8 ngày với 5 điểm đến ở 2 châu lục là Trung Đông và châu Âu. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đi qua ba trung tâm tôn giáo lớn nhất thế giới từ Riyadh (Ả rập Saudi), tới Jerusalem (Israel) và Vatican, Ý. Tổng thống Mỹ đã gặp những nhà lãnh đạo Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo. Niềm tin với các đồng minh đã được củng cố, kết quả thương mại lớn đã đạt được, nhưng xuyên suốt chuyến hành trình này ưu tiên hàng đầu của ông Trump vẫn là truyền tải thông điệp đoàn kết toàn cầu chống khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Lãnh đạo G7 gặp mặt tại Sicily, Ý (26/5/2017)

Khi ông Trump đang có ngày làm việc cuối cùng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình ở Sicily, Ý – tham dự Hội nghị nhóm các nước công nghiệp G7 vào thứ Bảy 27/5, đó cũng là ngày thế giới hồi giáo bắt đầu tháng ăn chay Ramadan.

Nhân sự kiện thánh lễ quan trọng này của các tín đồ đạo Hồi, Tổng thống Donald Trump nhắc lại thông điệp ông đã truyền tải tới các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Riyadh, Ả rập Saudi tuần trước. Ông Trump nói: “Nước Mỹ sẽ luôn luôn đứng vững cùng các đối tác của mình chống tại chủ nghĩa khủng bố và hệ tư tưởng châm ngòi cho phong trào cực đoan này. Trong suốt tháng Ramadan, chúng ta hãy nỗ lực không bỏ qua bất kỳ giải pháp nào để đảm bảo rằng các thế hệ tương lai sẽ không phải đối mặt với tai họa này và có thể hành lễ và cùng nhau chia sẻ đức tin trong hòa bình”.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng: “Năm nay, [thánh lễ truyền thống Hồi giáo] bắt đầu khi thế giới khóc thương các nạn nhân vô tội trong các cuộc khủng bố man rợ ở Anh và Ai Cập, các hành động đồi bại trái ngược trực tiếp với tinh thần Ramadan. Những hành động như vậy chỉ làm tăng quyết tâm của chúng ta để đánh bại những kẻ khủng bố và hệ tư tưởng sai lầm của chúng”.

Trong suốt 1 tuần qua, thông điệp chống khủng bố Hồi giáo nêu trên của Tổng thống Trump là xuyên suốt trong các điểm ông dừng chân tại Trung Đông và châu Âu.

Thủ đô Riyadh, Ả rập Saudi là điểm đến đầu tiên của ông Trump. Tổng thống Mỹ gọi đây là “trái tim của thế giới hồi giáo”. Sau 1 ngày làm việc hiệu quả với Quốc vương Salman về vấn đề thương mại hai nước với các thỏa thuận kinh doanh hai chiều lên tới 380 tỷ USD, ông Trump sau đó đã có bài phát biểu “lịch sử” trước hơn 50 lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo tại Hội nghị Hồi giáo Arab – Hoa Kỳ. Trong đó, ông Trump đã thề rằng Hoa Kỳ sẽ là đối tác mạnh mẽ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Không thể chung sống với loại bạo lực này. Không thể có dung nhẫn với nó. Không được chấp nhận nó. Không thể tha thứ và bỏ qua cho nó. Bọn chúng không tôn thờ Thượng đế. Chúng tôn thờ cái chết”.

Tôi đứng trước quý vị là đại diện cho nhân dân Mỹ để mang đến đây thông điệp của tình hữu nghị, hy vọng và tình thương”. Ông Trump nói. “Đó là lý do tại sao tôi lựa chọn chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình là đến trung tâm của thế giới Hồi giáo, đến đất nước đóng vai trò gìn giữ hai địa điểm thiêng liêng nhất của đức tin Hồi giáo”.

Bài phát biểu mang theo thông điệp chống chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã được các lãnh đạo các nước Hồi giáo đón nhận nồng nhiệt.

Quốc vương Salman nói: “Trách nhiệm của chúng ta trước Thượng đế, trước nhân dân và trước toàn thế giới là phải đoàn kết để chiến đấu với lực lượng ác quỷ và chủ nghĩa cực đoan bất kể chúng có nguồn gốc từ đâu”.

Tại Hội nghị quan trọng này, Tổng thống Trump cũng không quên kêu gọi một mặt trận đoàn kết đấu tranh và cô lập Iran – kẻ thủ chung của nhiều nước Arab có mặt tại Hội nghị.

Ông Trump nói: “Trong nhiều thập kỷ qua, Iran đã châm ngòi cho nhiều cuộc xung đột tôn giáo và khủng bố. Chính phủ nước này đã nói công khai về giết người hàng loạt, tuyên bố hủy diệt Israel, mang chết chóc đến nước Mỹ và  gây tai họa cho nhiều nhà lãnh đạo và các nước có mặt trong khán phòng này”.

Thông điệp chống Iran đã được Tổng thống Trump nhấn mạnh rõ hơn trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu hôm 22/5.

Chính quyền mới của Hoa Kỳ cho rằng cô lập Iran và ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân chính là biện pháp cắt ‘nguồn sống’ cho chủ nghĩa cực đoan tại Trung Đông.

Từ thành cổ Jerusalem, Tổng thống Mỹ nhắc lại rằng Iran đã có được “món hời” là thoả thuận với người tiền nhiệm Obama, một thoả thuận mà ông Trump phê phán là tồi tệ chưa từng có.

Nhưng Iran thay vì nói lời cảm ơn, họ lại đi ủng hộ khủng bố… Iran đang cung cấp tiền bạc, trang thiết bị và huấn luyện những kẻ khủng bố cùng lực lượng dân quân một cách chết chóc”, ông Trump cáo buộc.

Iran sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân, tôi có thể nói với ông điều đó, Thủ tướng Netanyahu”.

Hai ngày lưu lại Jerusalem, ông Trump đã thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đồng minh với Israel, đồng thời, Tổng thống Mỹ cũng gặp lãnh đạo Palestine, ông Mahmoud Abbas tại Bethlehem để mưu cầu hòa giải quan hệ Palestine và Israel.

Nói về triển vọng hoà bình ở khu vực này, ông Trump nói: “Tôi đã được nghe rằng đây là một trong những thoả thuận khó khăn nhất,… nhưng tôi có cảm giác chúng ta cuối cùng sẽ đạt được nó”.

Hòa bình và tình thương” là chủ đề chính mà Tổng thống Trump hội đàm khoảng 30 phút với Đức Giáo hoàng Francis tại Cung Điện Giáo hoàng ở Tòa Thánh Vatcan, Roma, Ý hôm 24/5.

Nhà Trắng thông báo rằng ông Trump “khẳng định Hoa Kỳ và Tòa thánh chia sẻ nhiều giá trị cơ bản chung và mong muốn thực hiện các nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy nhân quyền, chống đói nghèo, khổ đau và bảo vệ tự do tôn giáo”.

Theo Washington Times, trong cuộc trao đổi ngắn với Tổng thống Hoa Kỳ, Đức Giáo hoàng Francis và các quan chức Vatican đã đưa ra thảo luận các vấn đề về biến đổi khí hậu, chống khủng bố và đói nghèo.

Sau cuộc làm việc với Vatican, một quan chức chính quyền Mỹ nói: “Chúng tôi nghĩ rằng chuyến công du này [của tổng thống] là cần thiết để gắn kết đức tin Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo. Khi chúng ta đoàn kết bên nhau, chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề chủ nghĩa cực đoan thực sự là một trong những vấn đề lớn của thời đại chúng ta. Bằng cách kéo mọi người lại cùng nhau, chúng ta có thể thực sự xây dựng một liên minh và chỉ ra rằng đó không phải chỉ là vấn đề Hồi giáo, đó không chỉ là vấn đề Do Thái giáo, đó không chỉ là vấn đề Công giáo, đó không chỉ là vấn đề Cơ đốc giáo, mà đó thực sự là vấn đề của toàn thế giới”.

Ưu tiên chống khủng bồ Hồi giáo của Tổng thống Trump được hiện thực hóa cụ thể trong kết quả Hội nghị cấp cao NATO tại Brussels (Bỉ) hôm 26/5 mà Hoa Kỳ giữ vai trò đầu tàu.

Theo thông báo của NATO, hai vấn đề lớn đã được quyết định tại hội nghị lần này là tăng cường đấu tranh chống khủng bố và cân đối lại gánh nặng chi tiêu quân sự của các nước thành viên.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo rằng NATO đã nhất trí tăng cường hoạt động chống khủng bố tại Afghanistan; tham gia toàn diện vào liên minh quốc tế chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ đứng đầu với tư cách thành viên đặc biệt, tuy nhiên NATO không tham gia chiến đấu; thành lập một tổ tình báo về khủng bố để tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước thành viên, đặc biệt là thông tin về các phần tử khủng bố nước ngoài.

Ngoài ra, các nước NATO cũng đã quyết định mỗi nước thành viên sẽ lập một kế hoạch quốc gia thường niên mô tả quá trình tôn trọng cam kết đầu tư quốc phòng .

Tổng thống Trump nói rằng: “Nếu các nước NATO đóng góp đầy đủ và hoàn chỉnh [chi phí quốc phòng chung], thì NATO sẽ mạnh mẽ hơn ngày nay, đặc biệt là trước mối đe dọa của những kẻ khủng bố”.

Ông Trump còn 1 ngày làm việc với nhóm G7 cùng Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản. Ngoài các vấn đề về thương mại, biến đổi khí hậu và nhập cư, chống khủng bố Hồi giáo cũng sẽ là ưu tiên bàn thảo của các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Xuân Thành

Xem thêm: