Cầu suy giảm mạnh, mất lợi thế cạnh tranh về giá, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản là những cảnh báo của các chuyên gia về tác động Brexit đối với xuất khẩu dệt may

Cầu suy giảm mạnh.

Đánh giá về những tác động của Brexit đến Việt Nam, Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho đó thực sự là một vấn đề đề đối với ngành Dệt may Việt Nam. Thứ nhất, một số đơn hàng xuất khẩu vào Anh đang bị chững lại. Thứ hai, giá trị đồng Bảng Anh và đồng EU khi mất giá cũng giảm sức mua và tất nhiên, thị trường sản phẩm dệt may sẽ bị ảnh hưởng. Thứ ba, một số đơn hàng gia công tại thị trường EU đã bị sụt giảm trong vòng hơn một tháng qua.

Cũng theo ông Giang, sự kiện Brexit làm cho kế hoạch sản xuất và xuất khẩu dệt may của các DN trong nước phải thay đổi. Trước mắt, chúng ta đã thấy rõ những tác động, khi cả quý II vừa qua kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước chỉ tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2015, giảm một nửa so với mức tăng trưởng trung bình 10% của ngành Dệt may. Theo các chuyên gia dự báo, trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 29,5 – 30 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 31 tỷ USD.

Mất lợi thế cạnh tranh về giá

Một vấn đề cũng đáng lo ngại là thời gian gần đây, hàng dệt may Việt Nam vào EU liên tục tăng giá. Tính đến nay, giá bán lúc cao nhất đã lên đến 40% do đồng Bảng Anh mất giá. Mặc dù tất cả các đối thủ của Việt Nam đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên do được hưởng ưu đãi thuế quan bằng 0% nên giá cả hàng hóa của một số nước vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn Việt Nam, ví như các nước láng giềng Lào, Campuchia, Mianmar… Chính yếu tố này đã khiến cho việc thuê gia công ở các nước này hấp dẫn hơn Việt Nam và đang có sự dịch chuyển các đơn hàng từ nước ta sang các nước này.

Giải pháp cho doanh nghiệp “chỉ có thể là tự xoay”

Trước tình hình đó, cuối tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi công văn lên Chính phủ và Bộ Công thương kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các DN trong ngành. Trong đó, kiến nghị giảm lộ trình tăng tiền lương tối thiểu, thay vì kế hoạch thực hiện năm 2018 thì chuyển sang năm 2020; đồng thời giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Những giải pháp trên thực tế là cắt vào quyền lợi người lao động, vốn dĩ đã rất hạn hẹp và thiệt thòi.

Hiệp hội cũng đưa ra cảnh báo để các DN chủ động tìm kiếm thị trường mới như Nga, Đông Âu, Trung Đông; tăng cường tạo sự đột phá tại một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật… ; cắt giảm chi phí, tăng năng suất để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm; điều chỉnh tỷ lệ gia công xuống thấp, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất sản phẩm phân khúc hàng chất lượng cao.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay đã có 40% DN nhỏ và vừa (khoảng 2.000 DN) đã phá sản. Nhiều chuyên gia lo ngại, liệu số DN làm gia công đơn giản còn lại có vượt qua được khó khăn hiện tại không? Đây thực sự là thử thách lớn mà mọi doanh nghiệp dệt may phải tự mày mò tìm kiếm phương thức chuyển mình, tăng cường sức mạnh nội tại.

Nguyên Hương