Cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi tại khu tự trị Catalonia, đông bắc Tây Ban Nha đã diễn ra hôm Chủ Nhật (1/10). Cảnh sát quốc gia đã trấn áp cuộc bỏ phiếu này nhưng lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý diễn ra thành công và khu vực này đã có quyền tuyên bố độc lập.

Giới chức Catalonia cho biết cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật (1/10) có khoảng hơn 2,3 triệu cử tri tham gia.

BBC, dẫn lời các quan chức Catalonia – những người tổ chức cuộc bỏ phiếu, nói rằng 90% cử tri đã ủng hộ Catalonia độc lập. Tuy nhiên, số người đi bầu chỉ chiếm khoảng 42,3% tổng số danh sách cử tri.

Vào ngày 6/9, Nghị viện Catalonia đã thông qua cuộc trưng cầu dân ý này, với chỉ 1 câu hỏi trên lá phiếu: “Bạn có muốn Catalonia trở thành quốc gia độc lập theo thể chế cộng hòa?” và có hai ô để cử tri đánh dấu hoặc không.

Sau cuộc bỏ phiếu, ông Carles Puigdemont khẳng định rằng cánh cửa đã được mở ra để xứ Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập.

Trước đó, Tòa án Hiếp pháp Tây Ban Nha đã phán quyết rằng cuộc trưng cầu dân ý nêu trên là bất hợp pháp. Trong khi bầu cử diễn ra, cảnh sát quốc gia cũng đã trấn áp bạo lực khiến cho hàng trăm thường dân  bị thương.

BBC cho biết cảnh sát đã tịch thu nhiều hòm phiếu và phiếu bầu tại các địa điểm bỏ phiếu.

Phát biểu trên truyền hình sau cuộc bỏ phiếu, ông Puigdemont cho hay:

Ngày hôm nay với cả hy vọng và khổ đau, công dân Catalonia đã giành quyền trở thành một quốc gia độc lập theo thể chế cộng hòa”.

Chính phủ của tôi, trong vài ngày tới sẽ gửi kết quả bỏ phiếu hôm nay tới nghị viện Catalonia, nơi đại diện cho quyền lực của người dân, để cơ quan này có thể hành động theo luật trưng cầu dân ý”.

Lãnh đạo chính quyền Catalonia cũng nói thêm rằng Liên minh Châu Âu không thể “tiếp tục nhìn theo cách khác”.

Trước đó, khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói rằng người Catalonia đã bị lừa tham gia vào cuộc bỏ phiếu bất hợp pháp. Ông ta gọi điều này là một “sự chế nhạo” đối với nền dân chủ.

Thủ tướng nói: “Vào giờ này, tôi có thể nói với quý vị bằng một cách thức mạnh mẽ nhất rằng những điều quý vị đã biết và những gì chúng tôi đã thấy trong suốt ngày hôm nay. Không hề có cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết tại Catalonia”.

Trong khi đó, đông đảo những người ủng hộ độc lập đã tập hợp tại thủ phủ Barcelona của khu tự trị này vào tối Chủ Nhật (1/10), vẫy cơ và hát quốc ca Catalonia. Cùng thời điểm đó, những người biểu tình phản đối độc lập cũng tập hợp tại Barcelona và nhiều thành phố khác của Tây Ban Nha.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra thế nào?

Giới chức Catalonia nói rằng 319 trong tổng số khoảng 2.300 điểm bỏ phiếu khắp khu vực đã bị cảnh sát ép phải đóng cửa. Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha nói rằng họ chỉ đóng cửa 92 địa điểm bỏ phiếu.

Thông báo về kết quả bầu cử, chính quyền Catalonia nói rằng đã có 2,26 triệu cử tri trong tổng số 5,34 triệu người đủ điều kiện bầu cử, đã tham gia bỏ phiếu thành công.

BBC cho biết trước đó vào thứ Sáu (29/9), hàng ngàn người dân đã kiểm soát các trường học và nhiều tòa nhà khác để sử dụng làm địa điểm bỏ phiếu. Nhiều trong số này là học sinh và phụ huynh đã ở lại trường học khi kết thúc buổi họp hôm thứ Sáu và họ ngủ lại đây trong các túi ngủ trên sàn phòng thể dục.

Cảnh sát trấn áp cuộc bỏ phiếu

Chính quyền Catalonia cho biết có khoảng hơn 800 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát trong ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Bộ Nội vụ Tây Ban Nha nói rằng 12 sĩ quan cảnh sát đã bị thương và họ đã bắt giữ 3 thường dân, đóng cửa 92 điểm bỏ phiếu.

Tại Girona, cảnh sát chống bạo động đã đột nhập vào điểm bỏ phiếu mà theo dự kiến ông Puigdemont sẽ đến tham gia. Cảnh sát đã ép người dân ra khỏi vụ vực bỏ phiếu này. Tuy nhiên, ông Puigdemont đã tham gia bỏ phiếu ở một địa điểm khác.

Phóng viên thường trú của BBC tại Catalonia thông tin rằng có một điểm bỏ phiếu cảnh sát cũng đột nhập vào nhưng bị người dân đuổi ra.

Có cả các băng ghi hình được cảnh cảnh sát dùng dùi cui đánh một nhóm nhân viên cứu hỏa đang làm nhiệm vụ bảo vệ đám đông biểu tình ở Girona.

BBC cho biết chính phủ Tây Ban Nha đã cử một số lượng lớn cảnh sát quốc gia và Quân Tự vệ (một lực lượng quân đội làm nhiệm vụ của cảnh sát) tới Catalonia để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu.

Cảnh sát Catalonia cũng nằm dưới sự chỉ huy của chính quyền Madrid, tuy nhiên các nhân chứng cho biết lực lượng này gần như không dùng vũ lực với người biểu tình.

Thị trưởng thành phố Barcelona Ada Colau đã lên án những hành động của cảnh sát chống lại người dân “không có khả năng tự vệ”, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria cho rằng cảnh sát “đã hành động chuyên nghiệp và theo cách thức phù hợp”.

Tại sao Catalonia muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha?

Catalonia là khu vực nằm ở đông bắc Tây Ban Nha với dân số khoảng 7,5 triệu người, với ngôn ngữ và văn hóa riêng.

Khu vực này hiện nay cũng đang có quyền tự chủ cao, nhưng không được công nhận là một quốc gia độc lập theo Hiến pháp Tây Ban Nha.

Catalonia là một trong những vùng giàu có và có năng suất cao nhất của Tây Ban Nha với lịch sử riêng biệt trải qua 1.000 năm. Trước cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, vùng này đã được hưởng quyền tự trị rộng rãi nhưng đã bị đàn áp dưới chế độ độc tài của Tướng quân đội Franco Franco từ năm 1939-1975.

Khi nhà độc tài Franco qua đời, chủ nghĩa dân tộc tại Catalonia đã phục hồi và cuối cùng khu vực phía đông bắc này đã được trao quyền tự chủ một lần nữa theo bản Hiến pháp 1978.

Đạo luật năm 2006 thậm chí còn cho phép Catalonia có các quyền tử chủ lớn hơn, thúc đẩy tự chủ tài chính của Catalonia và miêu tả đây là “quốc gia”. Nhưng vào năm 2010, Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha đã đảo ngược phần lớn nội dung trong đạo luật 2006, gây ra sự tức giận của giới chức địa phương tại Catalonia.

Với việc quyền tự quyết bị tước đoạt nhiều, cùng với nhiều năm suy thoái kinh tế và cắt giảm chi tiêu công, xứ Catalonia đã tổ chức cuộc bỏ phiếu không chính thức về quyền độc lập vào tháng 11/2014. Hơn hai triệu người trong tổng số 5,4 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu đã tham gia vào sự kiện này và các quan chức chính quyền địa phương tuyên bố rằng 80% số cử tri đi bầu đã ủng hộ ly khai.

Những người ủng hộ ly khai đã thắng cuộc bầu cử chính thức ở Catalonia vào năm 2015 và bắt đầu lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền độc lập của Catalonia. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Tây Ban Nha thì cuộc trưng cầu dân ý này là không hợp pháp.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: