Khủng hoảng tại Brazil bắt đầu bùng nổ khi thứ Tư 24/5 (giờ địa phương), hàng chục nghìn người đã tràn xuống đường tại thủ đô Brasilia yêu cầu Tổng thống Michel Temer phải từ chức vì cáo buộc tham nhũng.

Cảnh sát chống bạo động được điều động để bảo vệ các toà nhà chính phủ

BBC, dẫn nguồn từ chính quyền Brazil, cho biết rằng họ ước tính có khoảng 35.000 người đang tham gia tuần hành tại thủ đô Brasilia. Quân đội đang được điều động để bảo vệ các tòa nhà chính phủ và có rất nhiều cảnh sát xuất hiện trên các tuyến phố.

BBC ghi nhận đã có đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình và các tờ báo địa phương thông tin rằng đã có một người bị thương và vài người bị bắt giữ.

Một phát ngôn viên của chính quyền địa phương đã nói với hãng tin AFP (Pháp) rằng: “Người biểu tình đã xâm phạm vào các cơ quan chính phủ. Họ đốt lửa trong phòng, phá vỡ các bức ảnh trưng bày về các cựu bộ trưởng và đụng độ với cảnh sát”.

Theo Reuters, cuộc biểu tình này do các đảng phái cánh tả kêu gọi tổ chức. Các liên đoàn lao động và những nhóm khác yêu cầu tổng thống Temer phải từ chức và đề nghị xóa bỏ các biện pháp thắt chặt chi tiêu công, điều có thể làm suy yếu nghiệp đoàn lao động và giảm lương hưu.

Làn sóng yêu cầu ông Temer từ chức đã nổi lên từ vài tuần trước, nhưng vị tổng thống đương nhiệm đã từ chối rời nhiệm sở bất chấp các cáo buộc tham nhũng chống lại ông và các trợ lý thân cận nhất. Cuộc khủng hoảng chính trị này khiến cho chính phủ và chương trình cải cách của Tổng thống Temer rơi vào bờ vực sụp đổ.

Các liên đoàn lao động và đảng phái cánh tả phản đối các cải cách của ông Temer về lương hưu và lao động gọi cuộc biểu tình họ đang tổ chức là “Chiếm đóng Brasilia” để buộc tổng thống phải từ chức.

Đám đông lớn tập hợp ôn hòa tại gần sân vận động quốc gia Brasilia khoảng giữa trưa 24/5.

Sau đó, khi đám đông di chuyển hướng về phía tòa nhà Quốc hội, nhưng bị cảnh sát ngăn cản bằng xịt hơi cay và ném lựu đạn gây choáng. Các hình ảnh chiếu trên truyền hình Brazil cho thấy cảnh sát đã trấn áp người biểu tình bằng dùi cui điện. Xe cấp cứu đã được điều đến hiện trường để điều trị cho một số người bị thương.

Một số người biểu tình đã phản ứng bằng cách đập vỡ cửa sổ các bộ và đốt lửa ở tầng trệt của tòa nhà Bộ Nông nghiệp. Những người khác thì  phun sơn vào một số tòa nhà chính phủ với các hình ảnh graffiti phản đối ông Temer.

Cảnh sát chống bạo động đã lập hàng rào bao quanh tòa nhà Quốc hội, nơi trước đó các nhà lập pháp đã họp bàn về một cuộc chuyển tiếp hậu Temer nếu tổng thống quyết định từ chức hoặc bị tòa án tối cao Brazil bãi nhiệm. Nếu điều này xảy ra, Quốc hội sẽ có 30 ngày để chọn người kế nhiệm, tạm quyền thay ông Temer cho đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Hiện nay, các đảng phái trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Temer đang bị chia rẽ trong các lựa chọn rút khỏi liên minh ngay tức thì hay trước tiên cùng đồng thuận để thay thế tổng thống đương nhiệm và cứu chương trình cải cách của ông ta. Các biện pháp kinh tế thị trường được coi là quan trọng để khôi phục lòng tin kinh doanh và đầu tư để chấm dứt cuộc suy thoái kéo dài hai năm qua.

Đoàn biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội và hô vang các khẩu hiệu: “Hãy loại bỏ Temerr! Tổng tuyển cử ngay bây giờ!”

Các liên đoàn lao động phản đối mạnh mẽ cải cánh của ông Temer vì trong đó có dự luật cắt giảm quyền lực của họ tại nơi làm việc bằng cách cho phép các hợp đồng lao động thời vụ không cần công đoàn và chấm dứt việc bắt buộc phải trả lệ phí nghiệp đoàn.

Ông Dorivaldo Fernandes, 56 tuổi, là thành viên của Nghiệp đoàn công nhân y tế thuộc bang Goias, nói: “Temer không thể ở lại và những cải cách này không thể triển khai vì chà đạp lên các quyền của chúng tôi. Chúng tôi muốn bầu cử trực tiếp ngay bây giờ ”.

Ông Fernandes  nói rằng một tổng thống do Quốc hội chọn là không thể chấp nhận được. “Chúng tôi muốn những người mới trong sạch và có thể dọn sạch mớ hỗn độn này”.

Nguồn cơn khủng hoảng do đâu?

Nguyên cớ trực tiếp dẫn tới cuộc biểu tình này là do Tổng thống Temer và các cộng sự thân tín của ông đang bị cáo buộc tham nhũng.

Theo BBC, tuần trước Tòa án tối cao Brazil đưa ra thông tin ông Temer phải bồi thường hàng triệu USD tiền nhận hối lộ từ năm 2010.

Lời tố cáo tham nhũng này đến từ các ông chủ của một hãng đóng gói thịt khổng lồ của Brazil.

Đáp lại, ông Temer đã thề sẽ chứng minh mình vô tội và tại vị chức tổng thống trong khi làm như vậy.

Hôm thứ Bảy 20/5, Tổng thống đã nộp kháng nghị yêu cầu đình chỉ điều tra, nhưng lại đảo ngược đề nghị này vào hôm thứ Ba 23/5.

Ông Temer tiếp quản vai trò tổng thống thay người tiền nhiệm Dilma Rousseff, cũng bị luận tội vào năm ngoái.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện tại là do Brazil đang rơi vào suy thoái kinh tế trong suốt 2 năm qua.

Nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ vẫn đang phải oằn mình chống chọi với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước.

Theo CNN, nền kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,6% trong năm 2016, đỡ tệ hơn một chút so với mức âm 3,8% vào năm 2015. Đây là cuộc suy thoái kéo dài nhất của nước này với 8 quý giảm liên tiếp.

Tỉ lệ thất nghiệp ở mức 12,6% vào tháng Một. Cùng kỳ năm 2015, tỉ lệ này là 9,5%. 13 triệu người Brazil đang bị mất việc làm. Để có thể hình dung sự tồi tệ này, có thể so sánh với thời điểm suy thoái kinh tế Mỹ năm 2009, tỉ lệ thất nghiệp ở mức 10%.

Theo CNN, sự suy thoái này chủ yếu do chính quyền tham nhũng. Tổng thống Dilma Rousseff đã bị luận tội và phải rời nhiệm sở vào năm ngoái. Rất nhiều chính trị gia, giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế nhà nước bị bỏ tù.

Công ty  Odebrecht, một trong những công ty trong vòng hối lộ lớn tại nước này, đã phải trả khoản tiền phạt lớn nhất trong lịch sử vào tháng 12/2016. Odebrecht thừa  nhận giám đốc điều hành của họ đã phạm luật và đồng ý nộp phạt ít nhất 2,6 tỷ USD cho các cơ quan chức năng ở Brazil, Thụy Sĩ và Mỹ.

Ông Paulo Sotero, Giám đốc Viện nghiên cứu Brazil tại Trung tâm Wilson, Washington DC cho biết: “Mặc dù khó tránh khỏi có sai sót, nhưng các cuộc điều tra đã tiết lộ bản chất tham nhũng của hệ thống quản lý tại Brazil. Người dân Brazil biết rõ vấn đề này đã tồn tại, nhưng họ chưa thể hình dung nó bao phủ rộng lớn thế nào”.

Xuân Thành