Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Sáu (27/10) đã công bố danh sách 39 thực thể liên quan tới tình báo và quốc phòng nga phải chịu chế tài theo luật mới mà Quốc hội Mỹ đã thông qua và Tổng thống Trump miễn cưỡng ký duyệt hồi đầu tháng 8.

Embed from Getty Images

Tổng thống Donald Trump vẫn luôn bày tỏ mong muốn hàn gắn quan hệ với nước Nga, nhưng “tâm lý bài Nga” từ Quốc hội Mỹ khiến ông Trump gặp khó trong việc ban hành các chính sách liên quan tới Điện Kremlin.

Luật trừng phạt Nga mà Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành thực thi yêu cầu Hoa Kỳ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức tham gia vào “giao dịch quan trọng” với các thực thể của Nga. Theo đúng lộ trình, Bộ Ngoại giao Mỹ phải công bố danh sách các công ty của Nga chịu chế tài từ 1/10, nhưng chính quyền Trump đã trì hoãn việc này gần 1 tháng.

Các nhà lập pháp của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ gần đây đều đã chỉ trích cơ quan hành pháp của ông Trump cố tình chậm trễ thực thi luật trừng phạt mà Quốc hội đã thông qua với đa số áp đảo.

Trong tuyên bố về danh sách các thực thể Nga bị trừng phạt hôm thứ Sáu (27/10), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng có nói rằng động thái này bản thân nó không tự áp đặt các chế tài mới, và các quyết định trừng phạt sẽ được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể.

Theo Reuters, trong 39 thực thể bị trừng phạt lần này đa phần là các công ty sản xuất vũ khí chính yếu của Nga, cũng như nhà xuất khẩu vũ khí nổi tiếng Rosoboronexport – một doanh nghiệp nhà nước của Moscow. Ngoài ra, Trung tâm Công nghệ Đặc biệt có trụ sở tại thành phố St. Petersburg cũng bị chế tài. Trung tâm này từng bị cựu Tổng thống Barack Obama cho vào danh sách trừng phạt hồi tháng 12/2016 với cáo buộc cho rằng cơ quan này có vai trò quan trọng trong chiến dịch Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 bằng hình thức tấn công mạng.

Một số quan chức ngoại giao giấu tên nói với Reuters rằng chính quyền Trump sẽ tiến hành từng bước thận trọng trong việc áp đặt các chế tài và giải quyết các vấn đề liên quan như việc các đồng minh của Mỹ mua vũ khí và phụ tùng thay thế của Nga.

Sẽ có một ngưỡng cần thiết để loại ra các trường hợp chưa quan trọng phải chịu trừng phạt. Chúng tôi chắc chắn sẽ phải xem xét tổng thể các trường hợp”, một vị quan chức giấu tên nói.

Một quan chức khác cũng tiết lộ thêm rằng: “Chúng tôi sẽ thực thi các chế tài một cách mạnh mẽ, phù hợp với hiểu biết của chúng tôi về ý định của Quốc hội và các thực tế đã dẫn tới luật này được ban hành, trong đó có việc [Nga] can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta”.

Trong bản hướng dẫn thực hiện chế tài mà Bộ Ngoại giao ban hành hôm thứ Sáu (27/10) cũng nói rằng để xác định liệu một giao dịch có “đáng để chế tài” hay không, các quan chức sẽ cân nhắc đến tác động của nó đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ; cũng như quy mô và phạm vi của giao dịch và tầm quan trọng của thỏa thuận đó đối với ngành quốc phòng và tình báo của Nga.

Xuân Thành

Xem thêm: