Mặc dù Công ty dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) cho biết họ đã chuyển khoản thanh toán nợ gốc trái phiếu đến hạn vào hôm nay (28/10), tuy nhiên nguy cơ vỡ nợ vẫn đang treo lơ lửng trên đỉnh đầu bởi các khoản nợ lớn hơn sắp đến hạn, chính phủ cạn tiền, giá dầu sụt giảm, và các đòn trừng phạt gắt gao từ Hoa Kỳ do các hoạt động đàn áp dân chủ của ông Maduro.

Embed from Getty Images

Venezuela vẫn còn nguy cơ vỡ nợ

Mặc dù PDVSA cho biết họ đã chuyển được 841,88 triệu USD khoản nợ gốc trái phiếu đến hạn hôm nay (28/10) cho các tài khoản tại ngân hàng JPMorgan, tuy nhiên không đề cập đến khoản lãi 143 triệu USD còn nợ.

Mặc dù vậy, dịch vụ chứng khoán toàn cầu Clearstream và JPMorgan đã từ chối đưa ra bình luận về việc họ đã nhận được khoản tiền thanh toán của PDVSA hay chưa.

Các mối quan tâm của nhà đầu tư bây giờ sẽ chuyển sang khả năng chi trả các khoản nợ sắp đến hạn tiếp theo của PDVSA mà gần nhất là  khoản 1,121 tỷ USD vào ngày 2/11. Sang năm 2018, Venezuela và PDVSA có khoản nợ trái phiếu khoảng 10 tỷ USD.

>> Nóng: Venezuela có thể vỡ nợ trong vòng 48 giờ tới

Ông Mauro Roca, chuyên gia phân tích của TCW cho biết: “Tại một thời điểm nào đó, nếu không phải là ngày mai, sẽ có thể xảy ra trong một vài tháng, trong một năm – nguy cơ rủi ro vỡ nợ là rất cao,” với tổng số nợ của Venezuela đã lên đến 201,6 tỷ USD.

Liệu khoản thanh toán mà PDVSA nói đã chuyển có thực sự vào tài khoản JPMorgan hay chưa, và Venezuela có xảy ra vỡ nợ vào hôm nay hay không, giới đầu tư vẫn đang quan sát, và câu trả lời chỉ có thể đến vào thứ Hai (30/10) tới, sau thời điểm cuối tuần.

Cạn tiền vì giá dầu giảm và bị Mỹ áp lệnh trừng phạt

Nguồn thu dầu của PDVSA từ việc bán cho Mỹ đã giảm xuống 35% kể từ khi Tổng thống Trump áp đặt các lệnh trừng phạt vào tháng 8/2017.

Petroleos de Venezuela SA (PDVSA), Tập đoàn dầu khí quốc gia kiểm soát trữ lượng dầu lớn nhất thế giới của Venezuela, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của Mỹ đang làm tăng nguy cơ vỡ nợ của quốc gia này. Theo Bloomberg, Mỹ chiếm tới 40% tổng lượng dầu xuất khẩu của Venezuela trong năm 2016.

Sản lượng giảm sút, các nhà máy lọc dầu bị buộc phải đóng cửa vì sự cố định kỳ hoặc thiếu dầu thô trong nước để hoạt động. Dù thoát vỡ nợ sau khi trả 842 triệu USD vào phút chót, Venezuela vẫn đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì các khoản phải trả khổng lồ sẽ liên tiếp đến hạn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị đang phá hoại nền kinh tế, nguy cơ vỡ nợ của PDVSA có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với Venezuela.

>> Venezuela – Ảo tưởng của nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa

Trong bản báo cáo tháng 8/2016, chuyên gia kinh tế trưởng của Torino Capital cho biết, Venezuela đã mạo hiểm theo mô hình giống như Ecuador, đất nước buộc phải đưa ra mức chiết khấu lớn hơn cho các đối tác xuất khẩu dầu của họ để thu hút người mua vào năm 2008 sau khi không thể trả nợ.

Francisco Monaldi, nhà nghiên cứu chính sách năng lượng Mỹ Latinh tại Viện Baker, Đại học Rice, Houston, nhận định: “Các biện pháp chế tài đang làm tổn thương Venezuela nhiều hơn so với dự kiến ​​ban đầu. Các nhà thầu lọc dầu Mỹ trả tiền mặt cho dầu thô, và nếu Venezuela mất khả năng tiếp cận với nguồn tiền này, thì điều đó có nghĩa là PDVSA gặp rắc rối lớn về tài chính.”

Theo các số liệu theo dõi tàu chở dầu của Bloomberg tổng hợp, các chuyến tàu vận chuyển dầu của Venezuela tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã giảm 35% kể từ cuối tháng 8.

Sự sụt giảm bắt đầu sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên chính quyền Nicolas Maduro vì các hành động được cho là phi dân chủ.

PDVSA là nguồn thu từ xuất khẩu lớn nhất của chính phủ Venezuela. Sự sụt giảm doanh số cộng với việc thiếu hụt nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, do đang xuất khẩu dầu thô để trả nợ các khoản vay trước đó, đang khiến Venezuela đứng trên bờ vực vỡ nợ.

Tài chính quá eo hẹp đến nỗi một nhà máy lọc dầu của PDVSA ở Curacao không thể mua đủ dầu để lọc. Chiếc tàu chở dầu Tulip, chở dầu thô Mỹ, đã trôi dạt ra nước ngoài kể từ tháng 5 đang chờ để được thanh toán. Vào cuối năm 2016, PDVSA đã nợ 42 tỷ USD.

Hôm 26/10, trái phiếu của PDVSA đã giảm hơn 4 cent và lợi tức trái phiếu vào năm 2020 đã nhảy hơn 2 điểm phần trăm lên 17,3%. Venezuela đã trễ hạn thanh toán tiền lãi hai tuần đối với một loạt các trái phiếu đến hạn vào tháng trước.

Giống như Venezuela, Ecuador phụ thuộc rất lớn vào doanh thu từ dầu. Theo báo cáo của Francisco Rodriguez, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Torino Capital ở New York, khi quốc gia này bị vỡ nợ vào năm 2008, nó đã buộc phải đưa ra mức chiết khấu lớn hơn, dẫn đến sự sụt giảm trong doanh thu dầu mỏ.

Tai ương tài chính

Sau nhiều năm quản lý yếu kém, Venezuela đã gần như cạn kiệt tiền sau khi giá dầu sụt giảm từ hơn 100 USD/thùng vào năm 2014 xuống chỉ còn 50 USD/thùng hiện tại.

Sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bắt giữ các nhà lãnh đạo phe đối lập và tìm cách sửa đổi hiến pháp hòng tước bỏ quyền lực của Quốc hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào ông Maduro và PDVSA.

>> Khủng hoảng Venezuela: Mỹ trừng phạt 13 quan chức chính quyền Maduro

Điều này cũng làm cho các nhà máy lọc dầu Mỹ gặp khó khăn khi nhập dầu của Venezuela bất chấp giá rẻ, đặc biệt là những nhà máy cần một thư tín dụng từ một ngân hàng trong nước để đảm bảo thanh toán cho công ty của Venezuela. Bởi rất ít các nhà băng ở Mỹ muốn ở trong tình thế có thể vi phạm lệnh trừng phạt Venezuela của chính phủ.

Theo số liệu của Cục điều tra dân số, Mỹ đã nhập khẩu 9,31 tỷ USD dầu thô từ Venezuela vào năm ngoái.

Cơ qua năng lượng EIA cho biết, các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 741.000 thùng dầu mỗi ngày từ Venezuela.

Nhưng khi những nguồn thu này bị sụt giảm do lệnh cấm vận của Mỹ, Venezuela đang tìm các thị trường khác để hoàn trả các khoản vay sắp đến hạn.

Theo số liệu Hải quan Hoa Kỳ và báo cáo vận chuyển hàng hải của Bloomberg, các chuyến tàu vận chuyển dầu từ Venezuela đến Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ tháng 8/2017, số lượng dầu chở đến đến Nga tăng gấp ba lần.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc và Nga đã cho Venezuela vay ít nhất 70 tỷ USD để xây dựng các dự án sản xuất dầu và cơ sở hạ tầng.

Russ Dallen, một đối tác quản lý của Caracas Capital Markets, một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Venezuela, nói: “Khi Mỹ quay lưng lại với bạn, bạn cần phải làm tốt với hai công ty cho vay lớn nhất của mình. Điều này thậm chí có thể giúp PDVSA lùi hạn trả nợ các khoản vay cũ.”

Nhưng sự suy thoái giá dầu đang tiếp tục gây căng thẳng cho PDVSA và chính quyền Maduro. Sản lượng dầu trong tháng 6/2017 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua. Các nhà máy lọc dầu trong nước đã cắt giảm công suất do nhiều sự cố và nguồn cung dầu thô bị giảm.

Theo Bà Risa Grais-Targow, một nhà phân tích của tập đoàn Eurasia, Mỹ có thể sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt trong 12 tháng tới nếu Maduro từ chối thay đổi hành vi của mình, điều đó có nghĩa là PDVSA sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Nga và Trung Quốc để có được nguồn vay mới. Sự vỡ nợ có thể xảy ra trong năm tới. PDVSA dự kiến sẽ nợ khoảng 3 tỷ USD vào năm 2018.

“Trung Quốc có thể sẽ né tránh việc cho vay mới, trong khi các thỏa thuận bổ sung với Nga phải đối mặt với những hạn chế của cả hai bên,” bà Grais-Targow cho biết. “Tuy nhiên, vẫn có một số chỗ cho các giao dịch bổ sung với Nga có thể giúp Venezuela sống xót qua cơn bĩ cực đến sang năm.”

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: