Báo cáo của một tổ chức nhân quyền hôm thứ Tư (19/7) cho hay chế độ Bắc Triều Tiên tiến hành các cuộc hành quyết công cộng đối với người phạm tội từ phát tán tài liệu Hàn Quốc, mãi dâm tới cả các hành vi ăn cắp đồng từ nhà máy hay lấy trộm lương thực. Các vụ hành quyết này được thực hiện tại các địa điểm công khai như bãi sông, sân trường học và các khu chợ.

Theo Reuters, thông tin trên có trong báo cáo đặc biệt được thực hiện bởi Nhóm Làm việc Tư pháp Xuyên Quốc gia (TJWG) – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc. TJWG cho hay các quyết định về việc hành quyết công khai nằm ngoài quy định tư pháp như vậy thường áp dụng với các đối tượng bị xếp là có lý lịch gia đình “xấu” hoặc trong một chiến dịch của chính quyền nhằm ngăn chặn một hành vi nào đó.

Kim Jong un va tu tu

Tổ chức phi chính phủ này nói rằng báo cáo của mình được thực hiện trong khoảng 2 năm dựa trên việc phỏng vấn 375 người đào tị Bắc Triều Tiên.

Nhóm TJWG là tập hợp của các nhà hoạt động nhân quyền, các chuyên gia nghiên cứu và được lãnh đạo bởi ông Lee Younghwan, người đã từng nhiều năm làm việc trong vai trò người bảo vệ nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.

TJWG nhận được phần lớn nguồn tài trợ từ Quỹ Quốc gia vì Dân chủ có trụ sở tại Hoa Kỳ. Quỹ này nhận tiền tài trợ từ Quốc hội Mỹ.

Báo cáo của TJWG nhằm mục đích ghi lại các địa điểm giết người và khu nghĩa trang tập thể mà trước đây chưa từng được thực hiện để ủng hộ một nỗ lực quốc tế vạch trần tội ác chống lại loài người của chế độ Bình Nhưỡng.

Đại diện của TJWG trao đổi với Reuters rằng: “Các bản đồ và các lời khai của nhân chứng kèm theo tạo ra một bức tranh tổng thể về quy mô lạm dụng [quyền con người của Bắc Triều Tiên] đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua”.

TJWG cũng nói thêm rằng việc lập được bản đồ về các địa điểm của các ngôi mộ tập thể và các khu vực hành quyết công cộng sẽ có thể đóng góp thêm cho các tài liệu thúc đẩy trách nhiệm giải trình và đưa Bắc Hàn ra công lý trong tương lai.

Báo cáo chỉ ra rằng các vụ hành quyết được thực hiện trong các trại giam nhằm dấy lên sự sợ hãi và đe dọa những người khác đang có ý định trốn thoát. Trong khi đó, các vụ hành quyết công cộng được tiến hành với những tội khá nhỏ nhặt, bao gồm cả việc trộm cắp nông sản như ngô và gạo.

Những người ăn trộm dây cáp điện và các hàng hoá khác từ nhà máy đem ra ngoài bán, hoặc những người truyền tay các tài liệu truyền thông của Nam Hàn cũng phải chịu án tử hình và thường hành quyết bằng xử bắn.

Các nhân chứng cũng nói rằng mọi người có thể bị đánh cho đến chết. Một cuộc phỏng vấn mà TJWG ghi lại có nói: “Một số tội phạm được coi là không đáng để phải lãng phí đạn”.

Các quan chức bị buộc tội tham nhũng hoặc gián điệp cũng sẽ bị hành quyết. Trong khi tiến hành xử tử, quan chức ở các khu vực khác sẽ được mời tới xem. Giới chức nhà Kim coi đó là “thủ thuật ngăn chặn” các hành vi phạm tội tiềm tàng.

Các báo cáo của TJWG  chưa được bên thứ ba xác minh độc lập. Tờ Reuters đưa tin về báo cáo này cũng nói rằng họ chưa thể xác minh nguồn tin này.

Chính quyền Bắc Hàn vẫn luôn phủ nhận các cáo buộc lạm dụng nhân quyền và cho rằng công dân của họ được hưởng sự bảo vệ theo hiến pháp. Chế độ Bình Nhưỡng cáo buộc Hoa Kỳ mới chính là nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, thực tế trong những năm gần đây các báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) đều lên án vấn đề nhân quyền của chế độ Kim Jong-un.

Các nước thành viên của LHQ vào năm 2014 đã kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét đưa Bắc Triều Tiên và lãnh đạo tối cao của nước này lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về tội ác chống lại nhân loại theo báo cáo của Ủy ban Điều tra LHQ được công bố cùng năm.

Ủy ban Điều tra của LHQ đã thông tin chi tiết các vụ lạm dụng của chế độ Bình Nhưỡng, bao gồm các trại giam lớn, tra tấn có hệ thống, bỏ đói và hành quyết không khác gì hành vi tàn bạo thời Đức quốc xã. Ủy ban này nhấn mạnh có sự liên quan chặt chẽ giữa các hành vi tội ác này với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn phủ nhận các cáo buộc nêu trên và việc thúc đẩy nêu tên Bắc Hàn và lãnh đạo nước này tại Tòa án Hình sự Quốc tế bị đình trệ vì Trung Quốc và Nga dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an để ngăn cản.

Xuân Thành

Xem thêm: