Chiều muộn thứ Bảy (16/12), lãnh đạo Đảng Nhân dân Sebastian Kurz đã thông báo lập liên minh thành công với Đảng Tự do. Theo đó, đảng cực hữu sẽ nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong nội các mới tại Áo.

Embed from Getty Images

Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen (trái) tiếp lãnh đạo Đảng Nhân dân Sebastian Kurz hôm thứ Bảy (16/12).

BBC cho hay hôm thứ Bảy (16/12), Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã phê duyệt đề xuất thành lập liên minh giữa Đảng Nhân dân bảo thủ và Đảng Tự do cực hữu. Động thái này đưa nước Áo trở thành quốc gia Tây Âu duy nhất có thành viên nội các theo đường lối cực hữu.

Trước cuộc gặp với Tổng thống Van der Bellen, lãnh đạo Đảng Nhân dân Sebastian Kurz đã nói rằng: “Chúng tôi có một liên minh tốt và mạnh mẽ”.

Sau khi gặp ông Kurz, Tổng thống Áo cho hay tất cả đều đồng ý rằng “lợi ích quốc gia của nước Áo phải được duy trì tại trung tâm của một Liên minh Châu Âu (EU) mạnh mẽ và phải tham gia tích cực vào tương lai phát triển của EU”.

Được biết, trong cuộc bầu cử quốc hội Áo hồi tháng 10, Đảng Nhân dân của ông Kurz đã giành chiến thắng với 32% (giữ 62 trong tổng cộng 183 ghế Quốc hội). Tuy nhiên, chiến thắng này chưa đủ đa số tối thiểu và Đảng Nhân dân quyết định thành lập liên minh với Đảng Tự do. Đảng theo đường lối cực hữu này về thứ ba với 26% (tương đương 51 ghế).

>>Áo sắp có Thủ tướng 31 tuổi, trẻ nhất thế giới

Theo BBC, trong chính phủ liên minh sắp tới, ông  Sebastian Kurz, 31 tuổi, sẽ giữ vai trò thủ tướng. Ông sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ trẻ tuổi nhất thế giới.

Trong khi đó, đại diện của Đảng Tự do sẽ nắm giữ một số chức vụ quan trọng. Chủ tịch Đảng Tự do Heinz-Christian Strache đảm nhận vai trò Phó Thủ tướng. Các thành viên khác của đảng cực hữu này sẽ đứng đầu các bộ Nội vụ, Quốc phòng, Y tế và An ninh Xã hội. Bộ trưởng Ngoại giao mới sẽ là một chuyên gia về Trung Đông, nhà văn Karin Kneissl. Bà Kneissl không phải là thành viên Đảng Tự do, nhưng do chính đảng này chỉ định.

BBC cho biết đây không phải lần đầu một đảng cánh hữu có ghế trong nội các Áo. Vào năm 2000, Đảng Tự do cũng có chân trong liên minh chính phủ và sau đó kéo theo việc các thành viên EU đóng băng quan hệ với Áo trong vài tháng để phản đối.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại các chuyên gia quốc tế cho rằng hành động của EU chắc chắn sẽ không lặp lại. Trong thời gian qua, các đảng cực hữu với chủ trương thắt chặt nhập cư đang dần có nhiều ảnh hưởng hơn ở các nước Tây Âu.

Tại Pháp, mặc dù ứng viên Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (NF) đã không thể vượt qua ứng viên Emmanuel Macron trong cuộc đua vào Điện Élysée, nhưng các cuộc vận động tranh cử của NF cũng khiến người dân Pháp nhận thức rõ hơn về việc phải thắt chặt nhập cư nhằm hạn chế rủi ro từ các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Tại Hà Lan, Đảng Tự do chống nhập cư của ông Geert Wilders cũng đã gây nhiều khó khăn cho đảng cấp tiến của ông Mark Rutte trong cuộc tổng tuyển cử năm nay.

Không có chân trong liên minh chính phủ, nhưng Đảng Lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu đã gây tiếng vang lớn trong cuộc bầu cử vừa qua và trở thành đảng lớn thứ ba tại  Đức.

Yên Sơn

Xem thêm: