Điều khiến người ta không khỏi bất ngờ là việc nhà đầu tư lão làng Warren Buffett không hề quan tâm đến Bitcoin – đồng tiền ảo có tốc độ tăng giá chóng mặt trong năm 2017.

Buffett
Nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett. (Ảnh: Stuart Isett/Flickr)

Bitcoin là một ý tưởng phức tạp. Nói một cách đơn giản, đó chỉ là một loại tiền ảo được tạo ra, lưu trữ và giao dịch trực tuyến hoàn toàn trong một cơ chế cài đặt ẩn danh và không được kiểm soát. Về lý thuyết, chỉ có một số lượng hạn chế các đồng tiền ảo được tạo ra, mặc dù giới hạn đó vẫn chưa đạt tới. Vài năm trước, Bitcoin gần như không có giá trị, cho đến đầu tháng 12/2017, giá của nó đã lên đến 19.000 USD.

Có một thực tế là Warren Buffett không hề sở hữu bất cứ đồng “xu” tiền ảo nào. Trong một buổi nói chuyện với các sinh viên tại quê nhà Ohama của ông vào tháng 10/2017, Buffett nói rằng: “Bạn không thể định giá Bitcoin, bởi nó không phải là một tài sản tạo ra giá trị… Đó là một bong bóng thật sự”.

Trước đó, vào năm 2014, khi Bitcoin chưa có giá trị nhiều như bây giờ, Buffett đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CNBC: “Tránh xa nó, về cơ bản Bitcoin chỉ là ảo ảnh. Theo quan điểm của tôi, ý tưởng rằng nó [BItcoin] có một giá trị nội tại rất lớn chỉ là một trò đùa”.

Vậy điều gì đã thúc đẩy giá trị của một tài sản mà về cơ bản là không có giá trị? Đó là hiệu ứng FOMO – nỗi sợ bị bỏ lỡ.

Mối nguy thực sự

Ai mua một ngôi nhà rồi mong nó tăng giá gấp đôi trong một năm? Ai mua một trang web khởi nghiệp còn non trẻ và cam đoan nó sẽ là trang web vượt trội trong ngành này chỉ trong thời gian ngắn?

Hãy nhớ lại bong bóng nhà đất (năm 2007), và trước đó là bong bóng chứng khoán dot-com (năm 2000). Đặc điểm chung của các cuộc khủng hoảng này là có một khoảng thời gian mà những khoản đầu tư gần như không có giá trị.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn đổ xô vào các công ty dot-com và bất động sản bởi họ sợ lỡ mất cơ hội làm giàu nhanh chóng. Điều này là nguyên nhân thổi phồng giá tài sản lên quá mức và tạo ra bong bóng tài sản.

Tương tự trào lưu dot-com và bất động sản, châm ngòi cho tốc độ tăng giá “tên lửa” của Bitcoin là sự tham gia liên tục của các nhà đầu tư mới, ngày càng có nhiều người được thúc đẩy bởi ảo ảnh – sợ lỡ mất cơ hội làm giàu nhanh chóng.

Không chỉ Bitcoin, quy luật này có thể xảy ra đối với cả các cổ phiếu lớn. Hầu như mọi loại tài sản đều có những khoảnh khắc cuồng nhiệt như vậy. Tuy nhiên, cổ phiếu sau thời kỳ tăng giá ồ ạt sẽ nhanh chóng giảm giá, về lại “giá trị nội tại” của nó.

Vậy giá trị nội tại đó là gì? Hãy tưởng tượng bạn mua cổ phiếu của công ty Coca-Cola (Coke).

Có một lượng lớn người tiêu dùng trên thế giới tiêu thụ các sản phẩm Coke. Họ trả tiền mặt, hàng tỷ Đô-la tiền mặt để mua và uống nó. Bất kể giá trị của việc uống Coca-Cola là gì đi chăng nữa, hàng triệu người vẫn bỏ tiền mua nó mỗi ngày.

Bây giờ hãy trừ đi chi phí sản xuất Coca-Cola như đường, nước và một vài thành phần khác, bạn sẽ có một dòng lợi nhuận thật sự.

Dòng tiền là yếu tố quyết định

Giá trị nội tại chính là dòng thác liên tục của tiền mặt như vậy. Đó không phải là giá cổ phiếu của Coke mà là dòng tiền thu về thực tế của doanh nghiệp sau khi trừ đi các khoản chi phí.

Buffett đã kiếm được hàng tỷ Đô-la bằng cách phân chia các cổ phiếu theo giá trị nội tại và thị giá cổ phiếu của một công ty, sau đó ông tiến hành gom mua nhiều cổ phiếu có dòng tiền thực sự.

Giả thuyết rằng Bitcoin sẽ thay thế tiền mặt, nguồn gốc chủ yếu của dòng tiền từ tiền ảo được tạo ra trên internet là gì? Đó là đồng Đô-la chảy từ túi của người mua – những người muốn sở hữu tiền ảo.

Do đó, khi nào không còn nhà đầu tư mới tham gia thì cơn sốt Bitcoin kết thúc.

Trên thực tế, Bitcoin không có giá trị nội tại nào cả. Có thể nhiều “nhà đầu tư” tiền ảo biện minh rằng đồng Đô-la cũng không có giá trị nội tại. Tuy nhiên, không ai nghĩ đến đồng Đô-la như một khoản đầu tư, ngoại trừ các nhà đầu cơ tiền tệ.

Thay vào đó, đồng Đô-la chỉ là một nơi lưu giữ giá trị tạm thời, làm phương tiện truyền tải giá trị đó từ người này sang người khác.

Như Buffett nói, định giá Bitcoin cũng giống như việc cố gắng định giá một giấy xác nhận rút tiền từ ngân hàng. Điều đó là vô nghĩa. Tuy nhiên, bạn có thể phản đối và cho rằng “Bitcoin là trường hợp khác. Đó là một ý tưởng mới mang tính cách mạng”. Chắc chắn, và nó cũng là một thị trường xuyên biên giới không được kiểm soát với đầy rẫy nguy cơ bị lừa đảo.

Chỉ có một lý do khiến giá Bitcoin hiện đang lơ lửng quanh mức 15.000 USD thay vì 0 đồng – một cách lý giải đơn giản và dễ hiểu đó là hội chứng nỗi sợ bị bỏ lỡ FOMO.

Tổng hợp từ MarketWatch, CNBC
Tiêu Phong

Xem thêm: