Dưới sự cai trị của chế độ Kim Jong-un, chuyện người dân tìm cách đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên thường xuyên xảy ra. Mới đây, một gia đình 5 người sau khi đào thoát đến Trung Quốc đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt lại. Vì lo sợ khả năng sẽ bị cưỡng chế quay trở lại Triều Tiên, họ đã rơi vào bi kịch tự sát tập thể.

767px Border stone china corea
Biên giới Triều Tiên và Trung Quốc (Ảnh: commons.wikimedia.org)

Triều Tiên Nhật Báo đưa tin, nhà hoạt động nhân quyền Kim Hee-tae cho biết, vào tuần trước, có 15 người đã đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong đó có một người là cựu thành viên của Đảng Lao động Triều Tiên. Sau khi bị bắt ở Vân Nam, ông này từng ngỏ ý trả một khoản tiền cho người trung gian để được ở lại. Nhưng khi gia đình ông bị áp tải đến thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, họ biết có thể sẽ bị cưỡng chế quay trở lại Bắc Triều Tiên, nên đã chọn cách uống thuốc độc tự sát.

Theo bài báo, người cha trong gia đình 5 người này là cựu thành viên của Đảng Lao động Triều Tiên. Ông năm nay khoảng 50 tuổi, có vợ và 3 người con gái, khi họ rời khỏi Bắc Triều Tiên, đã mang sẵn thuốc độc theo người.

Theo Giáo sư Ahn Chan Il của Viện Nghiên cứu Thế giới về Bắc Triều Tiên, những người này đã tính sẵn trường hợp khi đến Trung Quốc bị bắt và đưa trở lại Bắc Triều Tiên, sớm muộn gì cũng bị xử tử hình hoặc phải chịu những hình phạt tàn khốc cho tội phạm chính trị, nên đã đi đến bước cực đoan là tự sát tập thể.

Trước đây, cũng nhiều kênh truyền thông tiết lộ, những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên đến Trung Quốc, sau đó bị trục xuất về nước đã bị chính phủ trừng phạt hết sức hà khắc, nhẹ thì bị đưa đến trại cải tạo lao động, nặng thì phải chịu tra tấn, thậm chí là xử tử hình; đến phụ nữ đang mang thai cũng bị cưỡng ép phá thai một cách vô nhân đạo.

Hiện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và các cơ quan tình báo vẫn chưa chính thức xác nhận sự việc này, nhưng gần đây số lượng người đào thoát đến Trung Quốc sau đó bị đưa trở lại Bắc Triều Tiên có xu hướng gia tăng. Một nguồn tin khác chỉ ra rằng, chỉ trong tháng 7, đã có 27 người đào thoát tới Vân Nam bị bắt, ở tỉnh Quảng Tây có 5 người và tại Cát Lâm có 11 người bị bắt.

Thông tin gia đình 5 người Bắc Triều Tiên đào thoát thất bại đã nhanh chóng lan truyền, người dân Hàn Quốc đã tỏ ra vô cùng thương tâm và phẫn nộ. Có người đã bình luận: “Người dân Bắc Triều Tiên khổ sở đến cùng cực, họ thà tự sát cả nhà còn hơn phải quay về nơi địa ngục đó!” “Nếu phải quay lại Triều Tiên thì cũng sẽ phải chết, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc ép những người đào thoát hồi hương, cũng chẳng khác gì sát nhân, vi phạm nhân quyền.” “Trung Quốc không có nhân quyền, tuyệt đối không thể trở thành một quốc gia hùng mạnh, rất nhiều người cho rằng Trung Quốc là một quốc gia không tệ, nhưng một quốc gia không có nhân quyền thì có phải là một đất nước đáng sống không?”

Ngày 26/3/2016, Lee Hyeon Seo, tác giả cuốn sách “Cô gái với bảy cái tên” được mời đến Bắc Kinh tham gia một hội chợ triển lãm sách. Tại đây, cô đã diễn thuyết bằng tiếng Anh với công chúng, lên án việc chính quyền Trung Quốc ép những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên hồi hương.

Lee Hyeon Seo nói rằng, cô không ghét người Trung Quốc, chỉ hận chính phủ, các chính trị gia và những chính sách của quốc gia này. Cô nói rằng, chính sách của Trung Quốc chính là: Nếu như cưỡng chế những người đào thoát quay trở lại Bắc Triều  Tiên, thì sẽ được thưởng tiền. Cứ đưa một người về lại Triều Tiên sẽ được thưởng từ 3.000 – 5.000 nhân dân tệ. Tại các vùng biên giới, có những người Trung Quốc chỉ vì tiền mà luôn rình rập báo cáo những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên.

Minh Ngọc

Xem thêm: