Vào thứ Bảy (24/3), khoảng hơn 300 người biểu tình ủng hộ dân chủ đã tuần hành trước cổng trụ sở quân đội Thái Lan tại thủ đô Bangkok để kêu gọi quân đội từ bỏ hậu thuẫn chính quyền quân phiệt.

Embed from Getty Images

Những người ủng hộ dân chủ biểu tình vào cuối tháng 1/2018 yêu cầu chính phủ quân phiệt tổ chức tuyển cử tự do. 

Reuters ghi nhận đây là một trong những cuộc tuần hành lớn nhất trong làn sóng biểu tình mới chống lại chính phủ quân sự tham nhũng và không giữ lời hứa tổ chức tổng tuyển cử tự do.

Những người tuần hành yêu cầu quân đội chấm dứt ủng hộ chính quyền quân sự đã lãnh đạo Thái Lan kể từ cuộc đảo chính năm 2014.

Ông Rangsiman Rome, một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình, nói với Reuters rằng: “Chúng tôi muốn một sự chuyển tiếp hòa bình. Đã đến lúc quân đội và tất cả xã hội Thái Lan dừng ủng hộ chính phủ quân phiệt và đứng về phía nhân dân”.

Theo Reuters, những người biểu tình bắt đầu xuất phát từ Trường đại học Thammasat – một địa chỉ bất đồng chính kiến có tiếng tại Thái Lan.

Cảnh sát không vũ trang ban đầu đã cố gắng ngăn chặn đoàn người biểu tình đi vào tuyến phố hướng tới trụ sở quân đội, nhưng sau đó đã nhường cho người biểu tình đi qua. Người biểu tình tập trung ở trước cổng trụ sở quân đội và mở hệ thống âm thanh lớn để biểu đạt thông điệp của họ.

Nhà hoạt động sinh viên Sirawith Seritiwat, còn được biết đến với tên Ja New, kêu gọi: “Những người vẫn còn đang ở nhà, hãy gia nhập cùng chúng tôi… cho đến khi nào chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến này, cho đến khi nào chúng ta đạt được điều chúng ta muốn”.

Nguyện vọng của người biểu tình là chính phủ quân phiệt phải tổ chức bầu cử vào tháng Mười Một như họ đã hứa từ cuối năm ngoái. Gần đây, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã nói rằng sẽ chưa tổ chức bầu cử cho tới đầu năm 2019. Chính quyền quân sự đã nhiều lần trì hoãn cuộc tổng tuyển cử tự do đáng ra đã phải được thực hiện từ năm 2015.

Ngoài việc yêu cầu chính phủ tổ chức bầu cử, những người biểu tình cũng bày tỏ sự tức giận với các bê bối tham nhũng của quan chức gần đây, đặc biệt là việc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan bị cáo buộc sở hữu bộ sưu tập đồng hồ xa xỉ đồ sộ. Vào tháng trước, người dân đã gửi thư kiến nghị công khai yêu cầu ông Prawit phải từ chức.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận, ông Prawit đã giải thích rằng ông đã mượn nhiều đồng hồ đắt tiền của những người bạn, nhưng cũng tuyên bố ông sẽ từ chức nếu điều đó là nguyện vọng của công chúng.

Ông Mike Pisek, một cựu thủy quân Thái Lan, cũng tham gia biểu tình lần này, nói với Reuters rằng: “Có quá nhiều tham nhũng. Bây giờ chúng ta cần trở lại nền dân chủ”.

Theo ghi nhận của Reuters, cuộc biểu tình lần này do các bạn sinh viên trẻ lãnh đạo nhưng cũng có rất nhiều người tham gia ở độ tuổi 60 và 70.

Chính phủ Thái Lan đã cho phép các cuộc biểu tình diễn ra, nhưng nhiều lãnh đạo của phong trào này phải đối mặt với các án phạt vì tội danh gây rối trật tự công cộng.

Các lãnh đạo biểu tình nói rằng họ không có kế hoạch tổ chức thêm các cuộc tuần hành cho tới tháng Năm – gần dịp kỷ niệm 4 năm ngày quân đội đảo chính tại Thái Lan.

Phía quân đội Thái Lan vẫn chưa có bất kỳ phản ứng công khai nào trước các yêu sách của người biểu tình.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: