Một chiếc xe ô-tô, một con dao nhà bếp và một kẻ giết người theo Hồi giáo đã đem đến sự hỗn loạn kinh khiếp cho trung tâm London vào chiều 22/3 vừa qua.

Đó có phải là một buổi diễn tập mô phỏng không?” Một du khách bối rối hỏi khi nhìn thấy các xe cứu thương vội vã tiến vào hiện trường và trực thăng bay tầm thấp. Không, lần này, không phải là diễn tập. Vào 2 giờ 40 phút chiều ngày 22 tháng 3 – đúng ngày kỷ niệm một năm cuộc tấn công khủng bố vào sân bay Brussels, có thể là sự trùng hợp hoặc có thể cũng không phải ngẫu nhiên – một người đàn ông đã biến một chiếc xe hơi thành vũ khí giết người hàng loạt để đâm vào nhiều người trên cầu Westminster, lao vào cổng bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh và dùng dao đâm chết một sĩ quan cảnh sát trước khi bị bắn chết. Đó chính xác là kiểu tấn công mà các cơ quan an ninh Anh Quốc e ngại, và cũng là hình thức tấn công khủng bố khó ngăn chặn nhất.

Năm người khác đã chết và khoảng 40 người bị thương, 7 người đang trong tình trạng nguy kịch, trong đó có một người phụ nữ bị ngã hoặc chủ động nhảy từ cầu xuống sông Thames. Trong số những người bị thương có các học sinh Pháp đang tham gia một bữa tiệc và ba cảnh sát. Khi tin tức về cuộc tấn công lan rộng, Quốc hội đã khóa kín và một phần của London, nơi biểu tượng cho nền dân chủ Anh đã bị phong toả.

Vào cuối ngày, Thủ tướng Theresa May đã lên án đây là một “cuộc tấn công khủng bố bệnh hoạn và xấu xa“. Bà May, người trước đây từng Bộ trưởng Nội vụ, tuyên bố: “Tất cả chúng ta sẽ cùng tiến lên phía trước. Không bao cúi đầu trước khủng bố. Và không bao giờ để tiếng nói thù ghét và cái ác khiến chúng ta chia rẽ“.

Đó là cuộc tấn công khủng bố chết chóc nhất  mà London phải gánh chịu kể từ vụ đánh bom xe buýt năm 2005. 

Hiện tại, khi ngọn nến tưởng niệm nạn nhân xấu số đang được người London thắp lên, một số chi tiết về cuộc điều tra cuộc tấn công đã bắt đầu hé lộ. Danh tính và thân thế kẻ tấn công đã được công bố. Mặc dù đây là cuộc tấn công “sói đơn độc” giống như hàng loạt các vụ khủng bố trong năm qua ở Pháp và Đức, nhưng kẻ giết người sinh ra ở Anh có thể đã có người giúp đỡ. Ngày 23/3, cảnh sát đã thông báo bắt giữ tám người có liên quan sau một loạt các vụ đột kích ở London và Birmingham. Không nghi ngờ gì nữa thủ phạm của vụ khủng bố này đã được truyền cảm hứng bởi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Cho dù cuộc tấn công như vậy đã được dự đoán trước – phản ứng đầu tiên của nhà chức trách rất hiệu quả và bình tĩnh – nhưng thực tế tồi tệ là nó có thể tạo tiền đề cho nhiều vụ tương tự xảy ra trong tương lai.

Cảnh sát chống khủng bố và tình báo Anh được đánh giá tốt nhất thế giới và cũng lập được nhiều thành tích gần đây. Kể từ sau vụ sát hại một người lính ở Đông London vào năm 2013, an ninh Anh tuyên bố đã ngăn cản được 13 âm mưu khủng bố. Vào mọi thời điểm có thể có tới 500 cuộc điều tra liên quan đến an ninh đang được tiến hành.

Các cơ quan an ninh Anh có một số lợi thế so với các đồng nghiệp ở châu Âu. Họ có nguồn tài chính tốt, có khả năng giám sát điện tử tiên tiến và đã loại bỏ rất nhiều sự đối đầu giữa các cơ quan vốn gây cản trở các nỗ lực chống khủng bố ở các nơi khác nhau. Anh có một số luật về vũ khí nghiêm ngặt nhất thế giới và không bao giờ tham gia thỏa thuận Schengen cho phép đi lại xuyên biên giới không cần thị thực qua hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Các nhân viên an ninh của họ cũng có kinh nghiệm về chống khủng bố ở Bắc Ailen – ví như tuần này người Anh được nhắc nhở bởi sự ra đi của Martin McGuinness, một người từng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố nhưng đã để lại quá khứ sau lưng và trở thành một chính trị gia Bắc Ireland. 

Nhưng những vấn đề mà người Anh phải đối mặt giờ đã khác. Trong khi những âm mưu khủng bố phức tạp, bao gồm kế hoạch chi tiết, vô số kẻ đồng lõa và việc sử dụng súng hoặc chất nổ, có thể tạo nhiều cơ hội cho các cơ quan tình báo phát hiện và ngăn chặn. Loại tấn công mà Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện và đã trở nên nổi tiếng ở phương Tây là hiếu chiến và khốc liệt hơn nhiều. Ngay cả khi một cá nhân bị chính quyền liệt vào danh sách cực đoan có thể một ngày nào đó sẽ gây ra một mối đe dọa, anh ta có thể trượt ra khỏi tầm ngắm an ninh. Theo bà May, kẻ tấn công trên cầu Westminster vừa qua đã từng bị các cơ quan tình báo điều tra vài năm trước.

Và mặc dù IS có thể mất cái gọi là lãnh thổ căn bản ở Iraq và Syria, nhưng tuyên truyền trên mạng của nó vẫn còn sống động và thu hút hơn bao giờ hết. Những người trẻ tuổi bất ổn tâm lý thường bị lôi kéo vào các hành động bạo lực chống lại xã hội họ đang sống. Điều đáng lo ngại là mối đe doạ mang tên IS đang ngày càng chuyển dịch sự chú ý của nó sang phương Tây và việc này lại được thúc đẩy bởi sự hồi hương của những chiến binh thánh chiến, đem  kinh nghiệm trận mạc trở lại châu Âu.

Nhóm khủng bố Al-Qaeda bây giờ lại đang hoạt động mạnh ở Yemen hơn bao giờ hết và ở Afghanistan, nơi áp lực lên chúng bị giảm bớt. Al-Qaeda đã học tập từ IS. Nhưng dù sao, trong tuần này lệnh cấm không cho đưa các thiết bị điện tử lên máy bay xuất phát từ một số quốc gia Hồi giáo, khiến cho Al-Qaeda đã không còn nhiều động lực để sử dụng tấn công từ đường hàng không nữa.

Sau mỗi cuộc tấn công khủng bố, người ta lại mau chóng đi tìm các bài học kinh nghiệm để có thể giúp ngăn chặn những vụ kinh hoàng như vậy trong tương lai. Trong trường hợp của cuộc tấn công tại Westminster, rất khó để nhìn thấy bài học rút ra là gì. Một chiếc xe hơi và một con dao nhà bếp là tất cả những gì cần thiết để đem đến nỗi kinh hoàng cho thủ đô London trong vài giờ. Tuy nhiên, Cơ quan an ninh ở Anh rất rõ ràng về một điều: các chính sách ma quỷ hóa người Hồi giáo bình thường vừa sai lầm vừa phản tác dụng. Công nghệ tình báo tốt nhất trên thế giới cũng không thể sánh được những con người sống trong các cộng đồng dân cư, nơi họ cảm thấy mình không bị chính quyền xa lánh.

The Economist

Đăng Tâm biên dịch

Xem thêm: