Đó là nhận định của tạp chí Bloomberg về thực trạng hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay. Việt Nam đang có tỉ lệ người tốt nghiệp cao đẳng, đại học thất nghiệp cao và thực trạng giáo dục này có thể sẽ khiến nền kinh tế đất nước tăng trưởng chậm trong tương lai. Bloomberg cũng đưa ra một số đánh giá lạc quan, nhưng  nhìn chung bức tranh giáo dục Việt Nam trong con mắt của hãng tin Mỹ có gam màu tối là chủ đạo.

Sinh viên Việt Nam chụp ảnh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám để chúc mừng tốt nghiệp

Nguyễn Văn Đức đã tốt nghiệp đại học từ 2 năm trước với tấm bằng cử nhân kinh tế tại một trong những trường đại học tốt nhất Việt Nam. Hiện nay, Đức có thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng một tháng từ công việc chạy xe ôm Grab bike tại Hà Nội.

Gia đình Đức có ba anh chị em và cậu là người duy nhất được học Đại học nhờ bố mẹ phải làm thêm nhiều việc. Đức là đại diện của hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không tìm được việc làm đúng ngành học, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước chỉ là 2,3%.

Chàng trai 25 tuổi nói với Bloomberg: “Tại trường đại học, chúng tôi chỉ được học các chương trình nặng về lý thuyết và rất nhiều học phần về tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với lịch sử đảng cộng sản”.

Trong khi, các trường dạy nghề của Việt Nam trang bị cho học viên các kỹ năng cơ bản để làm các công việc đơn thuần về lắp ráp với mức lương thấp. Các trường cao đẳng và đại học cũng không chuẩn bị cho thế hệ trẻ làm các công việc phức tạp hơn. Khi mức lương trong nước tăng lên và công việc sản xuất cơ bản chuyển dịch sang các nước có chi phí thấp hơn, thực trạng này có thể đe dọa tới tham vọng của chính phủ Việt Nam nhằm đưa đất nước trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới một quốc gia đạt mức thu nhập trung bình khi thu nhập bình quân đầu người đạt được hơn 4.000 USD, cao gần gấp 2 lần so với tình hình hiện tại của người Việt Nam.

Ông Scott Rozelle, một nhà kinh tế học về phát triển của trường đại học Stanford (Hoa Kỳ) cho biết: “Với các quốc gia đã chuyển dịch thành công sang giai đoạn kinh tế tiếp theo, họ đã có trình độ giáo dục của các quốc gia phát triển ngay ở trong thời điểm vẫn là các nền kinh tế có thu nhập trung bình. Những nước không làm được điều đó đã chứng kiến nền kinh tế sẽ sụp đổ hoặc mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình”.

Chuyên gia Rozelle cho rằng Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển được các trường đại học chất lượng cao từ lâu trước khi nền kinh tế của họ cần đến lực lượng lao động được giáo dục tốt hơn. Ngược lại, các nền kinh tế như Argentina, Brazil và Mexico tăng trưởng chậm lại sau khi đạt đến mức thu nhập trung bình, một phần nguyên nhân là do không đầu tư hiệu quả vào giáo dục.

Các sinh viên đại học tại Việt Nam thường dành hai năm đầu (trong tổng 4 hoặc 5 năm tùy ngành học) để học về lãnh tụ cánh mạng, lý thuyết xã hội chủ nghĩa của Karl Marx và lịch sử đảng, trong khi họ không có thời gian nghiên cứu các tư duy quan trọng và những kỹ năng khác mà các nhà tuyển dụng mong đợi. Kết quả là công ty không sẵn sàng trả lương cao hơn cho các lao động có bằng cấp nhưng lại thiếu kỹ năng tương xứng, theo thông tin từ Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người trẻ tuổi có trình độ đại học là 17%.

Áp lực lên hệ thống giáo dục

Ông Nguyễn Xuân Thanh, một thành viên cao cấp của Trường quản lý công Harvard Kennedy tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các công ty tư nhân và công ty nước ngoài mong muốn có công nhân, quản lý chất lượng và kỹ sư có kỹ năng tốt hơn. Tầng lớp trung lưu đang mở rộng. Các gia đình Việt Nam muốn có nền giáo dục tốt hơn. Vì vậy áp lực đặt vào hệ thống chính trị phải cung cấp [nền giáo dục tốt hơn]”.

Nhiều bậc cha mẹ bây giờ đang gửi con cái của họ ra nước ngoài để học tập với mong muốn cải thiện cơ hội việc làm tương lai. Theo Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật, bao gồm cả bậc trung học tính đến tháng 5/2016, đã tăng lên gấp 12 lần so với 6 năm trước, ở mức khoảng 54.000 người.

Các nhà chức tránh Việt Nam cũng thừa nhận họ đang gặp thách thức.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, người đang giám sát chiến lược giáo trình mới của Bộ giáo dục, cho biết: “Chính phủ đang cố gắng cải thiện chất lượng đào tạo tại các trường cao đẳng và đại học. Chúng ta cần phải cải cách lại chương trình giảng dạy để giảm việc dạy các môn học không thực tế. Nhưng tiến độ vẫn còn rất chậm. Chưa có tiến triển gì nhiều”.

Tỉ lệ biết đọc biết viết cao, nhưng nâng suất lao động thấp

Việt Nam đã và đang mở rộng số lượng các trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc trong thập kỷ qua lên khoảng 450 trường. Chính phủ dự kiến sẽ có 560.000 sinh viên mới nhập học cao đẳng và đại học  vào năm 2020, tăng khoảng 8% trong 10 năm.

Theo Viện Khoa học Lao động và Các vấn đề Xã hội, mặc dù tỉ lệ người biết đọc biết viết của Việt Nam là 97%, nhưng năm 2016 chỉ có 1/3 lực lượng lao động có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học.

Ở giai đoạn phát triển này, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ngay cả khi năng suất lao động còn thấp. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 6% hàng năm cho đến năm 2019. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thua xa so với các nước khác trong khu vực về việc tận dụng tối đa lực lượng lao động.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có mức năng suất lao động thấp nhất trong Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năng suất của Singapore cao gấp 26 lần Việt Nam; Malaysia gấp 6,5 lần; Thái Lan và Philippines cao hơn khoảng 1,5 lần.

Hy vọng từ khối ngoại và tư nhân

Vẫn có một vài lý do để có thể lạc quan về triển vọng giáo dục của Việt Nam. Bà Đàm Bích Thủy, giám đốc Fulbright cho hay Trường Đại học Fulbright Việt Nam, một tổ chức giáo dục độc lập và phi lợi nhuận, nhận khoản tài trợ ban đầu từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt thành lập và sẽ đi vào hoạt động vào mùa thu năm nay. Bà Thủy cho biết thêm tại Fulbright Việt Nam, chủ nghĩa Marx sẽ được dạy giống như ở các trường đại học phương Tây, nhưng sinh viên sẽ được học tư tưởng của các triết gia khác như Hegel và Kant.

Các công ty cũng đang cung cấp giáo dục bổ sung để giúp người lao động tăng tốc. Tập đoàn FPT, công ty công nghệ và truyền thông lớn nhất Việt Nam đã có các chi nhánh đào tạo khắp cả nước với khoảng 20.000 học viên từ cấp trung học tới cao đẳng và đại học. Tập đoàn Intel, mở các nhà máy lắp ráp và kiểm tra sản phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã cam kết chi 22 triệu USD cho một số chương trình giáo dục, đào tạo.

Tuy nhiên, như ông Lưu Quang Tuấn, Phó giám đốc Viện Khoa học Lao động và Các vấn đề Xã hội có nói với những người bị mắc kẹt vào hệ thống nhà nước, giáo dục có thể là “một sự lãng phí lớn về thời gian và tiền bạc”.

Ông Tuấn cho hay: “Nhiều người tốt nghiệp đại học thiếu các kỹ năng quan trọng như kỹ năng làm việc nhóm và tổ chức khi làm việc trong các doanh nghiệp. Điều này cũng khiến nền kinh tế bị đình trệ”.

Theo Bloomberg

Tân Bình dịch

Xem thêm: