Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tới New Delhi, Ấn Độ hôm thứ Bảy (3/3), Chủ tịch Quang và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đạt được nhiều thỏa thuận để tăng cường thương mại, đầu tư giữa hai nước và hợp tác về các dự án phát triển trong lĩnh vực quốc phòng, đồng thời thúc đẩy hoạt đồng thăm dò dầu khí chung. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là thỏa thuận an ninh biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và sớm thông qua Quy tắc Ứng xử trên biển.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại New Delhi. 

Chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đại Quang tới Ấn Độ lần này là để đáp lễ Thủ tướng Narendra Modi tới thăm Việt Nam vào năm 2016.

Trong chuyến thăm của ông Modi tới Hà Nội năm kia, một trong những thỏa thuận đáng chú ý mà hai bên đạt được là việc New Delhi mở rộng hạn mức tín dụng 500 tỷ USD cho Việt Nam để Hà Nội mua trang thiết bị quốc phòng. Ngoài ra, tuyên bố chung Việt – Ấn được đưa ra vào dịp đó cho biết “Việt Nam và Ấn Độ, là quốc gia thành viên của UNCLOS [Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển], kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự tôn trọng tối đa đối với UNCLOS, trật tự pháp lý trên biển và đại dương”.

Mặc dù Ấn Độ không tuyên bố bất kỳ chủ quyền gì trên biển Đông, nhưng các tuyến đường biển đi qua khu vực này rất quan trọng đối với thương mại hai chiều của Ấn Độ với Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương.

Do đó, vấn đề biển Đông tiếp tục là chủ đề chính trong chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đại Quang tới New Delhi lần này. Trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Ấn – Việt, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đã mạnh mẽ phản đối hành động của Trung Quốc tại biển Đông.

Điểm 27 trong tuyên bố chung của hai ông Quang và Modi nói rằng: “Hai bên tái khẳng định quyết tâm và nỗ lực của họ để tăng cường hợp tác trong việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cũng như trên toàn thế giới nói chung. Họ cũng nhắc lại tầm quan trọng và sự cần thiết phải tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, bao gồm việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế có thiện chí, duy trì tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết hòa bình các tranh chấp không sử dụng đến đe dọa và sử dụng vũ lực, và phù hợp với luật pháp quốc tế. Về vấn đề này, cả hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và hướng tới một bản kết luận sớm của Quy tắc Ứng xử trên biển đông (COC) hiệu quả và thực chất”.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng ký một loạt các thỏa thuận về hợp tác trên nhiều lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, thương mại và nông nghiệp.

Ngoại giới đánh giá Việt Nam đang là nước ASEAN liên kết gần nhất với Ấn Độ, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về phương diện hợp tác kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông.

Thực tế, Việt Nam rất quan trọng đối với các nỗ lực tiếp cận khu vực Đông Nam Á của Ấn Độ. New Delhi đang xây dựng tuyến đường cao tốc Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan (dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019) và có thể kết nối với các tuyến đường có sẵn từ trước đến nay, đặc biệt, tất cả đều hướng tới Việt Nam.

Đó là một phần trong chính sách “Hành động tại Phương Đông” mà Thủ tướng Narendra Modi công bố thực hiện từ năm 2014 để thay thế cho chính sách “Hướng Đông” không hiệu quả mà Ấn Độ áp dụng từ những năm 1990.

Trước chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang. Ấn Độ và các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã thực hiện thành công một sự kiện có tính biểu tượng trong quan hệ đối tác Ấn Độ – ASEAN khi cả 10 nguyên thủ ASEAN đều tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ – ASEAN và dự lễ duyệt binh nhân ngày Quốc Khánh Ấn Độ hôm 25/1.

Truyền thông Ấn Độ khi đó đã nói rằng: “Mặc dù một số nước [ASEAN] duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định tham dự Hội nghị Cấp cao Ấn Độ-ASEAN hôm nay vào ngày mai dự kỷ niệm Ngày Quốc Khánh. Điều này sẽ phát đi một thông điệp rõ ràng rằng chính sách ‘Hành động tại Phương Đông’ của Chính phủ New Delhi bổ sung thêm chính sách ‘Hành động tại Phương Tây’ của ASEAN. Trọng tâm của Ấn Độ bây giờ là tăng cường các ‘trò chơi’ để trở thành một thành viên ở Đông Nam Á nhằm cân bằng động lực”.

Tuy nhiên, cho đến nay mối quan hệ giữa Ấn Độ – ASEAN nói chung và Ấn Độ – Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều tồn đọng, thách thức và rất khiêm tốn nếu so sánh với đối trọng từ Trung Quốc.

Xét riêng về hợp tác kinh tế, tổng thương mại giữa New Delhi và Hà Nội duy trì ở mức khá thấp, cho dù hai bên đã đặt ra mục tiêu giá trị thương mại song phương đạt khoảng 15 tỷ USD vào năm 2020. Con số này vẫn là rất nhỏ nếu so với quan hệ thương mại Việt – Trung hiện tại. Trong năm 2017, thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt tới 93,8 tỷ USD.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: