Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết sẽ tổ chức thực hiện phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào giữa năm 2018, phần vốn Nhà nước chiếm 65% vốn điều lệ.

vinalines sky
Vinalines vừa thông báo bán đấu giá tàu Vinalines Sky với giá khởi điểm 154 tỷ đồng. (Ảnh: MarineTraffic)

Vinalines là một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thành lập năm 1995 hoạt động trong lĩnh vực hàng hải. Doanh nghiệp sở hữu hầu hết cảng biển quốc gia và có đội tàu lớn nhất cả nước, mặc dù vậy, Vinalines liên tục làm ăn thua lỗ trong giai đoạn 2007-2010 và đứng đầu bảng các DNNN thua lỗ. Theo báo cáo hợp nhất tổng công ty, lỗ lũy kế đến năm 2013 của Vinalines vào khoảng 19.110 tỷ đồng.

Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 vừa qua, Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh của Vinalines cho biết năm 2017 thị trường vận tải biển trong nước và thế giới tuy ấm lên nhưng chưa thực sự khởi sắc. Tổng doanh thu của Vinalines trong năm 2017 ước đạt gần 16.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu khối cảng biển 4.435 tỷ đồng, doanh thu khối vận tải biển 7.100 tỷ đồng, doanh thu khối dịch vụ hàng hải và doanh thu khác 4.408 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất đạt 515 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa Vinalines được Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2017, mức vốn điều lệ dự kiến của Vinalines sẽ gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 630 triệu USD.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước được mua không quá 35% vốn; Vinalines cũng nắm giữ cổ phần chi phối (65% vốn điều lệ) tại 11 cảng biển trên toàn quốc, trong đó có cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn và cảng Đà Nẵng. Lợi nhuận của Vinalines chủ yếu đến từ việc sở hữu các cảng biển này.

Trước đó, việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng công ty được lên kế hoạch vào tháng 12/2017 và sẽ chuyển sang mô hình hoạt động như công ty cổ phần từ tháng 4/2018.

Từ thua lỗ đến lãi đột biến

Từ một DNNN đứng trên bờ vực phá sản cách đây 5 năm, vốn chủ sở hữu âm hơn 5.000 tỷ đồng, sau ba năm tái cơ cấu (từ 31/12/2013 đến 31/12/2016), Vinalines giảm nợ được 8.021 tỷ đồng, ghi tăng vốn nhà nước 2.883 tỷ đồng. Báo cáo tài chính được kiểm toán của Vinalines cho thấy lợi nhuận trước thuế năm 2016 của tổng công ty này lên đến 2.148 tỷ đồng (gấp 2,2 lần năm 2015). Tuy nhiên, mức lợi nhuận cao bất ngờ trên của Vinalines không đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà là do Tổng công ty này đột ngột ghi nhận “khoản thu nhập khác” lên đến 4.043 tỷ đồng. Vinalines không cho biết cụ thể khoản thu nhập khác này là gì nhưng theo giới đầu tư, nhiều khả năng khoản thu này đến từ các hoạt động thanh lý tài sản (bán tàu) của Vinalines.

Trong cơ cấu kinh doanh, khối vận tải biển vẫn đang là mảng tối của Vinalines. Dù Tổng công ty có tổng trọng tải đội tàu chiếm 26% tổng trọng tải đội tàu quốc gia và sản lượng vận tải chiếm gần 20% tổng sản lượng vận tải đội tàu biển cả nước, nhưng cả bảy doanh nghiệp vận tải của Vinalines đều lỗ. Tổng mức lỗ năm 2016 là 1.980 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm 2015.

Mới đây, Vinalines thông báo bán đấu giá tàu Vinalines Sky với giá khởi điểm 154 tỷ đồng. Tàu Vinalines Sky được Vinalines mua năm 2007 với giá 661 tỷ đồng, hiện đang được khai thác các tuyến Đông Nam Á – Thái Bình Dương.

Trước đó vào năm 2016, Vinalines cũng tiến hành thanh lý 6 tàu khác gồm: Vinalines Global, Vinalines Trader, Vinalines Fortuna, Vinalines Star, Vinalines Ocean, Vinalines Ruby. Đây là những con tàu được đóng vào những năm 1990 và có tuổi thọ trên dưới 20 năm, riêng tàu Vinalines Ruby được đóng vào năm 2012. Một số chiếc được mua với giá khoảng trên dưới 350 tỷ đồng/chiếc, trong khi giá thanh lý bằng khoảng trên dưới 10% so với giá mua.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: