Cả Châu Âu đang âm thầm thay đổi về vấn đề di dân, một động thái không có cả những tiếng hoan nghênh hay chỉ trích mà đầy gượng gạo khi họ phải đi theo những gì ông Trump từng tuyên bố.

Trong khi các chính trị gia tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới xếp hàng để lên án Tổng thống Trump trong tuần qua vì một nhận xét mà ông có thể (hoặc không) đã nói, rằng ông gọi một số nước Châu Phi là “hố phân” (shithole) đối với những người phải sống ở đây, thì hiện tại có một sự im lặng kỳ lạ tại Châu Âu, một dấu hiệu cho thấy cơn gió chính trị tại đây về vấn đề di dân đã đổi chiều theo hướng mà họ không hề mong muốn: theo hướng Trump.

Châu Âu là một lục địa đầy rẫy những chính trị gia đạo đức giả, sốt sắng khi được lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ. Nhưng sự hai mặt của giới chức tại EU lộ ra khi họ im hơi lặng tiếng về những chính sách đổi chiều trên lục địa này đối với những người xin tị nạn và di dân từ Châu Phi và Trung Đông.

Tờ New York Times mô tả đây là “một sự im lặng đang rung lên trên khắp các vùng rộng lớn của Liên minh Châu Âu, đặc biệt là phía đông, và hoàn toàn không nghe thấy tiếng những tràng ngân dài kết tội hay chỉ trích”.

Châu Âu trong 2 năm qua cũng chứng kiến cơn sóng của chủ nghĩa dân túy, hiện vẫn sôi sục trong các nghị viện và tuần hành trên đường phố. Rất nhiều chính trị gia Châu Âu đang phải vật lộn để tìm giải pháp đối phó với các dòng di dân từ các nước đang phát triển, hoặc tranh đấu cho sự tồn vong chính trị của mình.

Từ năm 2015, cuộc khủng hoảng di dân quy mô lục địa đã tràn vào và làm thay đổi Châu Âu. Khi đó Thủ tướng Đức Angela Merkel mở hết cỡ biên giới đối với dòng người tị nạn Syria. Bà nói với người Đức: Chúng ta có thể làm được. Nay bà không thể nói như vậy nữa.

Đức

Trong việc xử lý cuộc khủng hoảng di dân, bà Merkel được cả thế giới ngưỡng mộ, hay nói đúng hơn được truyền thông mô tả thành thần tượng của thế giới. Ngay lập tức tạp chí TIME trao cho bà danh hiệu Nhân vật của Năm 2015. Với việc ông Trump và đường lối “Nước Mỹ trên hết” giành thắng lợi trong cuộc bầu cử 2016, bà Merkel nghiễm nhiên trở thành “người bảo vệ tự do” và Đức trở thành “thành trì cuối cùng của thế giới tự do” dưới ngòi bút của một số tờ báo cánh tả. Cùng lúc đó, những cơn sóng người tị nạn và di dân kinh tế từ các nước khác, kéo theo một loạt các cuộc tấn công khủng bố, tội phạm và các vấn đề xã hội khác cũng tràn vào Châu Âu. Sau một năm, kết quả thăm dò tín nhiệm của bà Merkel tụt thê thảm, và bà buộc phải đổi thái độ để làm nguôi ngoai những người chống nhập cư đang ngày càng tăng lên về số lượng.

Tháng 12/2016, bà Merkel thúc đẩy luật “cấm mạng che mặt (cho phụ nữ Đạo Hồi)” và cam kết rằng sự gia tăng di dân năm 2015 “không thể, không nên và không được lặp lại”.

Đảng Dân chủ Cơ đốc (CDU) của bà rõ ràng đã cảm thấy hậu quả trong cuộc bầu cử quốc gia tháng 9/2017 trong khi chứng kiến sự nổi lên của Đảng Thay thế vì nước Đức (AfD), và người phụ nữ 2 năm trước được gọi là “Thủ tướng của thế giới tự do” nay khó có thời gian quan tâm đến thế giới bên ngoài vì phải vận lộn vì sự tồn vong chính trị của mình. Đảng CDU đang phải cố gắng thuyết phục các đảng phái từng là đối tác khác, đảng Dân chủ xã hội cánh tả để lập một liên minh nhằm giúp bà Merkel duy trì quyền lực.

Nhưng một bản thảo về thỏa thuận liên minh được đưa ra, trong đó giới hạn số lượng nhận tị nạn 200.000 một năm, giảm tới 5 lần từ con số hơn 1 triệu người vào năm 2015, cho thấy nhập cư đã trở thành vấn đề quyết định trong để sự nghiệp chính trị của bà Merkel có thể sống sót.

Đông Âu

Khác với Đức, nhiều nước Châu Âu, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu đã từ lâu áp dụng biện pháp cứng rắn đối với vấn đề di dân. Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary đặc biệt kiên quyết trong việc thực hiện chủ quyền và bảo vệ biên giới của họ bất chấp sự phản đối của giới lãnh đạo EU.

Hungary đã dựng lên một hàng rào biên giới cùng một loạt các biện pháp an ninh chặt chẽ khác – và thậm chí họ có cả dũng khí của Trump khi đòi EU trả một nửa tiền cho hàng rào đó. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã trở thành ông kẹ đối với phe cánh tả ủng hộ mở cửa biên giới. Ông Orban mạnh miệng, không e dè và ngôn ngữ ông sử dụng khiến cho ông Trump gần như trở thành người tế nhị.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Bild trong tháng 1 này, ông Orban gọi một số di dân là “những kẻ xâm lăng Hồi giáo” và gọi chủ nghĩa đa văn hóa mà EU nâng niu là “ảo tưởng”.

“Nếu bạn nhận hàng loạt người nhập cư không đăng ký từ Trung Đông vào nước bạn, bạn đang nhập khẩu khủng bố, tội phạm, chủ nghĩa bài Do Thái và nỗi ghê sợ đồng tính luyến ái”, ông nói trong cuộc phỏng vấn trong tuần này.

Ông Orban cũng nhắc tới vụ tấn công tình dục quy mô lớn đối với nữ giới trong đêm Giao Thừa 2015 tại Cologne, Đức, cũng như các vấn đề xã hội khác tại Châu Âu là hậu quả của làn sóng nhập cư từ Châu Phi và Trung Đông.

Tại Hungary, không có khu da đen hay các khu cấm vào của người Hồi giáo, cũng không có các cảnh tượng giống như Đêm Giao Thừa ở Cologne. Những hình ảnh tại Cologne đã tác động sâu sắc đến người Hungary chúng tôi. Tôi có 4 con gái. Tôi không thể chịu được việc các con tôi lớn lên trong một thế giới mà những thứ như vụ Cologne có thể xảy ra”, Thủ tướng Hungary nói.

Trong khi Orban có lẽ là người dụng ngôn nhiều nhất trong giới lãnh đạo chính trị Châu Âu về vấn đề nhập cư, thì nhiều người khác đang âm thầm đi theo ông và Tổng thống Trump.

Pháp, Anh Quốc

Giới lãnh đạo kiểu cách Châu Âu đã thở phào nhẹ nhõm trong tháng 5/2017 khi lãnh đạo trung dung Emmanuel Macron chiến thắng dễ dàng lãnh đạo cánh hữu chống nhập cư Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Rất nhiều người háo hức nhận định rằng chiến thắng nhẹ nhàng của ông Macron là dấu hiệu cho thấy làn sóng dân túy tưởng như không thể ngăn cản vào năm 2016, làn sóng đã đưa đến Brexit và Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đổ sập vào tảng đá.

Nhưng ông Macron cũng không đi theo đường lối mà các lãnh đạo thủ cựu của EU mong muốn, ông ta không giang tay đón người nhập cư mà tự đi con đường ở giữa bà Merkel và ông Orban. Trong bài phát biểu đêm Giao Thừa 2017, Macron thừa nhận: “Chúng ta không thể chào đón tất cả mọi người, và không thể làm việc mà không có luật lệ”.

Chính phủ của Macron cũng thực thi chính sách cứng rắn đối với di dân kinh tế. Việc này khiến ông bị chỉ trích từ nội bộ đảng của mình, họ lên án ông quá cứng rắn và đang chiều lòng những người cánh tả. Phe đối lập thì chỉ vào một dự luật mới của Macron mà theo đó sẽ tăng thời gian giam giữ và gia tăng trục xuất bất cứ ai không được coi là người tị nạn từ một vùng chiến sự.

Hôm thứ Ba tuần này, ông Macron đã tới Calais – nơi từng dựng trại tị nạn quy mô lớn trong cuộc khủng hoảng 2015 và điều kiện ở đây khiến người ta gọi nó là “Trại Rừng Rậm”.

Trong bài phát biểu của mình tại Calais, Macron cam kết sẽ không để nơi này lại biến thành trại tị nạn một lần nữa. Trong buổi gặp Thủ tướng Anh Theresa May hôm thứ Năm này, ông dự định sẽ yêu cầu tái đàm phán thỏa thuận biên giới với Anh và đòi Anh trả nhiều tiền hơn và nhận nhiều người tị nạn hơn.

Anh sẽ không vui vẻ đón nhận yêu cầu này, khi mà việc Anh Quốc rời EU rõ ràng phần lớn là bị thúc đẩy bởi vấn đề di dân và nhu cầu tái kiểm soát biên giới của người Anh.

Năm 2016, Anh đã cho phép trẻ em xin tị nạn có người nhà tại Anh từ trại Calais đi vào nước này. Nhưng người Anh đã phẫn nộ khi phát hiện nhiều người di dân trưởng thành đóng giả làm trẻ em để lọt vào Anh.

Trong tuần này, cựu lãnh đạo Đảnh Độc Lập Anh Nigel Farage nói rằng Pháp phải tự giải quyết vấn đề di dân của mình và không được chơi trò “chuyền khoai tây nóng”.

Nếu họ là di dân bất hợp pháp, Pháp nên trục xuất họ đi, nếu họ là người đến xin quy chế tị nạn, Pháp phải giải quyết cho họ”, ông Farage nói trong bài phỏng vấn với BBC. “Điều này thực ra là hoàn toàn đơn giản nhưng người Pháp không muốn giải quyết nói và sự thật là trong 10, 15, 20 năm qua, họ đã khá là hài lòng với việc lập trại tị nạn để cho người ta bám vào đằng sau xe tải tới Anh, sau đó thì đó là vấn đề của chúng tôi”.

Áo

Một động lực chủ yếu của rất nhiều chính trị gia phương Tây là các cuộc bầu cử cận kề. Trong khi bà Merkel đang phải giành giật để sống sót tại Đức, thì bên kia biên giới, một chính phủ cánh hữu đã được thành lập tại Áo hồi tháng 12. Người đắc cử là ông Sebastian Kurz, 31 tuổi – nhân vật của Đảng Nhân dân (OVP) theo đường lối trung hữu và vận động cho các chính sách cứng rắn hơn đối với di dân. OVP đã lập liên minh với Đảng Tự Do, một đảng cực hữu.

Vào mùa hè này, Áo sẽ giữ chức chủ tịch Hội đồng Châu Âu và ông Kuz nói trong một bài phỏng vấn đăng hôm thứ Tư rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là “kiểm soát biên giới và chặn đứng nhập cư phi pháp tới Châu Âu”.

Thừa nhận thay đổi, nhưng Thủ tướng Áo nói rằng quan điểm của ông không mâu thuẫn với các lãnh đạo EU khác mà trái lại, thái độ của cả EU về nhập cư ngày càng giống ông.

Đã có rất nhiều chuyển biến trong những năm gần đây. Ví dụ, lập trường của Đức hiện nay rất gần với của chúng tôi so với hơn hai năm trước”, ông Kuz nói với từ FAZ của Đức. “Rất nhiều nước đã chuyển về hướng đi đúng đắn. Nay chúng ta cần tập trung vào việc bảo vệ hợp lý biên giới bên ngoài EU và không chỉ toàn tranh luận về vấn đề tái phân phối người tị nạn trong các nước thành viên và hạn ngạnh số lượng người nhận”.

Trong khi Áo chuyển dịch về cánh hữu và Đức đang vất vả lập một chính phủ liên minh, sự chú ý tập trung vào Ý, nơi người dân sẽ đi bầu cử vào tháng Ba này, một cuộc bầu cử bị chi phối bởi vấn đề nhập cư và EU.

Ý

Tại Ý, Phong trào 5 Sao dân túy đang dẫn đầu các cuộc thăm dò bầu cử. Kết quả khả quan nhất mà nhiều người dự đoán là một chính phủ liên minh cánh hữu, lãnh đạo bởi đảng Forza Italia của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi. Đảng Forza là một đảng cánh hữu tương đối ôn hòa, nhưng sẽ phải liên minh với các đảng cực hữu hơn, trong đó có Liên hiệp miền Bắc, một đảng vận động mạnh tay kiểm soát dòng nhập cư vào Ý.

Thậm chí Thủ tướng cánh tả hiện tại là Paolo Gentiloni cũng không thực thi đường biên giới mở với tất cả. Nội các của ông Gentiloni, trong đó nổi bật là Bộ trưởng Nội vụ Marco Minniti chịu trách nhiệm cho việc cắt giảm đáng kể số lượng người nhập cư vào Ý từ Libya bằng các thỏa thuận gây tranh cãi với chính phủ Lybia để tăng cường an ninh và Hải Cảnh tại Địa Trung Hải.

Các nhóm nhân đạo cũng đang chứng kiến sự đổi chiều của cơn gió chính trị này ngay tại những cửa ngõ đón nhận người tị nạn. Phóng viên của Washington Post đã tới trại tị nạn ở đảo Lesbos, Hy Lạp, nơi nhiều di dân đang mòn mỏi chờ đợi để bị ép lên thuyền đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ theo một thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.

Điều đầu tiên mà bạn nhận thấy là cái mùi: mùi hôi thối từ các nhà xí lộ thiên hòa với mùi hàng ngàn xác chết và mùi cay xè của của cành oliu bị đốt để sưởi ấm.

Sau đó là những tiếng động: Tiếng trẻ con ho sù sụ như ông già, tiếng la hét tức giận của những người tranh nhau thức ăn”, tờ Post viết.

Trả lời câu hỏi tại sao một EU từng hào phóng mở cửa đón người tị nạn, nay lại giữ họ trong điều kiện kinh khủng như thế, các nhà hoạt động nói với tờ Post rằng họ tin việc này chính là sự thay đổi trong thông điệp mà các lãnh đạo EU muốn gửi tới những người di dân.

Eva Cosse, một nhà nghiên cứu tại tổ chức nhân đạo Giám sát Nhân Quyền nói rằng thông điệp này rất đơn giản: “Đừng tới đây, nếu không quý vị sẽ mắc kẹt trên hòn đảo kinh khủng này trong vòng 2 năm tới”.

Trần Minh (T/h từ Fox)

Xem thêm: