rằng tôi đã làm rất tốt.” 

Theo ông Trump, thủ thuật này giải thích đề xuất cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay xuống còn 20%, mặc dù nhiều tháng trước đó ông nói muốn giảm xuống còn  thấp hơn là 15%. “Tôi đã thực sự nói 15 với mục đích đạt được 20“, ông nói, “Như anh biết, sẽ có đàm phán trong 30 ngày tới, nhưng tôi muốn nói 15 để có được 20“.

Đó là một đặc điểm mà ông đã ngưỡng mộ từ lâu trong các đời tổng thống. Quay lại những năm 1980, ông nhớ lại khi nhận được yêu cầu từ cố tổng thống Jimmy Carter về việc xây một thư viện tổng thống với số tiền 5 triệu đô la. “Ông Jimmy Carter có can đảm và đủ tầm để yêu cầu điều gì đó phi thường,” ông viết trong Nghệ thuật Đàm phán. “Khả năng đó đã giúp ông ấy được bầu làm tổng thống.”

Tuy nhiên, một vụ đấu thầu là không đủ. Đối với một tư duy mang tính giao dịch [như ông Trump], khi người ngồi đối diện là đối thủ cạnh tranh hơn là đối tác, thì việc tốt nhất là tạo ra nhiều nhà thầu. Điều này giải thích sự trọng dụng đột ngột của ông đối với Nancy Pelosi và Chuck Schumer [hai lãnh đạo Dân chủ trong quốc hội] dù là về tăng trưởng nợ, các đề xuất nhập cư cho những người di dân Dreamers (ít nhất là trong một thời gian ngắn) hoặc y tế. “Tôi nghĩ rằng các đảng viên Dân chủ muốn có một thỏa thuận“, ông Trump đề cập đến Obamacare. “Đồng thời, tôi nghĩ rằng tôi cũng có một thỏa thuận với Đảng Cộng hòa, vì vậy tôi đạt được điều tốt nhất đối từ cả 2 phe. Ở một mức độ nào đó, đó là kinh doanh… . Tôi có thể thỏa thuận với Đảng Dân chủ nếu tôi phải làm vậy.” Thủ thuật này cũng được áp dụng trong các cuộc đàm phán về thuế. “Chúng ta sẽ nói về tất cả những điều đó. Anh biết đấy, sẽ có một chuỗi các cuộc đàm phán rất nghiêm túc diễn ra trong thời gian tới.”

…………

(Còn tiếp phần 2)

Tuệ Minh dịch từ Forbes

Xem thêm: