Tại buổi tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý 4/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) diễn ra vào sáng qua (16/1), các chuyên gia VEPR cho rằng bên cạnh những thành tích tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều vấn đề nội tại cố hữu chưa được giải quyết.

silhouettes 616913 1280
(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Năng suất lao động thấp

Theo báo cáo của VEPR, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động (NSLĐ).

VEPR dẫn chứng NSLĐ của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia, 1/3 so với Thái Lan (theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ Việt Nam thậm chí còn thấp hơn cả Lào). Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao NSLĐ trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số “vàng” sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan nhận định: “Tắc nghẽn về năng suất lao động do không chuyển dịch cơ cấu nội ngành”.

Hệ quả của việc NSLĐ thấp có thể nhìn thấy qua hiện tượng có không ít doanh nghiệp ngừng hoạt động trong năm 2017 – với gần 73.000 số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động.

“Nói thật từ trong lòng, tôi vẫn thấy lo hơn về số doanh nghiệp ra khỏi thị trường”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

Theo bà Lan, môi trường kinh doanh khó khăn, thêm vào đó là các khoản thuế, phí và chi phí phi chính thức tăng cao là nguyên nhân làm khó các doanh nghiệp dẫn đến việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.

Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao

Báo cáo VEPR còn chỉ ra thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao là một trong những rào cản cho sự phát triển kinh tế.

Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN) bởi bộ máy cồng kềnh và tốn kém. Tính đến ngày 15/12/2017, tổng chi NSNN là 1.219,5 nghìn tỷ đồng, dẫn tới thâm hụt ngân sách 115,5 nghìn tỷ đồng. Chi thường xuyên vẫn rất cao ở mức 862,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 70,7% tổng chi. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển chỉ có 259,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,3% tổng chi và bằng 72,6% so với dự toán đề ra.

Theo VEPR, điều này cho thấy quy trình giải ngân các dự án đầu tư phát triển vẫn còn rất chậm, đồng thời cũng phản ánh sự thiếu cân bằng của tổng chi khi nguồn lực cho tăng trưởng dài hạn như đầu tư công bị hạn chế rất nhiều so với nhu cầu ngắn hạn như chi thường xuyên.

Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay ODA, các nhà tài trợ nước ngoài sẽ lần lượt rút dần và chỉ cho vay với các mức lãi suất kém ưu đãi hơn, Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng.

Do đó, các chuyên gia VEPR khuyến nghị Chính phủ cần thực thi các biện pháp hữu hiệu để thắt chặt chi thường xuyên như: các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các DNNN đang thực hiện trong thời gian qua.

Nhận định về nguồn thu ngân sách, TS Lê Đăng Doanh đánh giá năm 2018 là một năm hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do sẽ được thực hiện theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu về mức 0%, gây sức ép rất lớn cho nguồn thu ngân sách. Vì vậy năm 2018 không phải là năm dễ dàng.

Nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực FDI

VEPR lưu ý rằng những yếu tố bất định của nền kinh tế toàn cầu năm 2018 liên quan đến địa chính trị và xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại của một số quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ sẽ tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế Việt Nam, bởi Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào doanh số xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo số liệu thống kê chính thức từ Tổng cục thống kê, mặc dù Việt Nam xuất siêu trở lại trong năm 2017, nhưng động lực của xuất siêu chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI – xuất siêu gần 29 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu hơn 26 tỷ USD.

Tính chung cả năm 2017, tổng số vốn đăng ký mới của khu vực FDI là 21,28 tỷ USD với tổng số 2.591 dự án đăng ký mới, tổng số vốn giải ngân là 17,5 tỷ USD.

Đề cập đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2018, VEPR dự báo tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,65% (thấp hơn mức 6,81% của năm 2017) với lạm phát duy trì ở ngưỡng 4%. Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo quý sẽ tăng dần với mức thấp nhất vào quý 1/2018 là 6,02% và cao nhất vào quý 4 với 7,27%.

Chân Hồ

Xem thêm: