Trung Quốc đang cho các nước tham gia “Sáng kiến Vành đai và Con đường” vay rất nhiều tiền để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Bắc Kinh trở thành chủ nợ chi phối các nước này và đến khi tới hạn đáo nợ, rủi ro rất cao là các “con nợ” sẽ bị mất chủ quyền vào tay Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh vào ngày 23/11/2017. 

Cho đến tận thời gian rất gần đây, thế giới biết đến đất nước Châu Phi Djibouti bụi bặm nhiều nhất là ở hình ảnh cư dân nơi đây có thói quen nhai lá khat – một loại lá cây bụi có chứa chất kích thích – để có cảm giác thăng hoa. Mỗi ngày, khi cái nóng oi nồng của buổi chiều tăng lên, những người đàn ông Djibouti lại tụ tập thành từng nhóm, nhét ít lá khat vào miệng và nhai cho tới khi đạt được cảm giác hưng phấn, bay bổng. Và thế là, chẳng ai còn làm được việc gì cho tới cuối ngày. Kết quả là, tại đất nước Phi Châu này chẳng có nghành nghề sản xuất nào cả, ngoại trừ việc nhập, buôn bán, phân phối và bán lẻ lá khat.

Tại Djibouti, thời gian luôn trôi đi chậm rãi.

Thế rồi, cho tới gần đây hơn mọi chuyện đã thay đổi. Không biết nên gọi Djibouti được ban phước hay quỷ ám với một vị trí địa lý chiến lược, nằm ngay phía tây của Bab al Mandab – eo biển hẹp giữa Châu Phi và Ả-rập, cửa ngõ vào phía nam biển Đỏ và tới Kênh đào Suez, bắt đầu phát huy tác dụng thu hút sự chú ý của quốc tế. Truyền thống trước đây, tuyến hàng hải chính qua Bab al Mandab tới phương Đông đã luôn bị chi phối bởi bến cảng tự nhiên tuyệt vời, nằm trong một vùng miệng núi lửa núi lửa đã tàn – cảng Aden, Yemen. Nhưng vào năm 2000, một cuộc tấn công tự sát bằng thuyền tại cảng Aden gần như đã đánh chìm tàu khu trục hải quân Mỹ USS Cole đã làm tình hình khu vực chuyển biến. Với việc bến cảng tốt nhất không còn an toàn, nạn cướp biển gia tăng đe dọa cho tuyến hàng hải và khu vực này ngày càng không ổn định, các cường quốc thế giới bắt đầu chuyển hướng sự chú ý của họ sang Djibouti – đất nước sở hữu bờ biển phía tây của eo Bab al Mandab.

Vì từng là thuộc địa của thực dân Pháp, Djibouti từ lâu đã là nơi đồn trú của cả một quân đoàn lính Pháp. Sau đó, vào năm 2001,  người Mỹ cũng đến đây và họ ký thuê đất xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự làm căn cứ chính cho bộ tư lệnh Châu Phi trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Tiếp đến, người Nhật Bản cũng tới đây vào năm 2011. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với vỏ bọc là triển khai hoạt động chống cướp biển, đã thiết lập tại Djibouti căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của người Nhật sau 70 năm.

vi tri djibouti
(ảnh qua ifpnews.com)

Tiếp đó, tới năm 2016, tới lượt Trung Quốc đặt chân tới Djibouti. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã ký hợp đồng thuê đất 20 năm, xây dựng trại lính quy mô lớn, mở các bến cảng cho tàu hải quân neo đậu và vẫn còn thấy ghen tị với đường băng của không lực Mỹ và hệ thống hạ tầng bãi biển của người Pháp.

Tuy nhiên, khác với Mỹ và đồng minh, khi thiết lập sự hiện diện của mình tại Djibouti, Trung Quốc không chỉ mở căn cứ quân sự nước ngoài (công khai) đầu tiên của mình, mà họ còn mang theo dòng vốn vay đổ vào đất nước Châu Phi này theo “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủi vừa qua, thông qua ngân hàng nhà nước – Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, chế độ Bắc Kinh đã cung cấp cho Djibouti khoản vay lớn lên tới 1,4 tỷ USD, tương đương 75% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Kết quả là, tỉ lệ nợ công của Djibouti so với GDP đã tăng lên 85%, trở thành một trong những nước thu nhập thấp có tỉ lệ nợ công cao nhất thế giới. Và nếu Trung Quốc tiếp tục giải ngân cho các cơ sở hạ tầng mới đã được lên kế hoạch bao gồm bến cảng, sân bay, đường cao tốc và đường sắt mới nối với Ethiopia, tỷ lệ nợ của Djibouti sẽ tăng lên hơn 90%, và đáng chú ý là đều nợ một chủ nợ – Trung Quốc.

Quốc tế bắt đầu dấy lên cảnh báo về sự gia tăng nợ công nhanh chóng tại Djibouti và lại tập trung duy nhất vào một chủ nợ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng cách vay nợ của Djibouti là “rủi ro cao”. Và đội ngũ tư vấn của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) có trụ sở tại Washington và London cũng đã xác định Djibouti là một trong những trường hợp đặc biệt nhất trong số các nước nghèo “đang đối mặt với nguy cơ gia tăng rủi ro đáng kể về mất chủ quyền quốc gia nếu các dự án đã lên kế hoạch theo Sáng kiến Vành đai và Con đường được hoàn thành“.

Ngay trong cảnh báo của CGD cũng có ngụ ý rằng, mặc dù trường hợp của Djibouti có thể là nghiêm trọng nhất, nhưng đây không phải là nước duy nhất phải hứng chịu rủi ro mất chủ quyền vì thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cung cấp khoản vay cho nhiều nước tương đối nghèo nhưng có vị trí địa lý chiến lược và Bắc Kinh nhanh chóng nổi lên là chủ nợ quốc tế, có ảnh hưởng lớn nhất.

Trong một nghiên cứu mới phát hành tháng trước, CGD đã xác định ngoài Djibouti, còn có 14 nước khác có vay vốn của Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường có nguy cơ rơi vào “kiệt quệ” tài chính. Trong đó, 7 nước có khả năng vì vay nợ sẽ đẩy nền kinh tế quốc gia đến bờ vực của cuộc khủng hoảng nợ công.

Nước dễ bị tổn thương nhất là quốc đảo Maldives tại Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã cho Maldives vay khoản tiền lớn để xây sân bay mới và các công trình phụ trợ liên quan trị giá tới 1,25 tỷ USD, và còn thêm một bến cảng. Kết quả là, nợ công của Maldives tương đương gần 75% GDP, trong đó 70% là nợ Trung Quốc. IMF vào năm ngoái đã cảnh báo việc Maldives gia tăng nợ công nhanh chóng sẽ gây ra rủi ro cao cho sức khỏe của nền kinh tế của quốc đảo này.

Các quốc gia nợ quá mức khác gồm Tajikistan, Cộng hòa Kyrgyz và Mông Cổ – đều nằm ở biên giới phía cực Tây của Trung Quốc, một khu vực mà chế độ Bắc Kinh thường xuyên trấn áp những người bất đồng chính kiến chính trị và tôn giáo.

Trong khi đó, tại Lào, các khoản vay của Trung Quốc đang tài trợ cho đất nước Đông Nam Á này xây dựng một tuyến đường sắt có giá trị bằng một nửa GDP. Và có thêm cả Pakistan, nước này đang vay Trung Quốc 50 tỷ USD theo lãi xuất thị trường để thực hiện một loạt các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, nhưng rất ít dự án trong đó có cơ hội tạo ra đủ lượng tiền trong trung và dài hạn để trang trải các khoản chi phí lãi vay.

Vấn đề vay nợ cao, trong khi doanh thu dự án không đủ bù đắp chi phí trả lãi, đang tạo ra mối lo lắng lớn. Chính phủ vạy nợ sẽ bỏ qua chi tiêu vào các lĩnh vực thiết yếu khác như y tế hay giáo dục hoặc thậm chí sẽ phải vay nợ thêm để trang trải khoản lãi vay. Những hậu quả có thể xảy ra là tăng trưởng chậm, tỉ lệ lãi vay cao khiến rủi ro gia tăng và mức tăng nợ công nhanh chóng thậm chí có thể khiến quốc gia vay nợ phụ thuộc lớn hơn vào chủ nợ chi phối vì những đối tác cho vay khác không dám cấp vốn vay tiếp.

Kết quả cuối cùng sẽ hoặc là vỡ nợ với những khó khăn kinh tế trầm trọng hoặc phải tái cơ cấu nợ và dẫn tới rủi ro mất chủ quyền. Tái cơ cấu nợ là một viễn cảnh rất đáng quan ngại. Trung Quốc chưa ký kết tham gia vào Câu lạc bộ Paris tập hợp các chủ nợ quốc tế với các quy định thực thi tốt nhất về việc tái cơ cấu nợ.

Thực tế, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã yêu cầu một mức giá cao đối với những nước đi vay muốn tái cơ cấu nợ. Vào năm 2011, Trung Quốc đã yêu cầu Tajikistan chuyển nhượng hàng nghìn km2 lãnh thổ để đổi lại việc được xóa nợ. Và vào năm 2017, Trung Quốc đã hoán đổi khoản nợ của Sri Lanka để được thuê 99 năm cảng biển Hambantota có vị trí chiến lược.

Mô hình hiện tại của các khoản cho vay theo Sáng kiến Vành đai và Con đường đang thực hiện với các nước như Djibouti, khiến cho việc cơ cấu nợ theo cách của Trung Quốc đã làm với Tajikistan và Sri Lanka có thể tiếp diễn trong tương lai. Trung Quốc sẽ đòi hỏi các nước vay nợ phải nhượng bộ về chính trị hay lãnh thổ nặng nề để đổi lấy các điều khoản tái cơ cấu nợ dễ dàng hơn. Và nếu có ai nghĩ khác rằng Bắc Kinh đang cho các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường vay vốn vì lợi ích kinh tế của họ chứ không phải phục vụ cho lợi thế về chính trị và chiến lược của Trung Quốc, thì người đó chắc hẳn phải nhai lá khat để tạo hưng phấn như người Djibouti vẫn làm.

Tác giả: Tom Holland (scmp.com)

Tân Bình dịch và biên tập

Xem thêm: