Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam về chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Đây là một trong những cam kết rõ ràng nhất của chính quyền Trump đối với các đồng minh, đối tác Châu Á và cũng được coi là đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Trong tuyên bố về hành trình công du Châu Á của ông Trump, Tòa Bạch Ốc cho biết phát biểu của Tổng thống Mỹ tại APEC Việt Nam 2017 sẽ “trình bày tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở và nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực này trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng của nền kinh tế Mỹ“.

Chiến lược ‘Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” là gì?

Cụm từ Ấn Độ – Thái Bình Dương (India-Pacific) thực chất là cách gọi khác đi của chính quyền Trump đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific). Đây là khu vực mà Mỹ thể hiện sự cam kết rộng lớn của mình đối với Châu Á. Từ khi kết thúc Thế chiến II, Hoa Kỳ đã giúp xây dựng và dẫn dắt trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và tự do.

Khu vực này hiện nay có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới; có 7/8 thị trường phát triển nhanh nhất; 7/10 quân đội lớn nhất toàn cầu và nơi đây được dự báo sẽ đóng góp hơn nửa sản lượng hàng hóa của thế giới trong các năm tới.

Chiến lược mới nhằm đảm bảo rằng khu vực trải dài từ Thái Bình Dương tới Vịnh Ba Tư sẽ là nơi tự do, pháp trị và nền kinh tế thị trường được nhấn mạnh. Chiến lược ngoại giao này sẽ bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thương mại và đầu tư dựa trên các luật lệ đã được thiết lập và cũng sẽ thúc đẩy hợp tác trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải.

Chiến lược mới này là sự kế thừa chính sách “xoay trục” sang Châu Á của hai đời tổng thống tiền nhiệm trước Trump là Tổng thống Bush và Tổng thống Obama. Chiến lược cũng dựa trên ba trụ cột đối ngoại chính của Hoa Kỳ là an ninh, kinh tế và dân chủ – nhân quyền.

Về an ninh, nhiều thành viên trong chính quyền Trump, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã nêu ra định hướng chích sách an ninh của Mỹ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tầm nhìn này cho rằng chính phủ Mỹ cùng với mạng lưới các đồng minh và đối tác sẽ không chỉ tập trung vào các mối đe dọa riêng rẽ như khủng bố hay vấn đề Bắc Triều Tiên, mà còn cần chú ý tới thách thức rộng lớn hơn gây ra bởi các quốc gia độc tài chuyên chế, trọng tâm là Trung Quốc, bằng cách thiết lập trật tự quốc tế dựa trên luật lệ như các vấn đề ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Về kinh tế, các quốc gia cùng nhau chia sẻ các giá trị chung về nền tảng kinh tế thị trường để đảm bảo Ấn Độ – Thái Bình Dương tiếp tục là nơi phát triển thịnh vượng, thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Về dân chủ và nhân quyền, sẽ không thể có một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở nếu các nước không cam kết thực hiện tự do dân chủ và đảm bảo nhân quyền.

Chiến lược này được khởi xướng khi nào?

Ngay từ chiến dịch tranh cử 2016, ông Trump đã chủ trương thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết” và tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi nhiều hiệp định kinh tế đa phương nếu không thấy có lợi cho các công ty và người lao động Mỹ.

Không lâu sau khi chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Hợp tác Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và chưa đưa ra chiến lược ngoại giao cụ thể với Châu Á, khiến cho các đồng minh và đối tác của Mỹ không khỏi lo lắng về tính cam kết của Washington tại khu vực này.

Chính sách đối ngoại đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ bắt đầu lộ diện dần trong những tháng gần đây khi các thuộc cấp của ông Trump là Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis bắt đầu nhắc tới cụm từ “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trong các bài phát biểu ở các chuyến công du nước ngoài.

Một số chuyên gia quốc tế nhìn nhận rằng chiến lược mới này của Mỹ là dựa trên cơ sở của đề xướng “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ông Abe đã từng thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa từ tháng 8/2016. Phát biểu tại một diễn đàn về phát triển Châu Phi được tổ chức tại Kenya, Thủ tướng Nhật Bản đã đề xuất chiến lược mới này nhằm đảm bảo rằng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ là nơi tự do, pháp trị và thúc đẩy kinh tế thị trường.

Theo Tòa Bạch Ốc, chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” sẽ được thông báo khi Tổng thống Donald Trump hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo và ngày 6/11.

Một số nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nhật sẽ tìm cách mở rộng chiến lược này tới các nước khác bao gồm cả Ấn Độ và Úc – những quốc gia cùng chia sẻ các giá trị chung về kinh tế thị trường và dân chủ.

Tại sao Mỹ cần có chiến lược này?

Bắt đầu từ thời Tổng thống Bush và trọng điểm là trong kỷ nguyên 8 năm ông Obama cầm quyền, Hoa Kỳ đã tập trung “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương.

Chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” là sự kế thừa định hướng chiến lược đối ngoại lâu dài của nước Mỹ. Mục tiêu chung của các đời tổng thống Mỹ là tạo dựng một khu vực tự do, pháp trị, đẩy mạnh kinh tế thị trường với đầu tầu dẫn dắt là nước Mỹ cùng các đồng minh. Nhưng với ông Trump các thể chế đa phương chỉ giữ vai trò định hướng, công việc thực thi cụ thể sẽ ưu tiên triển khai trong các hiệp định hợp tác song phương.

Với chiến lược này, ông Trump sẽ giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất, trấn an các đồng minh và đối tác tại Châu Á về việc Mỹ vẫn cam kết hiện diện mạnh mẽ ở khu vực này. Thứ hai, đây là bức tường thành để Mỹ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc với dự án “Vành đanh và Con đường” đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bắc Kinh đang tìm cách sử dụng nguồn tài chính khổng lồ của mình để mở rộng ảnh hưởng an ninh quốc gia bằng cách cung cấp đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất liền và trên biển để tạo ra “con đường tơ lụa” hàng hải hiện đại, kết nối Châu Âu với Châu Á và Châu Phi.

Cơ hội và thách thức?

Chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” sẽ tạo nên một khu vực gắn kết rộng lớn bao gồm hai đại dương  (Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương) và hai lục địa (Châu Á và Châu Phi) cùng chia sẻ, củng cố và đẩy mạnh các giá trị về tự do, pháp trị và kinh tế thị trường.

Các nền kinh tế chính và đồng minh lâu năm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc sẽ tiếp tục tạo dựng thêm niềm tin và sự gắn kết. Trong khi, Ấn Độ – với vai trò trung tâm trong chiến lược này – sẽ có điều kiện hợp tác mạnh mẽ hơn với Mỹ, Nhật và các nước khác.

Quan trọng là nếu thực thi hiệu quả, chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” sẽ hoàn toàn có thể kiềm chế được sự bành trướng của Trung Quốc ở cả trên biển và đất liền mà họ đang thực thi thông qua dự án “Vành đai và Con đường”.

Tuy nhiên, trật tự thế giới dựa trên luật lệ mà Mỹ xây dựng từ thời hậu Thế chiến II đang ngày càng chịu áp lực và gia tăng mâu thuẫn nhiều hơn. Hơn nữa, với ông Trump chính sách trọng điểm lại là “nước Mỹ trên hết”. Do đó, khiến các đồng minh và đối tác vẫn đặt nghi vấn liệu nước Mỹ sẽ làm cách nào để hài hòa việc hình thành một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, phụ thuộc lẫn nhau và cách các quốc gia tương tác ở Châu Á và thế giới, với tầm nhìn quốc gia, dân tộc độc lập hơn.

Thách thức của chính quyền Trump là làm thế nào để biến những phát ngôn về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” thành các chính sách thực tế, cụ thể ở cả ba trụ cột an ninh, kinh tế, và dân chủ – nhân quyền.

Việc Mỹ sa lầy vào vấn đề Bắc Hàn hay ông Trump có ý định lật lại thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sẽ khiến nước Mỹ sao nhãng vai trò đầu tàu tại Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Việc Mỹ rút khỏi TPP để đẩy mạnh các hiệp định song phương nhằm định hình hợp tác khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đã để lại một khoảng trống lớn về các kênh hợp tác kinh tế. Tiến trình đàm phán song phương cần một khoảng thời gian nhất định, và một số nước có thể bị dao động bởi “món hời” trước mắt rất lớn nếu họ chịu ngả về Trung Quốc.

Trong khi ở vấn đề nhân quyền, nếu chính quyền Trump không lên tiếng mạnh mẽ hơn với các chính sách độc tài chuyên chế, rất có thể những cuộc bầu cử trong năm 2018 tại Campuchia hay Malaysia sẽ có những kết quả không mong muốn, đi ngược với chiến lược tự do và cởi mở.

Tân Bình

Xem thêm: