Hôm qua (15/4) giới quan sát quốc tế đổ dồn sự chú ý về thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên nơi đang tổ chức lễ duyệt binh lớn chào mừng 105 ngày sinh nhà sáng lập đất nước, cố Chủ Tịch Kim Nhật Thành. Mọi động thái của Bắc Hàn đều trong tầm ngắm của Mỹ và đồng minh và việc xảy ra xung đột vũ trang là điều có thể nếu các bên không kiềm chế.

Nguy cơ chiến tranh trên bản đảo Triều Tiên càng tăng cao khi chính quyền của Tổng thống Trump đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự để trấn áp các điểm nóng bất lợi cho Mỹ như các cuộc tấn công vào Yemen cuối tháng 3/2017, bắn 59 quả tên lửa vào Syria 4/4 và thả “bom mẹ” MOAB vào tỉnh Nangarhar, phía đông Afghanistan hôm 13/4.

Tổng thống Trump cũng đã lệnh cho đội chiến hạm USS Carl Vinson áp sát bán đảo Triều Tiên và tập trận chung bằng chiến đấu cơ với không quân Nhật Bản tại căn cứ Kadena hôm 12/4.

Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng có các động thái sẵn sàng ứng phó nếu có diễn tiến xấu tại bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc đã điều động 150.000 quân (chính quyền Bắc Kinh thông báo là đội ngũ y tế và hậu cần) tiến gần biên giới Bắc Hàn. Nhật Bản tính phương án sơ tán toàn bộ công dân của họ tại Hàn Quốc về nước. Trong khi đó, Seoul cũng cảnh báo người dân sẵn sàng đối mặt với tình trạng chiến tranh.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng, nhưng rất khó để có thể dẫn tới 1 cuộc xung đột vũ trang ở hiện tại và trong ngắn hạn vì Hoa Kỳ cũng như các bên đều biết Bắc Hàn không giống với Syria và sẽ rất nhiều hệ lụy khó lường có thể xảy ra nếu chiến tranh bùng nổ ở khu vực này.

Dưới đây là 5 lý do khiến Mỹ khó lòng tấn công Bắc Triều Tiên như đã làm với Syria.

1. Bắc Hàn có bom hạt nhân

Hoa Kỳ biết rõ chính phủ Assad tại Syria có theo đuổi chương trình hạt nhân, nhưng không có bằng chứng gì cho thấy họ đã sở hữu loại vũ khí này. Trong khi đó, trong những năm gần đây Bình Nhưỡng đã thể hiện cho thế giới thấy họ phát triển khá nhanh về khả năng hạt nhân của mình. Từ năm 2006 tới nay, Bắc Hàn đã tiến hành thử hạt nhân 5 lần và họ tuyên bố đã phát triển được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thu nhỏ – dù thông tin này vẫn chưa được kiểm chứng.

Cho dù Bắc Hàn năm ngoái đã nhiều lần thử thất bại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Musudan, nhưng các chuyên gia quân sự quốc tế tin rằng Bình Nhưỡng đã học được từ những thất bại đó và thậm chí có thể phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lãnh thổ Hoa Kỳ trong vòng bốn năm tới, đúng bằng thời gian  nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.

Ngay trong cuộc duyệt binh 15/4 vừa qua, Bắc Hàn cũng đã cho thế giới thấy các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới. Các tên lửa ICBM này tương tự như tên lửa DF-41 của Trung Quốc, có thể bay xa khoảng 15.000km. Bình Nhưỡng cũng cho ra mắt các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Tất nhiên, việc phô bày vũ khí quân sự là chiêu bài không mới của chính quyền Bắc Triều Tiên, nhưng nó cũng khiến Mỹ và các bên phải cân nhắc cẩn trọng hơn trước các quyết định hành động quân sự.

2. Chưa có lý do để tấn công

Chính quyền Trump tuyên bố sẽ dội Tomahawk lên Bình Nhưỡng nếu thấy dấu hiệu của một vụ thử hạt nhân kế tiếp, một chính sách “diều hâu” hơn nhiều so với người tiền nhiệm Obama. Tuy Bắc Hàn vẫn đáp lại bằng giọng điệu cứng rắn quen thuộc là họ “muốn thử hạt nhân lúc nào thì thử” và Mỹ sẽ nhận hậu quả nếu khiêu kích, Bắc Hàn vẫn chưa có bất kỳ động thái hạt nhân nào, kể cả trong ngày duyệt binh kỷ nhiệm 105 năm ngay sinh Kim Nhật Thành hôm qua. Chính quyền Trump chưa có lý do gì để phá vỡ tình trạng căng thặng hiện tại, vốn được thực hiện nhằm gây sức ép lên cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, buộc chế độ Kim Jong Un quay lại bàn đàm phán 6 bên để giải quyết vấn đề hạt nhân.

3. Trung Quốc có thể sẽ đứng về phía Bắc Hàn nếu nước này bị Mỹ tấn công

Trung Quốc vẫn là đồng minh lớn nhất của Bắc Triều Tiên. Trong năm 1961, hai nước đã ký Hiệp định tương trợ và hợp tác song phương Trung – Triều, theo đó, cả hai bên đều có nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ quân sự và trợ giúp ngay lập tức cho bên kia trong trường hợp có cuộc tấn công từ bên ngoài. Hiệp ước này đã được gia hạn hai lần, và còn hiệu lực cho đến năm 2021.

Trong lễ duyệt binh lần này, lãnh đạo Trung Quốc đã không có mặt trên lễ đài tại quảng trường Kim Nhật Thành do mối quan hệ ngoại giao Trung – Triều đã khá nhạt trong thời gian qua. Trung Quốc chính thức lên tiếng phản đối chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn và Bắc Kinh cũng đã tiến hành gây sức ép lên Bình Nhưỡng bằng các biên pháp kinh tế như việc cấm nhập khẩu than từ Bắc Hàn hôm 28/2.

Tuy nhiên, về mặt quân sự, Bắc Kinh vẫn luôn sát sao với Bắc Hàn và việc họ điều 150.000 đến biên giới là một minh chứng cho điều đó. Washington nếu muốn tấn công Bình Nhưỡng đều phải để mắt đến động thái của Bắc Kinh. Ông Trump dù tuyên bố sẽ có thể đơn phương giải quyết vấn đề Bắc Hàn, nhưng thực tế tổng thống Mỹ vẫn ưu tiên phương án dùng Trung Quốc gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Ngoài ra Bắc Triều Tiên luôn được Trung Quốc coi là “quân bài chiến lược” trong ngoại giao với Mỹ và đồng minh. Một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân sẽ khiến cho Trung Quốc giành được nhiều lợi thế trên bàn đàm phán với phương Tây trong các vấn đề ngoại giao, cũng như thương mại. Theo đó, một Bắc Hàn bí hiểm, thất thường và nhùng nhằng kéo dài là cái Bắc Kinh muốn kéo dài lâu. Họ sẽ bằng mọi cách để duy trì tình trạng hiện tại ở bán đảo Triều Tiên, đảm bảo ổn định, hòa bình khu vực và tương lai thống nhất hai miền bằng vũ lực là rất xa vời.

Về mặt địa chính trị, Bắc Hàn chính là vùng đệm giúp Trung Quốc ngăn chặn từ xa mối đe dọa tiềm tàng từ các liên minh của Mỹ tại Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc bảo vệ Bình Nhưỡng tồn tại lâu dài là điều bắt buộc phải làm đối với Bắc Kinh.

Trong khi đó, về mặt xã hội nếu Bình Nhưỡng sụp đổ, Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu một làn sóng di dân ồ ạt từ Bắc Triều Tiên và xa hơn nữa hiệu ứng domino sụp đổ của chính quyền cộng sản là điều mà Trung Quốc không bao giờ muốn xảy ra.

4. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phản đối dùng vũ lực với Bắc Triều Tiên

Hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc đều không mong đợi kịch bản chiến tranh quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách biên giới Bắc Hàn 40km và đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của Bình Nhưỡng.

Ông Sam Gardiner, một đại tá không quân nghỉ hưu, trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Atlantic (Mỹ) đã nói rằng Hoa Kỳ “không thể bảo vệ Seoul ít nhất trong vòng 24 giờ đầu tiên xảy ra chiến sự, và có thể còn là 48 giờ đầu tiên”.

Năm 1994, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã có ý định thực hiện vụ đánh bom lò phản ứng Yongbyon (Bắc Hàn), nhưng ông bị thuyết phục dừng lại bởi các quan chức quốc phòng Mỹ khi đó nhận định rằng cường độ chiến đấu với Bắc Hàn “sẽ cao hơn bất kỳ cuộc chiến nào khác trên thế giới kể từ sau chiến tranh Triều tiên 1950-1953”.

5. Tấn công Bắc Hàn, Mỹ sẽ vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc

 Về mặt kỹ thuật, trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang duy trì tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến này mới chỉ dừng lại bằng quyết định ngừng bắn, chưa có hiệp định kết thúc chiến tranh giữa hai các bên.

Washington và Bắc Kinh lần lượt hậu thuẫn cho Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã ký quyết định đình chiến vào ngày 27/7/1953.

Quyết định ngừng bắn này đã được Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua và nếu Mỹ tấn công Bắc Hàn, họ sẽ vi phạm nghị quyết này. Chiến tranh hai miền khởi phát là kịch bản xấu mà cả Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, LHQ và nhiều quốc gia khác không hề mong muốn.

Tân Bình

Xem thêm: