Tờ Huffington Post mới đây đã đăng tài liệu đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ, tiết lộ rằng quân đội Hoa Kỳ xác nhận Nga đã phát triển được vũ khí hạt nhân tự hành dưới nước có khả năng phá hủy các cơ sở kinh tế ven biển và cảng biển Hoa Kỳ, được ví như vũ khí “ngày tận thế”.

Tài liệu mà Huffington Post có được là bản dự thảo báo cáo Đánh giá Tình trạng Hạt nhân của Mỹ (NPR) sẽ được Bộ Quốc phòng phát hành vào tháng Hai tới.

Bản dự thảo NPR cho rằng Hoa Kỳ đã yếu thế hơn Nga về vũ khi hạt nhân, bởi vì Moscow vẫn tiếp tục phát triển loại vũ khí hủy diệt này từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, trong khi Washington đã cắt giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia của mình.

Bộ Quốc phòng Mỹ viện dẫn rủi ro từ phía Nga, kết hợp với các mối đe dọa từ Trung Quốc, Bắc Hàn và Iran, để thúc giục Mỹ phải tăng cường chi tiêu cho phát triển vũ khí hạt nhân nhiều hơn.

Theo bản dự thảo NPR, Nga đã bắt tay vào “hiện đại hóa toàn diện” kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Hiện đại hóa hạt nhân chiến lược của Nga đã tăng lên và sẽ tiếp tục tăng khả năng vận chuyển đầu đạn hạt nhân, và mang lại cho Nga khả năng nhân rộng nhanh chóng số lượng đầu đạn hạt nhân đã triển khai”, bản dự thảo NPR cho biết.

Bản dự thảo NPR của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rõ rằng: “Ngoài việc hiện đại hóa hệ thống hạt nhân của Liên Xô cũ, Nga đang phát triển và triển khai các đầu đạn hạt nhân và các máy phóng mới. Những nỗ lực này bao gồm đa nâng cấp mỗi trụ cột trong bộ ba hạt nhân của Nga như máy bay ném bom chiến lược, tên lửa bắn từ tàu ngầm và tên lửa phóng từ mặt đất. Nga cũng phát triển ít nhất hai hệ thống vũ khí liên lục địa mới là tàu lượn siêu tốc và ngư lôi tự hành liên lục địa dưới biển mang đầu đạn hạt nhân”.

Việc sử dụng thuật ngữ “ngư lôi” (torpedo) trong báo cáo NPR là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ công khai xác nhận sự tồn tại của loại vũ khí này. Trong bản thảo NPR có một số chỗ các từ như “AUV” hay “phương tiện tự hành dưới nước” chính là dùng để chỉ “ngư lôi”.

Trang tin news.com.au cho biết Nga lần đầu công khai việc họ đang phát triển ngư lôi là vào năm 2015. Khi đó một đoạn phim do đài truyền hình nhà nước Nga công chiếu đã công bố hình ảnh bản kế hoạch phát triển ngư lôi tự hành trong tay một vị tướng quân đội tại cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin.

ngu loi tu hanh
Bản kế hoạch phát triển ngư lôi tự hành mang đầu đạn hạt nhân được Nga công bố vào năm 2015. (Ảnh: news.com.au)

Các chuyên gia quốc tế thời điểm đó nhận định rằng việc Nga công khai kế hoạch phát triển ngư lôi tự hành không phải là ngẫu nhiên. Đó là một lời cảnh báo có chủ đích mà Moscow nhắm tới Washington và các nước phương Tây khác.

Bản kế hoạch đó của Nga cho thấy ngư lôi tự hành, được họ gọi với tên chính thức là Hệ thống Đa năng Đại dương Trạng thái 6 (Ocean Multipurpose System Status-6), có khả năng tự hành dưới mực nước biển 1km và có thể đạt tốc độ nhanh hơn 56 hải lý. Vũ khí này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có sức công phá 100 Megaton.

Theo bản dịch của BBC về kế hoạch này, ngư lôi tự hành được thiết kế để “phá hủy các cơ sở kinh tế quan trọng của kẻ thù tại khu vực ven biển và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho lãnh thổ của đất nước [bị tấn công] bằng cách tạo ra nhiều khu vực ô nhiễm phóng xạ, khiến vùng đó không thể sử dụng được cho mục đích quân sự hay các hoạt động khác trong một thời gian dài “.

Bản dự thảo NPR của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ nêu ra rủi ro về việc Nga có công nghệ này, nhưng không đề cập đến việc Mỹ có ý định phát triển một loại vũ khí tương tự như vậy hay không.

Tờ Washington Free Beacon mới đây cho biết cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện Nga đã tiến hành thử ngư lôi tự hành vào năm 2016, bắn ra từ tầu ngầm lớp Sarov.

Cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Schneider trao đổi với Washington Free Beacon rằng “Ngư lôi tự hành được thiết kế để hủy diệt người dân bằng cách phát nổ lớn và phát tán phóng xạ diện rộng”.

Ông Schneider nói thêm rằng “Tờ nhật báo Rossiyskaya Gazeta của chính phủ Nga cho biết để đạt được ‘sự ô nhiễm phóng xạ rộng rãi’, vũ khí này ‘có thể được trù tính sẽ sử dụng bom coban’, một loại vũ khí hạt nhân được thiết kế để phát tán một lượng phóng xạ cao hơn nhiều so với một đầu đạn hạt nhân thông thường”.

Bom coban là vũ khí “ngày tận thế”, thuật ngữ đã được sử dụng trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh để đề cập tới loại vũ khí hủy diệt này, nhưng dường như chưa bao giờ được phát triển thực tế cho đến khi Nga công bố về nó.

Ngoại giới nhận định rằng vũ khí hủy diệt này của Nga có thể de dọa phá hủy hoàn toàn hai căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tại bang Georgia và Washington.

Trong bản dự thảo NPR, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng Nga đã phát triển kho vũ khí “đa dạng”, tạo cho họ có lợi thế vượt trên Mỹ.

Nga có lợi thế đáng kể về khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân và về lực lượng vũ khí hạt nhân phi chiến lược so với Mỹ và đồng minh. Họ cũng đang xây dựng một tập hợp lớn, đa dạng và hiện đại về hệ thống phi chiến lược có khả năng kép (có thể trang bị vũ khí hạt nhân hoặc cả vũ khí thông thường). Hiện đại hóa vũ khí hạt nhân phi chiến lược của Nga đang làm tăng tổng số vũ khí đó trong kho vũ khí của họ, đồng thời cải thiện đáng kể khả năng phân phối vũ khí hạt nhân”, Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá trong NPR.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Nga đang hiện đại hóa các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, trong khi cũng phát triển khả năng phòng thủ, trong đó có sản xuất máy đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Tài liệu dự thảo NPR cho rằng Nga tin rằng khả năng vũ khí hạt nhân tiên tiến của họ sẽ cho phép nước này “giảm leo thang” bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến lợi ích quốc gia Nga, nhưng phía Washington cũng nhận định kho vũ khí của Moscow có thể gây ra sai sót thảm khốc.

Trong phần mở đầu của báo cáo NPR, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis viết rằng đánh giá này “đưa ra vào thời khắc quan trọng với lịch sử đất nước chúng ta, vì nước Mỹ đang phải đối mặt với tình hình an ninh quốc tế phức tạp hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc“.

Hiện tại kho dự trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ đã giảm hơn 85% so với thời kỳ đỉnh cao trong Chiến tranh Lạnh. Đây được coi là một chiến lược có chủ ý của Washington nhằm khuyến khích các nước khác cũng cắt giảm kho vũ khí của họ.

New Nuclear Delivery Vehicles over the past decade
Sơ đồ hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Nga, Mỹ, Trung Quốc và Bắc Hàn trong gần một thập kỷ qua. (Ảnh: news.com.au)

Tuy nhiên, Tướng Mattis viết rằng “việc cắt giảm vũ khí [của Mỹ] không được các nước nhìn nhận. Các đối thủ của Mỹ không làm theo tấm gương của chúng ta. Thế giới đang nguy hiểm hơn, chứ không giảm đi”.

Bản dự thảo NPR cuối cùng cho rằng Mỹ cần phải tăng cường đầu tư vào bộ ba hạt nhân Hoa Kỳ, gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất (ICBM), máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

“Ưu tiên hàng đầu” của Bộ Quốc phòng Mỹ là phải đảm bảo bổ sung thêm 3% đến 4% ngân sách hàng năm vào việc duy trì kho vũ khí hạt nhân và họ cho rằng đó là cách hiệu quả để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ kẻ thù.

Mục tiêu của chúng ta là thuyết phục kẻ thù rằng họ không thể đạt được bất cứ điều gì, mà sẽ mất đi mọi thứ nếu tiến hành sử dụng vũ khí hạt nhân [chống Mỹ]”, Tướng Mattis viết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề xuất tiếp tục chương trình hiện đại hóa vũ khí, được khởi sướng từ thời chính quyền Obama, nhằm thay thế tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hành trình hạt nhân bắn từ máy bay và ICBM. Tướng Mattis cũng bày tỏ mục tiêu tăng cường đầu tư vào các phòng thí nghiệm vũ khí hạt nhân, máy bay tiêm kích và máy bay chiến đấu F-35A. Mục tiêu này là phù hợp với thông điệp mà Tổng thống Donald Trump gửi tới các tướng lĩnh quân đội Mỹ vào cuối năm ngoái rằng ông muốn tăng gấp 10 lần kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.

Tân Bình

Xem thêm: