Reuters hôm 2/4 dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng dân tị nạn tại Đức phải tôn trọng các giá trị như khoan dung, cởi mở và tự do tôn giáo, trong khi các thành viên cấp cao trong đảng của bà kêu gọi cấm tài trợ nước ngoài cho các Nhà thờ Hồi giáo tại Đức.

Bà Merkel vẫn mong muốn tiếp tục tái cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 của mình trong cuộc bầu cử dự báo căng thẳng vào tháng 9 tới đây. Khả năng tái cử của bà Merkel đang bị đe dọa bởi trong hai năm qua nữ Thủ tướng đã cho phép tới hơn 2 triệu người di dân và tị nạn nhập cư vào Đức.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên người Syria đã đến Đức từ năm 2015 về việc người Đức mong muốn gì ở dân tị nạn, bà Merkel đã nói:

Chúng tôi kỳ vọng bất cứ ai tới đây phải tuân thủ luật pháp của chúng tôi.

Bà nói rằng điều quan trọng nhất là những người mới đến biết tôn trọng và hiểu những giá trị tự do của nước Đức hiện đại như sự khoan dung, cởi mở, tự do tôn giáo và tự do bày tỏ quan điểm.

Đổi lại, nữ lãnh đạo theo đường lối trung hữu này đã kêu gọi người Đức hãy thể hiện sự cởi mở của mình. Bà nói: “Chúng ta biết rất ít về Syria, chúng ta biết rất ít về Iraq và các nước châu Phi. Và chúng ta phải xem điều này là cơ hội để  học hỏi nhiều hơn và trải nghiệm nhiều hơn.”

Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ (CDU) của bà Merkel đã đánh mất nhiều sự ủng hộ từ quyết định năm 2015 của bà cho phép mở cửa biên giới đón hàng trăm nghìn người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Syria và Iraq.

Nhập cư và an ninh được coi là các vấn đề chính quyết định cho cuộc bầu cử sắp tới, trong khi, đảng Thay thế vì nước Đức (AfD) – một đảng dân chủ cực hữu, chống người nhập cư dự kiến sẽ gia nhập Quốc Hội ở nhiệm kỳ tới.

Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm giải quyết sự lo lắng và bất mãn của cử tri truyền thống ủng hộ CDU đối với chính sách di dân của bà Merkel, Phó Chủ tịch đảng CDU, Julia Kloeckner đã kêu gọi thiết lập các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các nhà thuyết giảng Hồi giáo và ban hành lệnh cấm các nguồn tài trợ nước ngoài cho các Nhà thờ Hồi giáo tại Đức. Đây là ý kiến lập lại những gì các thành viên cấp cao khác trong CDU nêu ra trong suốt những ngày gần đây.

Phần lớn bốn triệu người Hồi giáo sống ở Đức có gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ và một số Nhà thờ Hồi giáo ở Đức được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ.

Phó Chủ tịch Kloeckner nói với tờ Bild: “Một ‘luật Hồi giáo’ có thể đặt quyền và nghĩa vụ của người Hồi giáo sống ở Đức trên cơ sở pháp lý mới.”

Kloeckner cũng kêu gọi các Nhà thờ Hồi Giáo cần đăng ký công khai để giới chức có danh sách đầy đủ, ngoài ra, họ cũng cần cung cấp thông tin về các nhà tài trợ và những người xuất vốn cho các cơ sở tôn giáo này.

Bà Kloeckner  nói thêm rằng bộ quy tắc như vậy cũng nên bao gồm quyền yêu cầu cố vấn tôn giáo chuyên trách Hồi giáo tại các nhà tù, bệnh viện và trại dưỡng lão.

Đối tác trong chính phủ liên minh với CDU đồng thời cũng là đảng đối lập trong cuộc bầu cử sắp tới, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đã tuyên bố bác bỏ ý tưởng nêu trên của lãnh đạo CDU.

Phó Chủ tịch SPD, Olaf Scholz nói với tập đoàn truyền thông Funke: “Theo tôi, các đề xuất này hầu như không tương thích với hiến pháp Đức” và thêm rằng luật pháp không thể chỉ thiết lập cho một cộng đồng tôn giáo đơn lẻ.

Trong khi đó, bình luận về các đề xuất của Đảng của bà Merkel, Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo tại Đức, Burhan Kesici cho rằng những đề xuất này thiếu dân chủ là và đặt người Hồi Giáo vào tình trạng bị hoài nghi.

Xuân Thành

Xem thêm: