Cũng giống như Việt Nam, Bắc Hàn có chung đường biên giới rộng lớn với Trung Quốc. Việt Nam cũng từng nhận được rất nhiều sự trợ giúp của chế độ Bắc Kinh trong suốt các cuộc chiến tranh từ 1950 tới 1975. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã bị Trung Quốc “dạy cho một bài học” vào đầu năm 1979. Bài học đó có thể cũng rất có ý nghĩa cho Bắc Hàn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với Trung Quốc.

GettyImages 72205088
Một người lính Bắc Hàn đứng cạnh quốc kỳ tại vùng ngoại ô thành phố Sinuiju. Bức ảnh được chụp tại thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, giáp biên giới Bắc Hàn vào ngày 18/10/2006. Trung Quốc đã thúc giục Bắc Hàn không tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng nói rằng lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc áp đặt lên họ sau vụ thử hạt nhân là “tuyên bố chiến tranh”. (Ảnh Cancan Chu/Getty)

Trong 7 thập kỷ qua, mỗi khi mối quan hệ Mỹ – Triều leo thang và nguy cơ chiến tranh sắp xảy ra, Mỹ luôn áp dụng chính sách ngoại giao dạng “jack-in-box” với quan niệm rằng Trung Quốc nắm giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị, quân sự hiện thời trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và cựu Cố vấn trưởng Tòa Bạch Ốc Stephen Bannon là những nhân vật gần nhất có quan điểm cho rằng Trung Quốc có quyền lực và tầm ảnh hưởng để khuyên răn “nhà nước vệ tinh” của họ phải dừng đe dọa chiến tranh và khiêu khích hạt nhân. Thực tế, kể từ khi quân đội Trung Quốc vượt sông Áp Lục vào ngày 1/10/1950, và tấn công các lực lượng Mỹ và Liên Hiệp Quốc trên đất Bắc Triều Tiên, nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tìm đến Bắc Kinh như là giải pháp để ngăn chặn những hành vi ngỗ nghịch của chế độ nhà họ Kim.

Thực tế, mặc dù có bằng chứng rõ ràng rằng lãnh đạo đương nhiệm của Triều Tiên, Kim Jong-un, có mối quan hệ căng thẳng với người hàng xóm lớn của mình và đã công khai phản đối lãnh đạo cộng sản Bắc Kinh cũng như cố ý giảm ảnh hưởng của Trung Quốc lên đất nước mình, nhưng câu chuyện về “nhà nước vệ tinh” của Bắc Kinh vẫn được các bên tiếp tục theo đuổi. Dù sự thật là thế nào, câu chuyện này chắc chắn đi ngược lại với thực tiễn lịch sử về sự không tin cậy lẫn nhau giữa hai nước Trung – Triều.

Đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực và tàn tích của Chiến tranh Trung-Việt 1979 đối với nhận thức của Bắc Triều Tiên về Trung Quốc chưa từng bị lãng quên. Trung Quốc đã tấn công đồng minh thân cận của mình vào năm 1979 – một nước mà họ đã ủng hộ từ Chiến tranh Đông Dương lần đầu những năm 1950 (chống Pháp) – nhấn mạnh một nhận thức rằng rốt cuộc Bắc Kinh không đáng để Bắc Hàn đặt niềm tin cho dù người Trung Quốc đã hỗ trợ họ trong chiến tranh Triều Tiên và hai nước đã ký Hiệp định Hữu nghị và Tương trợ lẫn nhau Trung – Triều.

Mối quan hệ Trung – Triều có nhiều nghi kỵ ngay từ lúc khởi đầu

Mối quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên đã không tốt đẹp gì ngay từ khi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra đời. Lãnh tụ đầu tiên của Bắc Hàn, ông Kim Nhật Thành lúc mới khởi động cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 đã tự thấy rằng ông không cần Trung Quốc trợ giúp vẫn có thể thống nhất được bán đảo Triều Tiên. Ông có thái độ khinh thị với các đại diện từ Trung Quốc, thậm chí từ chối yêu cầu của sĩ quan Trung Quốc về việc nghiên cứu chiến trường và xếp phương án nhờ sự trợ giúp của quân đội Trung Quốc là lựa chọn cuối cùng. Cách hành xử của ông Kim có lẽ một phần là kết quả từ mối hằn thù cá nhân (ông Kim từng bị cộng sản Trung Quốc bắt giam năm 1934) và cũng do mối quan hệ gần gũi giữa Bắc Hàn với Liên bang Xô Viết (Bình Nhưỡng về bản chất là nước vệ tinh của Liên Xô từ cuối những năm 1940). Tuy nhiên, ông Kim cũng có những nghi kỵ sâu sắc về chính quyền cộng sản mới tại Trung Quốc, vậy nên ông đã cố gắng tối thiểu hóa vai trò của Bắc Kinh tại bán đảo Triều Tiên.

Lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông xem Bắc Hàn là một trong những điểm trọng yếu trong mâu thuẫn lớn hơn giữa Đông và Tây (Cộng sản và Tư bản). Vì Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ ông Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan, nên ông Mao nhìn nhận Trung Quốc thực tế đang trong cuộc chiến với Hoa Kỳ từ năm 1950. Do Trung Quốc tại thời điểm đó không có lực lượng không quân hay hạm đội hải quân đủ mạnh để tiến hành một cuộc chiến xâm lược Đài Loan và hoàn thành việc thống nhất toàn Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của cộng sản, nên ông Mao đặc biệt coi Bắc Hàn với địa hình nhiều đồi núi là chiến trường mà Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) có lợi thế tương đối khác biệt của mình – số lượng binh lính vượt trội – để chống lại người Mỹ và cho thế giới biết rằng Trung Quốc cũng là một siêu cường cần được coi trọng.

Đối với ông Mao Trạch Đông, Triều Tiên trước hết và trên hết chính là con tốt trong một trò chơi quyền lực lớn hơn. Ông ta ít bận tâm tới chỉ riêng chế độ nhà họ Kim. Như nhà lịch sử học David Halberstam viết trong cuốn sách “Mùa Đông lạnh giá nhất: Mỹ và cuộc chiến tranh Triều Tiên”, điều mà người Trung Quốc đã làm tại Triều Tiên là “tham gia chiến tranh, gánh chịu thương vong khủng khiếp, nhưng cũng làm bế tắc tiến trình [thống nhất Triều Tiên] của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc – họ đã hành động vì những lý do của chính họ, chứ không phải vì bất kỳ tình yêu vĩ đại nào đối với nhân dân Triều Tiên và ông Kim tại thời điểm đó không có nhiều ý nghĩa trong con mắt của Bắc Kinh”.

Thực trạng này thay đổi rất ít trong suốt phần còn lại của cuộc chiến tranh Triều Tiên và trong cả những thập niên 1950.

Trong những năm 1960, mối quan hệ Trung – Triều thậm chí còn xuống dốc hơn nữa. Thậm chí giống như nhiều “kẻ thù tư bản”, Đảng Lao động Triều Tiên (KWP) đã nhìn nhận cuộc Cánh mạng Văn hóa tại Trung Quốc là “sự điên loạn khổng lồ” và coi ông Mao Trạch Đông là “lão điên rồ mất trí”. Trung Quốc đổi lại cáo buộc Bắc Hàn là những kẻ “có tư tưởng xét lại”, vốn bị coi là phản bội lý tưởng cộng sản. Điều này khiến hai nước tiếp tục bất đồng trong các thập kỷ tiếp theo, tiếp diễn suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và kéo dài cho đến hiện tại. Như nhà lịch sử học và chuyên gia về Bắc Hàn John Delury nhận xét rằng: “Nếu có một từ ngắn gọn để đúc kết sự nhìn nhận của Bắc Hàn về lịch sử của “liên minh” giữa họ và Trung Quốc, đó có lẽ là từ ‘phản bội’”.

Chiến tranh biên giới Trung – Việt và bài học thực tế cho Bắc Hàn

Mặc dù cuộc chiến tranh Trung – Việt không ảnh hưởng trực tiếp tới Bắc Hàn cả về quân sự và chính trị, nhưng nó đã minh họa cho Bình Nhưỡng thấy tính bất đối xứng luôn hiện hữu trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với các đồng minh nhỏ hơn và sự tàn bạo của chính quyền Trung Quốc trong việc theo đuổi lợi ích quốc gia. Trong hơn hai thập kỷ từ năm 1950 đến năm 1975, Trung Quốc đã gửi tới Việt Nam khoảng hơn 20 tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự. Bắc Kinh cũng đã đưa tới Hà Nội nhiều cố vấn chính trị và quân sự để giúp Việt Nam trong nỗ lực chiến đấu chống Pháp và Mỹ. Tổng cộng, Trung Quốc đã gửi 320.000 quân tới Bắc Việt trong những năm 1960, khoảng hơn 4.000 binh lính trong số đó đã hy sinh trong toàn bộ cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng Trung Quốc, tương tự như những gì họ đã làm ở Triều Tiên, chỉ đưa lực lượng quân đội thông thường (bộ binh) vào tham chiến khi Hoa Kỳ đổ quân trực tiếp vào Bắc Việt .

Tuy nhiên, mối quan hệ Trung-Việt nhanh chóng xấu đi vào giữa những năm 1970 sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Việt Nam sau đó đã gia nhập Hội đồng hợp tác kinh tế hợp nhất Liên Xô (COMECON) và ký kết Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác với Liên bang Xô viết năm 1978, trong khi Trung Quốc và Liên Xô đang rơi vào cuộc cạnh tranh gay gắt về vai trò lãnh đạo cộng sản trong các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Bắc Kinh cảm thấy bị Hà Nội coi thường. Như ông Nguyễn Minh Quang nói: “Trung Quốc đã gọi hiệp định [Xô – Việt] là liên minh quân sự và gọi Việt Nam là ‘Cuba của phương Đông’, đang mưu cầu ‘giấc mơ đế quốc’ bá chủ tại Đông Nam Á”. Kết quả là, Trung Quốc cảm thấy họ cần phải “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 1/1979, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói thẳng thừng với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter về hành động quân sự sắp xảy ra, ông Đặng nói: “Thằng bé đang trở nên ngỗ nghịch, đã đến lúc nó phải bị đánh đòn”. Có một cảm giác về sự phản bội sâu sắc nằm trong những lời nói này, Bắc Kinh đã nghĩ rằng Hà Nội vô ơn với những trợ giúp và hy sinh của người Trung Quốc trong những cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc lo sợ sự bao vây của Liên Xô và muốn cho Việt Nam thấy rằng đồng minh mới của họ, Liên bang Xô viết, sẽ không sẵn lòng hoặc không thể đến trợ giúp họ trong một cuộc xung đột quân sự.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi đó cũng có những lý do nội tại trong nước để triển khai một cuộc đối đầu bên ngoài như cuộc chiến tranh với Việt Nam với mục đích gạt bỏ các quan chức cao cấp theo tư tưởng Mao trong quân đội PLA. Ông Nguyễn Minh Quang cho rằng: “Một số nhà sử học đã từng suy đoán rằng một cuộc chiến tranh như vậy là cần thiết để ủng hộ kế hoạch hiện đại hóa của ông Đặng bởi việc nhấn mạnh được sự yếu kém về công nghệ của PLA và để quân đội phải phân tâm vào cuộc xung đột”.

Ông Đặng đã huy động một lực lượng khoảng 300.000 quân áp sát biên giới Trung – Việt vào đầu năm 1979 và đợi thời cơ chín muồi để phát động tấn công. Cái cớ gây chiến của Trung Quốc ngay lúc đó là cáo buộc chính quyền Việt Nam ngược đãi người dân tộc thiểu số, quân đội Việt Nam xâm lược hoàn toàn Campuchia vào năm 1978 và lật đổ chế độ Khmer đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn, cũng như Việt Nam chiếm đóng quần đảo Trường Sa – khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Theo một nhà sử học, trên thực tế, cuộc chiến tranh biên giới Trung – Việt là “một hành động trả thù” của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, gọi đó là “cuộc phản công tự vệ” chống lại “những tên côn đồ Châu Á” và “những con chó đang chạy theo Liên Xô”. Các phương tiện tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc đã miệt thị Việt Nam bằng những lời lẽ thô bỉ nhất. Trong vòng 30 ngày, quân đội PLA đã phải hứng chịu những trận chiến đẫm máu nhất kể từ chiến tranh Triều Tiên.

Tới ngày 16/3/1979, Trung Quốc đã rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi chế độ Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đã đạt được những mục tiêu chiến tranh của mình, trong đó có việc chiếm đóng hai thành phố của Việt Nam. Kết quả của cuộc đụng độ: khoảng 22.000 – 63.000 người Trung Quốc đã bị chết và bị thương. Số thương vong của Việt Nam ước tính vào khoảng 10.000 người. Sau đó hai nước vẫn có những cuộc đụng độ quy mô nhỏ ở khu vực biên giới và mâu thuẫn tiếp diễn cho tới đầu những năm 1990.

Cuộc chiến tranh Trung – Việt đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những nước láng giềng của Trung Quốc tại Châu Á và bài học rút ra từ cuộc xung đột này rất rõ ràng cho Bắc Hàn: Trung Quốc sẽ không ngần ngại từ bỏ một đồng minh hoặc sẵn sàng sử dụng vũ lực để thúc đẩy lợi ích quốc gia của họ. Đúng như câu châm ngôn của Công tước Henry John, cựu Thủ tướng của Vương Quốc Anh (1784 – 1865) rằng không có kẻ thù vĩnh cửu và đồng minh mãi mãi, chỉ có lợi ích là tồn tại vĩnh viễn, vậy nên Trung Quốc mới lựa chọn chiến tranh với một nước mà họ đã ủng hộ cả về kinh tế, quân sự và chính trị trong hơn hai thập kỷ.

Giới lãnh đạo Bắc Hàn trước tiên nhìn thấy chiến thắng của Bắc Việt trước quân đội Mỹ và Nam Việt là một cơ hội chiến lược. Như học giả John Delury lưu ý: “Ông Kim Nhật Thành đã tự nhiên nhìn vào tình huống đang diễn ra ở Việt Nam, với sự ghen tị, so sánh trực tiếp với tình huống trên bán đảo Triều Tiên. Việc Mỹ rút quân và dân Sài Gòn di tản trong năm 1975, diễn ra trong bối cảnh Mỹ áp dụng “Học thuyết Guam” tổng quát của Tổng thống Nixon nhằm giảm bớt cam kết quốc phòng của Mỹ ở Châu Á, gợi mở chiến lược cho ông Kim thúc đẩy một nỗ lực mới nhằm thống nhất bán đảo Triều Tiên theo cách thức của Bắc Hàn”.

Thật vậy, Bắc Hàn đã có trải nghiệm tham chiến trực tiếp chống Mỹ tại Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần 2. Bình Nhưỡng đã cung cấp một khoản viện trợ quân sự và kinh tế đáng kể, bao gồm cả việc phái một phi đội chiến đấu tới Bắc Việt. Ông Kim Nhật Thành được cho là đã nói với các phi công Bắc Hàn rằng “hãy chiến đấu trong cuộc chiến này như thể bầu trời Việt Nam chính là bầu trời của chúng ta”. Theo một số ước đoán, khoảng hơn 200 phi công Bắc Hàn đã trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, Bình Nhưỡng đã huy động ít nhất 2 trung đoàn pháo phòng không để bảo vệ Hà Nội. Ngoài ra còn có những binh lính đánh bộ Bắc Hàn tham chiến trực tiếp cùng quân đội Bắc Việt. Cho tới nay vẫn chưa có số liệu nào chỉ ra có bao nhiêu binh lính Bắc Hàn đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam.

Ấy thế mà, theo nhà sử học Shen Zhihua, khi ông Kim Nhật Thành sang Trung Quốc gặp ông Mao Trạch Đông năm 1975, vị Chủ tịch Trung Quốc đã từ chối ủng hộ đề xuất mới về việc tái thống nhất bán đảo Triều Tiên của ông Kim. Sau đó, bằng chính ví dụ tại Việt Nam, Bắc Hàn đã sớm nhận ra rằng vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên không bảo đảm sự không can thiệp của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ không để cho Bình Nhưỡng có được chính sách đối ngoại độc lập. Học giả John Delury nhấn mạnh rằng: “Hãy tưởng tượng ông Kim tức giận thế nào khi chưa đầy ba năm sau, ông Đặng Tiểu Bình tới thăm Bình Nhưỡng và có thể đã nói với ông Kim về cuộc xâm chiếm sắp tới mà Trung Quốc phát động đối với nước Cộng sản Việt Nam thống nhất”.

Ông Delury nói: “Tội của Việt Nam khi đó là gì? Đó chính là dám theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập tại Đông Nam Á và đang thực hiện việc đó với sự hậu thuẫn của kẻ thù không đội trời chung của Trung Quốc – Liên bang Xô viết”.

Các học giả đã từng chỉ ra rằng Bắc Hàn đã tuân thủ nguyên tắc không liên kết trong suốt nhiều năm của cuộc Chiến tranh Lạnh. “Ông Kim cũng duy trì mối quan hệ với Moscow, nhưng từ chối lựa chọn đứng về bất kỳ bên nào trong bối cảnh chia rẽ Trung – Xô. Nếu Trung Quốc có thể đảo chiều và xâm lược một nước Việt Nam cộng sản tái thống nhất, thì sự an toàn của nước Triều Tiên cộng sản sẽ như thế nào?”, Ông Delury đặt giả định. Tính nghiêm túc của câu hỏi này đã không bị người Bắc Hàn bỏ qua vào năm 1979 và có thể, nó vẫn tiếp tục ở trong tâm trí của các nhà hoạch định chính sách ở Bình Nhưỡng cho đến ngày nay, làm suy yếu niềm tin vào Bắc Kinh.

Theo Franz-Stefan Gady (The Diplomat)

 Tân Bình dịch

Xem thêm: