Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2017, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam lên đến khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2016 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngại đằng sau con số mà WB đưa ra, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vẫn chưa công bố lượng kiều hối chính thức cho đến thời điểm hiện tại.

kieu hoi
Theo World Bank, kiều hối Việt Nam năm 2017 ước tính gần 14 tỷ USD. (Ảnh: Pixabay)

Theo đánh giá của WB, với lượng kiều hối gần 14 tỷ USD về nước trong năm qua, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh để lọt vào Top 10 quốc gia, lãnh thổ có kiều hối lớn nhất thế giới.

Đứng đầu trong số các quốc gia có kiều hối lớn nhất tiếp tục là Ấn Độ với 65,4 tỷ USD. Tiếp theo là Trung Quốc với 62,9 tỷ USD và các quốc gia đang phát triển khác ở châu Á.

Mặc dù WB lo ngại chính sách nhập cư và giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến dòng kiều hối về nước. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn đưa ra dự báo lượng kiều hối về Việt Nam tăng kỷ lục ở mức 13,78 tỷ USD.

Theo dự báo của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính riêng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm 2017 sẽ vào khoảng 5,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 4,5% so với năm 2016 nhưng vẫn thấp hơn đỉnh điểm năm 2015.

kieu hoi 2
(Số liệu: WorldBank | Đồ họa: Trí thức VN)

Theo báo cáo của SSI, lượng kiều hối tăng mạnh trong dịp cận Tết góp phần giúp dự trữ ngoại hối đạt gần 58 tỷ USD vào trước tuần nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn thấp.

Cụ thể, dự trữ ngoại hối của Malaysia tính đến hết ngày 30/1/2018 vào khoảng 104 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với Việt Nam; dự trữ ngoại hối của Indonesia xấp xỉ 132 tỷ USD, trong đó có 27 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.

Nhiều nghi ngại về kiều hối Việt Nam

Nếu như IMF cho rằng kiều hối là hàng hóa và các công cụ tài chính do người lao động sống và làm việc ở nước ngoài từ một năm trở lên chuyển về đất nước họ, thì Việt Nam định nghĩa kiều hối là các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi được chuyển vào Việt Nam theo các hình thức: chuyển ngoại tệ thông qua các tổ chức tín dụng; dịch vụ tài chính – bưu chính quốc tế; cá nhân Việt Nam mang ngoại tệ theo người.

Với định nghĩa này, “kiều hối” ngoài tiền kiều bào và người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về thì cũng bao gồm luôn các khoản tiền thiếu minh bạch mà theo các chuyên gia tài chính gọi là bong bóng kiều hối. Tức là các khoản tiền được chuyển ra nước ngoài dưới hình thức đầu tư theo các kỳ hạn, sau đó được chuyển ngược trở về Việt Nam dưới danh nghĩa “kiều hối”.

Tháng 7/2017, Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố trong năm 2016 người Việt Nam chi tới 3,06 tỷ USD mua nhà ở Mỹ. Tháng 11/2017, hồ sơ Paradise được tiết lộ cho thấy hàng trăm cá nhân, tổ chức và địa chỉ liên quan đến Việt Nam được tìm thấy ở các “thiên đường thuế”.

Mặc dù theo ước tính của WB, Việt Nam đang có lượng kiều hối tăng kỷ lục, điều này nói lên rằng môi trường đầu tư đang được cải thiện. Nhưng theo xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2018 của tổ chức Heritage Foundation vừa mới công bố, Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 141/180, dưới mức trung bình thế giới và khu vực, kém hơn cả Lào và Campuchia.

Tường Văn

Xem thêm: