Khoảng hơn 200.000 người dân Venezuela đã xuống đường tuần hành vào hôm thứ Bảy 20/5 để đánh dấu mốc 50 ngày biểu tình phản đối chính phủ Nicolas Maduro của đảng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) cầm quyền.

Phát ngôn viên của Liên minh đối lập vì dân chủ (MUD), ông Edinson Ferrer cho biết theo ước tính sơ bộ, riêng tại Caracas có khoảng 160.000 người tham gia tuần hành trên các đường phố thủ đô, nỗ lực tiếp cận Bộ Nội vụ ở trung tâm thành phố.

Những người biểu tình ở Caracas mang theo biểu ngữ với nội dung như: “Chúng tôi là hàng triệu người chống độc tài”; “Chế độ độc tài không thể tồn tại thêm nữa”.

Tại thành phố San Cristobal thuộc bang Tachira, nơi chính phủ Maduro vừa điều động 2.600 binh lính để chế ngự cướp bóc và bạo động đường phố, ước tính có hơn 40.000 người đã xuống đường tham gia tuần hành.

Cô Mariangel, một nữ thương gia 24 tuổi, nói: “Đây đã là ngày phản kháng thứ 50. Tôi ở đây cùng hai con. Chúng tôi không có sữa uống, không có lương thực để ăn”.

Theo AFP (Pháp), cũng như nhiều cuộc tuần hành trong suốt hơn 6 tuần qua, lần này những người biểu tình vẫn bị cảnh sát xịt hơi cay, trấn áp bằng vũ lực.

Những người tham gia tuần hành vẽ quốc kỳ Venezuela với ba màu đỏ, xanh, vàng trên mặt. Trong đó, một số nam thanh niên tự trang bị lá chắn bằng gỗ và kim loại, đội mũ trùm và mặt nạ phòng độc để tự vệ.

Phát biểu trước những người tham gia tuần hành, lãnh đạo phe đối lập ông Henrique Capriles nói: “Đây là một cuộc thảm sát chống lại người dân. Nhưng càng bị đàn áp nhiều, chúng ta sẽ càng kháng cự và chiến đấu vì Venezuela”.

Theo AFP, khoảng gần 2.000 công nhân thân chính phủ cũng tổ chức một cuộc biểu tình nhằm ủng hộ kế hoạch viết lại hiến pháp của tổng thống Maduro. Những người này nhảy múa, hát ca và chờ đợi gặp mặt ông Maduro tại phủ tổng thống, nhưng cuối cùng lãnh đạo đảng XHCN đã không có mặt.

Cuộc khủng hoảng tại Venezuela ngày càng đi vào bế tắc. Trong khi, phe đối lập nỗ lực duy trì động lực phản kháng, nhưng họ lại không thể kiểm soát được bạo lực, cướp bóc đường phố gia tăng khi người dân “túng quẫn mà làm liều”. Phía chính phủ Maduro không chịu xuống thang, phớt lờ các cảnh báo xâm phạm dân chủ, nhân quyền từ trong nước, cũng như quốc tế.

Theo AFP, hôm thứ Sáu 19/5, Tổng thống Maduro vẫn khẳng định rằng việc lựa chọn thành viên cho quốc hội hiến pháp “nhân dân” sẽ tạo ra “con đường hòa bình, đối thoại và thống nhất”. Đồng thời, ông chỉ trích phe đối lập chỉ đem đến “bạo lực và chết chóc”.

Về phía phe đối lập, Ông Carpiles vừa phải nhờ các luật sư của mình chuyển một báo cáo về cuộc khủng hoảng tại Venezuela tới Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền. Giới chức chính phủ đã “hủy bỏ” hộ chiếu, ngăn không cho lãnh đạo phe đối lập bay tới New York.

Trước tình cảnh hiện nay, các nhà phân tích cho rằng thách thức lớn nhất của phe đối lập là họ có giữ được các cuộc biểu tình của mình diễn ra trong hòa bình hay không.

Ông Vicente Leon, lãnh đạo của công ty khảo sát dân ý, cho biết các cuộc biểu tình chỉ thành công khi chúng đủ lớn và đủ lâu. Ông cũng cảnh báo rằng các cuộc tuần hành sẽ “mất tác dụng” nếu biến thành bạo lực.

Theo các thống kê của chính phủ Venezuela, các cuộc biểu tình suốt hơn 6 tuần qua đã khiến 47 người chết, hàng trăm người bị thương, 2.200 người bị bắt giữ và 161 người bị giam giữ bởi các tòa án quân sự.

Người dân Venezuela ngày càng chia rẽ sâu sắc trước bối cảnh khủng hoảng kép chính trị – xã hội và kinh tế. Khắp cả nước người dân phải oằn mình gánh chịu cảnh thiếu lương thực, thuốc men, lạm phát ước tính sẽ tăng thêm 720% trong năm nay và tỉ lệ tội phạm cao nhất thế giới theo thống kê của IMF.

Niềm tin của người dân Venezuela vào chính phủ Maduro đã rớt xuống đáy. Theo các số liệu khảo sát tư nhân, 7/10 người được hỏi đã bày tỏ phản đối sự lãnh đạo của chính phủ XHCN.

Theo tờ Economist, số người dân Venezuela vượt biên để chạy trốn nạn đói, đàn áp và tội phạm tăng lên theo từng ngày. Người ta có thể bắt gặp họ lái xe taxi ở Buenos Aires (Argentina), làm bồi bàn ở Panama hoặc bán dạo bỏng ngô ở Madrid (Tây Ban Nha).

Colombia và Brazil chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc di cư ở Venezuela. Theo một ước tính không chính thức, hơn 1 triệu người Venezuela hiện đang sống ở Colombia, nhiều người trong đó có quốc tịch kép.

Theo tổ chức Quan sát Nhân Quyền, năm 2016, hơn 7.600 người Venezuela đã tìm kiếm chăm sóc y tế tại các bệnh viện thuộc bang Roraima, Brazil. Điều này gây ra áp lức lớn về cơ sở vật chất và nguồn cung dược phẩm. Đầu tháng Năm này, thị trưởng của Manaus thuộc bang Amazonas, Brazil đã phải ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi có hàng trăm người Venezuela xuất hiện tại đây.

Rốt cuộc, khủng hoảng tại Venezuela đã lan sang các nước Nam Mỹ và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã có phản ứng ban đầu.

Ngày 26/4, 19/34 thành viên của OAS đã bỏ phiếu thông qua việc triệu tập một cuộc họp các ngoại trưởng các nước thành viên OAS thảo luận về tình hình Venezuela. Ngay lập tức, ông Maduro phản ứng bằng việc dọa sẽ rời OAS.

Hoa Kỳ thậm chí quyết liệt hơn OAS, hôm thứ Năm 18/5, Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh trừng phạt với thẩm phán trưởng và 7 thành viên khác của Tòa án Tối cao Venezuela liên quan đến việc cơ quan tư pháp của nước này có những quyết định vi hiến đối với quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Reuters, dẫn tin từ các quan chức Mỹ, cho biết tất cả những quan chức Venezuela có tên trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tài khoản ở Mỹ và cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ; công dân Mỹ cũng không được phép làm ăn kinh doanh với những người này.

Tân Bình

Xem thêm: