Tình hình thế giới 2017 có rất nhiều biến động phức tạp với các điểm nóng địa-chính trị tập trung vào Trung Đông và Đông Bắc Á. Nổi bật trong đó là sự trở lại của sức mạnh Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực và sự “bướng bỉnh” ngày càng tăng của lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un.

1. Ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ

Embed from Getty Images

Ngày 20/1/2017, ông Donald Trump đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Tại thủ đô Washington D.C, trước sự chứng kiến hàng triệu người dân Mỹ, ông Trump đã đặt bàn tay trái lên cuốn Kinh Thánh, đưa bàn tay phải lên trước mặt Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts và tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Trong diễn văn nhận chức, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Ngày hôm nay không chỉ đơn thuần là một sự chuyển giao quyền lực giữa hai đảng phái… mà còn là sự chuyển giao quyền lực từ thủ đô Washington D.C trở lại cho quý vị, những người dân của nước Mỹ”.

Thông điệp của ông Trump gửi tới người dân Mỹ là: “Từ ngày hôm nay, sẽ chỉ có ưu tiên cao nhất là nước Mỹ, nước Mỹ là trên hết”.

Gần một năm sau khi làm chủ Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã thực sự khiến nước Mỹ mạnh mẽ hơn. Thị trường chứng khoán tăng trưởng cao, tăng trưởng kinh tế trong hai quý cuối năm đạt trên 3%. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4,1% vào tháng 11 – thấp nhất trong 17 năm qua. Ông Trump cũng giảm được nhập cư bất hợp pháp, tăng đầu tư quốc phòng, tăng cường quan hệ với đồng minh và đối tác thế giới, đưa hàng tỷ USD và hàng triệu việc làm về nước Mỹ sau ba chuyến công du khắp Á – Âu.

2. Anh Quốc bắt đầu tiến trình đàm phán Brexit

Embed from Getty Images

Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Jean-Claude Juncker

Ngày 16/3/2017, Nữ Hoàng Anh chính thức thông qua luật Brexit, cho phép Thủ tướng Anh Theresa May bắt đầu đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU) về tiến trình nước Anh rời tổ chức khu vực này.

Vào ngày 29/3/2017, Thủ tướng Anh gửi thư tới Hội đồng Châu Âu, chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình dự kiến dài 2 năm Anh quốc rời khỏi EU sau hơn 40 năm chung sống.

Cho tới ngày 8/12, Ủy ban Châu Âu (EC) đã phát đi thông báo cho biết EU và chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận Brexit.

Thông cáo từ EC không nêu rõ chi tiết nội dung thoả thuận nhưng cho biết hai bên đã đạt được sự nhất trí trong 3 vấn đề quan trọng, gồm: quyền của các công dân Châu Âu sinh sống tại Anh và quyền của công dân Anh sinh sống tại các nước Châu Âu; vấn đề biên giới giữa Cộng hoà Ireland và lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh; và nghĩa vụ tài chính mà phía Anh phải thực thi. Sau thỏa thuận này, EC tuyên bố đã sẵn sàng bước vào đàm phán Hiệp định thương mại mới với nước Anh giai đoạn hậu Brexit.

3. Ông Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ

Ông Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viên có chuyến công du hai ngày tới Hoa Kỳ từ 6 đến 7/4/2017. Chủ tịch Trung Quốc dự tiệc chiêu đãi vào 6/4 và hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago, Florida hôm 7/4.

Đây là cuộc gặp mặt quan trọng của hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu thế giới và có tính chất “phá băng” trong ngoại giao cá nhân giữa ông Trump và ông Tập. Khi dùng bữa tại Mar-a-Lago, ông Trump có nói rằng hai vị lãnh đạo đã “phát triển quan hệ bạn bè”.

Thực tế, sau cuộc gặp này, Tổng thống Trump đã không còn đả kích trực diện vấn đề thương mại Trung Quốc như trong chiến dịch tranh cử 2016, thay vào đó, ông chủ Tòa Bạch Ốc kêu gọi người đồng cấp Trung Quốc đẩy mạnh hành động kiềm tỏa chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.

Từ sau đó, Trung Quốc đã bắt đầu có thiện chí ủng hộ Mỹ thông qua các nghị quyết trừng phạt chế độ Kim Jong-un tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có các biện pháp mạnh như cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, hàng dệt may, sắt thép, hải sản và đặt hạn mức Bình Nhưỡng nhập khẩu xăng dầu hàng năm.

4. Thổ Nhĩ Kỳ trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp

Embed from Getty Images

Ngày 16/4/2017, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để sửa đổi Hiến pháp. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân lý lịch sử này, nhưng điều đó cũng khiến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ một cách sâu sắc.

Những thay đổi lớn trong Hiến pháp được thông qua trong cuộc bỏ phiếu hôm 16/4 đã giúp ông Erdogan có nhiều quyền lực hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào kể từ sau người sáng lập nên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại là Mustafa Kemal Ataturk và người kế nhiệm Ismet Inonu.

Gói 18 sửa đổi do Tổng thống Erdogan đề xuất sẽ bãi bỏ văn phòng thủ tướng và trao cho Tổng thống quyền ban hành dự thảo ngân sách, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành các nghị định giám sát các bộ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội.

Phát biểu trước những người ủng hộ sau cuộc bỏ phiếu, ông Erdogan ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ vì đã có một “quyết định lịch sử“. So sánh với các cuộc đảo chính đã làm hoen ố chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nhiều thập kỷ qua, ông Erdogan nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hoà, chúng ta đang thay đổi hệ thống quản lý thông qua chính trị dân sự. Đó là lý do tại sao cuộc trưng cầu dân ý này rất có ý nghĩa”.

Tuy nhiên, những người phản đối nói rằng đó là một bước tiến tới chủ nghĩa độc tài lớn hơn. Ông Erdogan và đảng AK được một phần lớn các phương tiện truyền thông ủng hộ, trong khi các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Nhân dân thân người Kurd chống lại những thay đổi này đã bị bắt giam trong nhiều tháng. Các chính trị gia châu Âu, những người có quan hệ ngày càng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước tình hình Ankara hiện nay.

5. Ông Macron trở thành tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp

Embed from Getty Images

Sau hai vòng bầu cử hồi đầu tháng 5/2017, ông Emmanuel Macron – theo đường lối ôn hòa và mới tham gia chính trường – đã trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp sau khi giành thắng lợi áp đảo trước bà Marine Le Pen, thuộc phe cực hữu.

Phát biểu trước những người ủng hộ bên ngoài Bảo tàng Louvre ở Paris ngay sau cuộc bầu cử hôm 7/5, ông Macron nói rằng: “Tối nay, một trang mới trong lịch sử lâu dài của chúng ta đang mở ra. Tôi muốn nó là hy vọng và niềm tin mới”.

>>Emmanuel Macron trở thành Tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp

Chiến thắng của ông Macron đã đánh dấu lần thứ ba trong vòng sáu tháng – sau các cuộc bầu cử ở Áo và Hà Lan – rằng các cử tri Châu Âu đã bắn phá những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu muốn khôi phục lại biên giới quốc gia khắp Châu Âu. Cuộc bầu cử tại Pháp đã chọn ra một vị tổng thống bảo vệ sự thống nhất Châu Âu.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này cũng cho thấy một nước Pháp với 67 triệu dân đang bị chia rẽ sâu sắc, bị xáo trộn bởi những lo ngại về khủng bố và nạn thất nghiệp kinh niên, lo lắng về ảnh hưởng văn hoá và kinh tế do tình hình nhập cư gia tăng và lo sợ về khả năng cạnh tranh của Pháp với các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc và Hoa Kỳ.

6. Ông Moon Jae-in theo đường lối ôn hòa đắc cử Tổng thống Hàn Quốc

Ngày 10/5, ông Moon Jae-in, theo đường lối ôn hòa và là con của người đào thoát Bắc Hàn, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc.

Chiến thắng của ông Moon đã kết thúc một trong những khủng hoảng chính trị hỗn loạn nhất trong lịch sử gần đây của Hàn Quốc và thiết lập chính quyền cánh tả đầu tiên trong một thập kỷ qua.

Ông Moon từng là chánh văn phòng của tổng thống cánh tả gần nhất, ông Roh Moo-hyun. Ông Roh khi tại nhiệm đã tìm kiếm mối quan hệ gần gũi với Bắc Hàn bằng cách thiết lập các chuyến hàng cứu trợ quy mô lớn lên phía Bắc và khởi động các dự án kinh tế chung hiện đang bị đình trệ.

Sau khi nhậm chức, ông Moon chủ trương sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Hàn thông qua đàm phán và yêu cầu Hoa Kỳ tạm dừng lắp đặt hoàn thiện Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tâm cao Giai đoạn cuối (THAAD) để giảm căng thẳng với miền Bắc và tránh sức ép từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng phức tạp hơn với các cuộc thử tên lửa đạn đạo liên tiếp từ miền Bắc và Bình Nhưỡng cũng cho thử bom hạt nhân lần 6 vào đầu tháng 9. Cuối cùng, Tổng thống Moon đã cho phép quân đội Hoa Kỳ hoàn thiện THAAD và cùng các đồng minh Mỹ và Nhật Bản tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh quân sự, răn đe Bắc Hàn.

7. Nga và Mỹ cùng tuyên bố chiến thắng IS tại Iraq và Syria

Embed from Getty Images

Chính phủ Iraq với sự hậu thuẫn của quân đội Hoa Kỳ hôm 9/12 đã tuyên bố cuộc chiến với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã kết thúc.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trong một cuộc họp báo tại thủ đô Baghdad hôm 9/12  đã nói rằng quân đội Iraq hiện tại đã kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới Iraq – Syria. “Quân đội của chúng ta đã kiểm soát hoàn toàn biên giới Iraq – Syria và theo đó, tôi tuyên bố kết thúc chiến tranh với IS”. Ông al-Ababi nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert hôm 9/12 cũng tuyên bố rằng người dân Iraq sống dưới sự “kiểm soát tàn bạo” của các chiến binh thánh chiến hiện tại đã được tự do.

Trong khi đó, vào 7/12, Tướng Sergei Rudskoi, chỉ huy trưởng quân đội Nga tại Syria cho hay: “Nhiệm vụ của lực lượng quân đội Liên bang Nga đánh bại phiến quân IS trên lãnh thổ Syria đã hoàn thành”.

Tổng thống Nga Nga Vladimir Putin hôm 11/12 có chuyến thăm chớp nhoáng tới Syria và tuyên bố Moscow đã hoàn thành nhiệm vụ và sẽ rút “phần lớn quân chủ lực” khỏi Syria.

Phát biểu tại căn cứ quân sự Hmeymim tại tỉnh Latakia, ông Putin nói: “Điều kiện cho giải pháp chính trị dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã được tạo ra” và “phần chủ lực” của quân đội Nga bây giờ có thể trở về nhà,  “đất mẹ đang đợi các bạn”.

8. Bà Merkel chưa thể thành lập chính phủ sau bầu cử

Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức hôm 24/9, nhưng không phải là thắng lợi trọn vẹn của Thủ tướng Đức. Đây được coi là kết quả bầu cử tệ hại nhất của liên minh CDU dưới sự lãnh đạo của bà Merkel trong suốt 12 năm qua.

Cuộc bầu cử này cũng chứng kiến sự vươn lên của Đảng cực hữu, chống nhập cư Lưa chọn khác cho nước Đức (AfD). AfD hiện tại đã là đảng lớn thứ ba trong Quốc hội Đức.

Gần 3 tháng sau bầu cử, bà Merkel vẫn chưa thể thành lập chính phủ liên minh. Do chia rẽ trong chính sách nhập cư, nên liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của bà Merkel đã không tìm được tiếng nói chung với Đảng Dân chủ Tự Do (FDP) và Đảng Xanh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với thách thức chính trị lớn chưa từng có, thậm chí có thể khiến bà phải ra đi. Tồi tệ hơn nữa, thế suy của Thủ tướng Merkel không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của Đức, nó còn là nỗi lo của toàn Châu Âu. Lâu nay, Liên minh Châu Âu vẫn trông cậy vào nữ chính trị gia tài ba này.

Bà Merkel đang đứng trước ba kịch bản: Đàm phán lại với đảng Dân chủ Xã hội (SPD), nhưng SPD dường như vẫn kiên địch với việc trở thành đảng đối lập; CDU sẽ liên minh với đảng Xanh để thành lập chính phủ thiểu số và bà Merkel sẽ gặp rủi ro trong điều hành đất nước; kịch bản cuối cùng được đồn đoán nhiều khả năng xảy ra nhất là nước Đức sẽ tiến hành bầu cử lại vào đầu năm 2018.

9. Xả súng đẫm máu tại Las Vegas, Hoa Kỳ

Embed from Getty Images

Vào này 1/10/2017, một vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại một lễ hội âm nhạc ngoài trời tại Las Vegas đã khiến 58 người tử vong và ít nhất 527 người khác bị thương.

Cảnh sát Mỹ cho biết vào khoảng 22h08, tay súng Stephen Paddock từ tầng 2 khách sạn Mandalay Bay đã xả “mưa đạn” vào đám đông khoảng 22.000 người đang xem ca sĩ nhạc đồng quê Jason Aldean solo ở giữa sân khấu trong buổi hòa nhạc ngoài trời trên Las Vegas Strip.

>>Một phụ nữ gốc Việt thiệt mạng trong vụ xả súng Las Vegas

Sau vụ thảm sát, giới chức Mỹ cho biết tay súng Paddock là một cư dân địa phương tại bang Nevada. Hắn có một căn nhà ở thành phố Mesquite, cách Las Vegas khoảng 120km về hướng đông bắc. Paddock thuê phòng tại khách sạn Mandalay Bay từ 28/9.

Bốn ngày sau vụ xả súng, Tổng thống Donald Trump đã trực tiếp đến thăm Las Vegas, gặp các nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ tiếp xúc với lực lượng phản ứng nhanh trực tiếp tham gia công tác cứu hộ.

Gặp mặt những người đầu tiên ứng cứu trong vụ xả súng tại Phòng Cảnh sát Thành phố Las Vegas, Tổng thống Trump nói ông đang ở trong “tập thể những người hùng”.  “Nước Mỹ đang thực sự trải qua đại tang….Trong sâu thẳm của sự cố kinh hoàng, chúng ta sẽ luôn tìm thấy niềm hy vọng ở những người đàn ông và phụ nữ, dám bất chấp mạng sống của họ vì chúng ta”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ khẳng định: “Không từ ngữ nào có thể miêu tả được sự dũng cảm mà cả thế giới đã chứng kiến vào đêm Chủ Nhật [1/10]. Người Mỹ thách thức cái chết và sự hận thù bằng tình yêu và lòng can đảm”.

10. Phe Giang Trạch Dân bị đánh bật khỏi tầng quyền lực cấp cao sau Đại hội 19

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã kết thúc vào trung tuần tháng 10 vừa qua với thắng lợi của ông Tập Cận Bình và sự thất thế của phe phái ông Giang Trạch Dân.

Ngày 25/10, Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 đã ra mắt, trong 7 Ủy viên Thường ủy, người của ông Tập Cận Bình chiếm đại đa số, trong khi thế lực ông Giang Trạch Dân đã thoái lui trên diện rộng, chỉ còn lại 1 người.

Thứ tự 7 Ủy viên Thường ủy khóa mới gồm Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính. Trong số này có ông Hàn Chính là người của phe ông Giang và đứng cuối danh sách.

>>Đại hội 19: Tập Cận Bình nhiều lần nhắc từ “tranh đấu”, Giang Trạch Dân như bị tê liệt trên ghế

Ngoài ra, thành viên phe Giang Trạch Dân trong Bộ Chính trị đã giảm rất nhiều. Trong danh sách 25 Ủy viên Bộ Chính trị khóa mới, phe ông Tập Cận Bình chiếm 15 ghế, quan chức thuộc phe ông Giang Trạch Dân cũng rút lui khỏi tầng lãnh đạo cao nhất trên diện rộng.

So sánh với danh sách Bộ Chính trị khóa 18 và khóa 19, ở khóa 18, những Ủy viên Bộ Chính trị được cho là người của ông Giang Trạch Dân có Lưu Vân Sơn, Lưu Kỳ Bảo, Tôn Xuân Lan, Tôn Chính Tài, Lý Kiến Quốc, Lý Nguyên Triều, Trương Xuân Hiền, Trương Cao Lệ, Trương Đức Giang, Phạm Trường Long, Mạnh Kiến Trụ, Quách Kim Long, Hàn Chính. Đến khóa 19 chỉ còn sót lại Tôn Xuân Lan, Lý Hồng Trung, Dương Khiết Trì, Quách Thanh Côn và Hàn Chính.

11. Chuyến công du Châu Á 12 ngày của ông Trump

Embed from Getty Images

Trong 12 ngày đầu tháng 11, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có chuyến công du Châu Á quan trọng, dừng chân tại 5 quốc gia, 6 thành phố, tham dự 3 hội nghị cấp cao và gặp mặt hàng chục nhà lãnh đạo thế giới. Theo lời Tổng thống Mỹ, đó là hành trình “lịch sử” và đạt được “thành công to lớn”.

>>Ông Trump được gì sau chuyến công du Châu Á?

Hành trình trở về Washington của Tổng thống Trump là các thỏa thuận thương mại với các đối tác trị giá khoảng 300 tỷ USD, trong đó có hơn 250 tỷ USD từ Trung Quốc, 12 tỷ USD từ Việt Nam, cùng hàng loạt các lời hứa mua vũ khí của Mỹ từ các đồng mình lâu năm như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Triển vọng có thêm các hợp đồng kinh tế khổng lồ đồng nghĩa với việc làm sẽ đổ về cho người Mỹ và doanh nghiệp Mỹ, đúng như những cam kết của ông Trump trong chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Quan trọng hơn các con số nêu trên, trong 12 ngày ở Châu Á, ông Trump đã thực hiện được tất cả các mục tiêu mà ông đã đề ra: Đoàn kết thế giới chống lại đất nước Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân; tăng cường liên minh của Mỹ và nhấn mạnh vào “thương mại song phương, công bằng và đối ứng” đối với Hoa Kỳ.

12. Bắc Hàn thử hạt nhân, tên lửa

Ngày 3/9/2017 Bắc Hàn thử qua bom hạt nhân lần thứ 6 khiến thế giới chấn động. Đây là loại bom nhiệt hạch có sức công phá lớn hơn nhiều bom nguyên tử thông thường. Tổ chức Giám sát địa chấn độc lập NORSAR ước tính thiết bị được thử nghiệm có đương lượng nổ vào khoảng 120 kiloton, gấp 10 lần các quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngoài ra trong suốt 1 năm qua, Bắc Hàn đã tiến thành phóng thử 15 tên lửa đạn đạo, thậm chí đã hai lần bắn tên lửa qua bầu trời miền bắc Nhật Bản – đồng minh thân cận của Mỹ. Lần gần nhất Bắc Hàn thử tên lửa là hôm 29/11. Đây được cho là loại tên lửa đạn đạo cáo tầm xa nhất của chế độ Bình Nhưỡng từ trước tới nay và truyền thông Bắc Hàn tuyến bố rằng tên lửa này có thể bao phủ toàn bộ lục địa Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều phương thức để đối phó với chính quyền Kim Jong-un từ đe dọa quân sự, tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt quốc tế, mở các kênh ngoại giao bí mật và thúc giục Trung Quốc – đồng minh lớn nhất của Bắc Hàn gây sức ép trực tiếp…nhưng viễn cảnh phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn ngày càng xa vời.

Đã có khẩu chiến gây gắt, khiêu khích hạt nhân, tập trận quy mô lớn…căng thẳng hạt nhân Triều Tiên chỉ còn thiếu nước cuối cùng là chiến tranh.

13. Ông Mugabe bị lật đổ sau 37 năm cầm quyền

Embed from Getty Images

Hôm 21/11, ông Mugabe đã gửi lá thư từ chức tới Quốc hội Zimbabwe sau khi chịu sức ép mạnh mẽ từ quân đội, đảng cầm quyền và đông đảo người dân cả nước.

Lá thư đặc biệt của Tổng thống 93 tuổi đã được đọc giữa nghị trường trước sự hân hoan của các nghị sĩ. Trong thư, ông Mugabe tuyên bố tự nguyện từ chức để cho phép cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra trong hòa bình.

>>Mugabe: Anh hùng dân tộc hay kẻ kéo lùi lịch sử?

Người dân trong nước hân hoan, các lãnh đạo quốc tế cũng “dễ thở hơn” khi đất nước Châu Phi nghèo khó tránh được nguy cơ nội chiến.

Thủ tướng Anh Theresa May cho hay ông Mugabe từ chức “mang đến cho Zimbabwe cơ hội để tạo ra một con đường mới thoát khỏi sự áp bức dưới các nguyên tắc cai trị của vị tổng thống 93 tuổi [trong suốt gần 4 thập kỷ qua]”.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thủ đô Harare tuyên bố rằng đây là “thời khắc lịch sử” và chúc mừng người dân Zimbabwe, những người “đã dấy lên tiếng nói của họ và tuyên bố một cách hòa bình và rõ ràng rằng thời gian cho sự thay đổi [của ông Mugabe] đã quá hạn”.

Liên minh Dân chủ đối lập chính tại Nam Phi đã hoan nghênh diễn tiến chính trị mới nhất tại Zimbabwe và nói rằng ông Mugabe đã chuyển từ “người giải phóng thành nhà độc tài”.

Ba ngày sau khi ông Mugabe từ chức, hôm 24/11, ông Emmerson Mnangagwa, 71 tuổi, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn người ủng hộ tại Sân vận động Quốc gia ở Thủ đô Harare.

14. Venezuela chính thức vỡ nợ

Embed from Getty Images

Vào tối hôm 13/11, Venezuela đã không thể thanh toán khoản lãi 200 triệu USD đến hạn của hai trái phiếu chính phủ. Điều này đã thúc đẩy S&P chính thức công bố chính phủ nước này vỡ nợ, kèm theo dự đoán các khoản nợ mất khả năng thanh toán trong tương lai sẽ liên tiếp đến.

Quốc gia giàu dầu mỏ này đã chống chọi được với các khoản nợ trong thời gian dài hơn nhiều nhà đầu tư dự đoán, sau khi giá năng lượng sụt giảm vào năm 2014. Tuy nhiên, Tổng thống Nicolas Maduro cuối cùng đã thừa nhận sự thất bại vào hai tuần trước, khi thông báo rằng Caracas sẽ cần phải “tái cấp vốn và tái cơ cấu” tất cả các khoản nợ nước ngoài.

15. Tổng thống Hàn Quốc bị đối xử lạnh nhạt trong chuyến thăm Trung Quốc

Embed from Getty Images

Hôm 16/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày, đây là lần đầu tiên ông đến thăm Trung Quốc Đại Lục với cương vị Tổng thống. Ông Moon Jae-in hy vọng chuyến thăm này có thể khôi phục quan hệ bị đóng băng với Trung Quốc vì Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), nhưng trong quá trình này đã liên tiếp gặp phải những vấn đề khó xử.

Theo truyền thông Hàn Quốc, ngày 13/12, ông Moon Jae-in đến Bắc Kinh, phía Trung Quốc chỉ phái Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người giao phụ trách vấn đề Bắc Hàn là ông Khổng Huyễn Hựu ra sân bay tiếp đón. Trong khi đó, hồi tháng 10, khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ra sân bay đón tiếp; tháng 11, Thủ tướng Quốc vụ viện Dương Khiết Trì ra sân bay tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Báo chí Hàn Quốc cho biết thêm rằng trong bữa tối ngày đầu đến Trung Quốc và bữa sáng ngày thứ 2 của ông Moon Jae-in, đều không có quan chức nào tiếp đãi ăn cùng; ngay cả bữa trưa được định vào ngày 15, ông Moon Jae-in cùng ông Lý Khắc Cường cùng dùng bữa và hội đàm cũng bị hủy.

Ngoài ra, ngày 14/12, xảy ra một vụ việc đáng buồn, hai phóng viên của Hàn Quốc bị anh ninh Trung Quốc đánh, trong đó một người đã phải nhập viện gấp.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: