Reuters dẫn tin từ một mục sư và Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) hôm thứ Hai 24/4 cho biết 8 người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt với nguy cơ bị cưỡng chế hồi hương sau khi bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam vào tháng trước.

Theo thông báo của HRW vào giữa tháng 3 vừa qua, giới chức Trung Quốc đã bắt giữ 8 người Bắc Triều Tiên trong một cuộc kiểm tra đường bộ ngẫu nhiên ở miền đông bắc Trung Quốc.

HRW cho biết 8 người Bắc Hàn này đang đi ôtô trong thành phố Thẩm Dương thì bị cảnh sát giao thông dừng xe. Do không có giấy tờ hợp pháp nên họ bị đưa tới đồn cảnh sát địa phương.

Một mục sư Cơ đốc giáo, tên là Stephan Kim, người đang giúp đỡ những người đào thoát Bắc Triều Tiên cho biết họ đã gửi cho ông một đoạn video ngắn cầu cứu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Reuters mô tả đoạn video này quay những người Bắc Hàn đang chờ đợi trong trạng thái sợ hãi trong một chiếc xe đỗ bên ngoài một đồn cảnh sát Trung Quốc.

Một phụ nữ Bắc Triều Tiên, khuôn mặt bị che mờ vì lý do an ninh, đã nói: “Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập xin hãy cứu chúng tôi. Chúng tôi sẽ chết nếu phải trở lại Bắc Triều Tiên”.

Người phụ nữ ngồi bên cạnh nắm chặt tay cô gái nêu trên và cùng nhau cầu xin giúp đỡ.

Hiện tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang vô cùng căng thẳng. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang gây áp lực buộc Trung Quốc kiềm chế Bình Nhưỡng mạnh hơn trong khi Bắc Hàn chưa có dấu hiệu thoái lui chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức HRW trong một tuyên bố hôm thứ Hai 24/4 cho biết: “Hiện nay, rất nhiều nhân chứng đào thoát khỏi Bắc Hàn tiết lộ rằng chính quyền ông Kim Jong Un thường xuyên bức hại những người bị bắt trở lại Bắc Triều Tiên sau khi trốn đi. Họ bị tra tấn, xâm hại tình dục, cưỡng bức lao động và những điều tồi tệ hơn nữa”.

Với đường biên giới Nam – Bắc Triều Tiên được vũ trang và canh phòng cẩn mật, lựa chọn duy nhất của hầu hết thường dân Bắc Triều Tiên muốn trốn khỏi đất nước là đi bộ lên phía Bắc và trốn qua Trung Quốc. Tuy nhiên khác với Hàn Quốc luôn mở cửa đón người tị nạn Triều Tiên, Trung Quốc thường coi những người trốn khỏi Bắc Hàn là di dân bất hợp pháp vì lý do kinh tế và cưỡng chế họ về nước.

Năm 2002: Một người đàn ông Bắc Triều Tiên cùng vợ và con gái cố trốn vào Đại Sứ quán Nhật Bản tại Thẩm Dương, Trung Quốc nhưng bị cảnh sát Trung Quốc kéo lại (Ảnh: Quora).
Năm 2002: Một người đàn ông Bắc Triều Tiên cùng vợ và con gái cố trốn vào Đại Sứ quán Nhật Bản tại Thẩm Dương, Trung Quốc nhưng bị cảnh sát Trung Quốc kéo lại (Ảnh: Quora).
Con gái đứng trong cổng của Đại Sứ quán Nhật bất lực nhìn người mẹ bi cảnh sát Trung Quốc giữ lại. Bức ảnh đã gây chấn động và dấy lên cuộc biểu tình phản đối của người Nhật
Bé gái đứng trong cổng của Đại Sứ quán Nhật bất lực nhìn người mẹ bị cảnh sát Trung Quốc kéo lại. Bức ảnh đã gây chấn động và dấy lên cuộc biểu tình phản đối của người Nhật. Chính phủ Nhật sau đó đã gây sức ép buộc Trung Quốc phải thả người. Tuy nhiên sau đó Bắc Kinh đã tăng cường an ninh trước cổng các đại sứ quán nước ngoài để đề phòng trường hợp tương tự.

Ông Robertson kêu gọi chính quyền Trung Quốc không trục xuất những người đào thoát Bắc Hàn về nước.

Liên Hiệp Quốc cũng yêu cầu Trung Quốc thực thi theo luật quốc tế không được trao trả những người đào thoát cho Bắc Hàn, nơi mà họ có thể phải đối mặt với bức hại, tra tấn, thậm chí có thể chết. Bình Nhưỡng cáo buộc những người đào tị là những tên tội phạm và lên án những cá nhân tổ chức giúp đưa họ sang Hàn Quốc là những kẻ bắt cóc.

Hàng năm, có rất nhiều người Bắc Triều Tiên cố gắng chạy trốn khỏi đất nước họ qua đường biên giới với Trung Quốc, sau đó di chuyển tới các nước Đông Nam Á. Một số quốc gia trong khu vực đã làm việc với chính quyền Seoul để gửi những người tị nạn này sang Hàn Quốc.

Khoảng 30.000 người Bắc Hàn đã tới được Hàn Quốc. Phần đông họ nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức nhân quyền, tổ chức tôn giáo hoặc các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tân Bình

Xem thêm: