Từ ngày 10/8, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 có thị trường chứng khoán phái sinh trong khu vực ASEAN cùng với Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính này.

thi truong chung khoan phai sinh
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Sáng ngày 10/8 tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã diễn ra Lễ khai trương Thị trường Chứng khoán phái sinh Việt Nam. Đây là thị trường tài chính thứ ba được thành lập trong cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam (thị trường cổ phiếu thành lâp năm 2000, thị trường trái phiếu chuyên biệt thành lập năm 2009).

Hiện nay, quy mô của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã chiếm hơn 80% GDP, trong đó, thị trường cổ phiếu có quy mô bằng 57% GDP, thị trường trái phiếu có quy mô bằng 24% GDP; lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đã chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.

Việc cho ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tính minh bạch của thị trường cơ sở (vốn đang là trở ngại chính thu hút các nhà đầu tư), mở rộng quy mô thị trường và trở thành kênh huy động vốn an toàn, dài hạn cho nền kinh tế.

Tại thời điểm này, mới chỉ có 7 công ty chứng khoán được chấp thuận trở thành thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh của HNX và thành viên bù trừ thanh toán của VSD bao gồm:

  • Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS)
  • Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC)
  • Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
  • Công ty Chứng khoán BIDV (BSC),
  • Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS)
  • Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
  • Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Tỷ lệ ký quỹ ban đầu cho Hợp đồng tương lai (HĐTL) theo quy định của Trung tâm lưu ký chứng khoán là 10%. Đây được coi là tỷ lệ mang lại cho các nhà đầu tư biên độ lợi nhuận cao cũng như rủi ro rất lớn. Hiện tại, các công ty chứng khoán (CTCK) là thành viên bù trừ (TVBT) đang yêu cầu nhà đầu tư nộp ký quỹ với tỷ lệ cao hơn tỷ lệ quy định, chẳng hạn tại SSI là 13.37%, VCSC là 14.3%, VNDS là 15%…

Sản phẩm đầu tiên giao dịch giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh là HĐTL chỉ số VN30 các kỳ hạn VN30F1708, VN30F1709, VN30F1712, VN30F1803.

Tổng khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh phiên đầu tiên đạt 487 hợp đồng với giá trị giao dịch 36.51 tỷ đồng. Giá chốt phiên đầu tiên không được như kỳ vọng.

Cụ thể, mã VN30F1708 giảm 12,1 điểm xuống mức 745,9, mã VN30F1709 cũng giảm 7,3 điểm xuống mức 749,1 trong khi VN30F1712 tăng giá 2,9 điểm lên mức 755 và VN30F1803 tăng 9,9 điểm lên 758 điểm.

Trong khi đó, VN30 trên thị trường cơ sở đứng tại mức 743,42, tăng 2,06 điểm. Như vậy, khoảng cách giữa chỉ số VN30 hiện tại và giá VN30F1708 chỉ cách nhau có 2,48 điểm.

Chứng khoán phái sinh (derivatives) là những công cụ được phát hành trên cơ sở những công cụ đã có như cổ phiếu, trái phiếu, nhằm nhiều mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận. Các chứng khoán phái sinh sẽ là đòn bẩy, làm tăng nhiều lần giá trị các các đối tượng đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, hoặc để đảm bảo rằng nếu giá của cổ phiếu, trái phiếu có thay đổi bao nhiêu thì giá của các công cụ phái sinh vẫn sẽ được duy trì ở mức ban đầu.

Thị trường các chứng khoán phái sinh là thị trường phát hành và mua đi bán lại các chứng từ tài chính, như quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn. Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:

– Hợp đồng kỳ hạn: là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.

– Hợp đồng tương lai: là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

– Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.

– Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.

Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm). Các sản phẩm này được lựa chọn trước tiên do tính chất sản phẩm đơn giản, tài sản cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và có tính đại diện cao. Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng tương lai cũng không quá khác biệt so với giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở.

Nguyên Hương

Xem thêm: