Tân cố vấn an ninh của Nhà Trắng, tướng H. R McMaster nhận định rằng đã đến lúc chính quyền Mỹ phải nói chuyện thẳng thắn và cứng rắn với Nga về lập trường ủng hộ chính phủ Syria và các hoạt động bị lên án là phá hoại ở châu Âu trong thời gian qua.

Tổng thống Nga Putin gặp ông Rex Tillerson năm 2012 tại Moscow, khi đó ông Tillerson đang là Chủ tịch tập đoàn dầu khí ExxonMobil (Ảnh: Youtube)
Tổng thống Nga Putin gặp ông Rex Tillerson năm 2012 tại Moscow, khi đó ông Tillerson đang là Chủ tịch tập đoàn dầu khí ExxonMobil (Ảnh: Youtube)

Trả lời phỏng vấn trên đài ABC (Mỹ) hôm 16/4, ông McMaster, người mới nhậm chức tháng trước nói rằng sự ủng hộ của Moscow đối với Tổng thống độc tài Bashar al-Assad đã làm trầm trọng thêm cuộc nội chiến Syria và tạo ra những cuộc khủng hoảng an ninh lan sang cả Iraq và châu Âu.

Nga đã ủng hộ chế độ khinh khủng đó, họ là một phần của cuộc xung đột ở đó. Đây là vấn đề cần đặt câu hỏi, cũng như các hoạt động phá hoại của họ ở châu Âu. Vì thế, tôi nghĩ rằng bây giờ đã đến lúc phải thảo luận cứng rắn với người Nga“, ông McMaster nói trên chương trình This Week, đài ABC.

Tháng 12/2015, Nga tuyên bố tham gia vào cuộc nội chiến Syria với tư cách đáp lại yêu cầu hỗ trợ từ đồng minh Assad và tham gia cuộc chiến chống khủng bố Trung Đông. Được yểm trợ từ quân đội Nga, Iran và lực lượng Hezbollah (Mỹ coi là khủng bố) từ Lebanon, quân chính phủ Assad đã lật ngược thế bại trận, đầy lùi quân nổi dậy được Mỹ và đồng minh hỗ trợ lẻ tẻ.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố lập trường trọng tâm là tiêu diệt IS, chứ không can dự cuộc nội chiến Syria. Tuy nhiên sau khi chính phủ Assad thực hiện cuộc tấn công hóa học vào khu vực đông thường dân do phe nổi dậy chiếm đóng, chính quyền Mỹ dường như thay đổi lập trường này với việc phóng tên lửa tấn công Syria. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố: “Mỹ không nhìn thấy một tương lai không có IS nếu Assad còn nắm quyền“. Quan hệ Mỹ – Nga, vốn hy vọng sẽ khởi sắc trở lại sau khi Trump nắm quyền lại trở thành căng thẳng hơn cả.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người hy vọng ông Trump và đội ngũ của mình có thể kiến Nga buông tay đối với chính quyền Assad. Tuần trước, Tổng thống Nga Putin đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Nga đầu tiên nhằm giảm tải căng thẳng hai bên sau vụ Mỹ phóng 59 tên lửa xuống căn cứ không quân của Syria. Trước đó, có nhiều đồn đoán rằng ông Putin sẽ không gặp đại diện của Mỹ như một hình thức phản đối hành động của Mỹ.

Khi quan hệ hai bên đang ở điểm thấp nhất thì không còn chỗ nào khác để đi ngoài tiến lên. Tôi nghĩ rằng thời điểm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Nga là hoàn hảo“, ông McMaster nhận xét.

Gia đình Assad là đồng minh lâu năm của Moscow. Syria cũng cung cấp một vai trò địa chính trị quan trọng, là nơi Nga đặt các căn cứ quân sự đối trọng lại hệ thống tên lửa của Mỹ tại Địa Trung Hải. Nga khó lòng buông tay chế độ Assad nếu người Mỹ không sẵn sàng thực hiện các nhượng bộ an ninh khác tại mặt trận này cũng như tại Đông Âu.

Tuy Tổng thống Putin, người được ông Trump khen là “mạnh mẽ” hơn nhiều so với Tổng thống Mỹ Obama, chưa đích thân chỉ trích ông Trump về cuộc tấn công Syria (điều này khiến nhiều người vẫn hy vọng sự thay đổi chiến lược quan hệ Mỹ-Nga), nhưng đã thừa nhận quan hệ hai nước tồi tệ hơn kể từ khi ông Trump nắm quyền.

Có người có thể nói rằng mức độ tin tưởng [giữa hai bên]…, đặc biệt là bình diện quân sự, không có cải thiện mà còn tệ hơn“, trang web của điện Kremlin trích bình luận của ông Putin trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Phát ngôn viên điện Kremlin cho biết cuộc gặp trực tiếp giữa ông Putin và Ngoại trưởng Mỹ “tương đối mang tính xây dựng” và đạt được đồng thuận chung rằng Washington và Moscow cần duy trì các kênh liên lạc. Ông cũng hy vọng thông điệp của ông Putin sẽ được chuyển tới Tổng thống Trump.

Chưa rõ thông điệp này là gì và nội dung của cuộc họp kín kéo dài 2 giờ giữa Tillerson và Putin cũng không được tiết lộ.

Đức Trí

Xem thêm: