Tỷ giá đồng VND/USD tăng vọt trong 10 ngày qua dường như chỉ là vấn để của các doanh nghiệp xuất khẩu, các thương nhân giầu có, các nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc các nhà hoạch định chính sách… Nhưng không phải vậy, tỷ giá tăng cũng làm nhóm dân cư thu nhập thấp lo lắng – những người chẳng có mấy cơ hội nắm giữ đồng USD…

(Ảnh: nld.com)
(Ảnh: nld.com)

Chị Hương là một công chức làm việc tại Hà Nội. Hai vợ chồng chị lương tháng khoảng 15 triệu đồng, vừa đủ sinh hoạt cho một gia đình nhỏ 4 người và 2 bố mẹ già. Mấy ngày nay, báo chí đưa tin ông Trump lên tổng thống khiến tỷ giá liên tục tăng. Chị cũng thấy sốt ruột. Chị tâm sự: “Cứ mỗi lần tỷ giá tăng lên làm lạm phát lại tăng lên. Tết nhất đến nơi rồi, hàng hóa không biết thế nào. Nhiều người có tiền nhân dịp này đầu tư mua đô, chứ mình không có thì cứ ngồi xem báo thôi. Biết giá lên nhưng lực bất tòng tâm, vì có tiền đâu mà mua với bán”.

Trước những chấn động thị trường, những nhóm dễ bị tổn thương nhất cũng chính là nhóm người thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế nhỏ.

Bắt đầu từ ngày 8.11.2016, khi ông Donald Trump nhận được đa số phiếu bầu của đại cử tri đã đắc cử Tổng thống Mỹ. Từ thời điểm đó, trong 2 tuần, thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu dường như xoay chuyển hướng về tâm điểm nước Mỹ. Đồng đô la tăng giá liên tục. Nếu như ngày 8.11.2016 chỉ số USD so với 6 loại tiền tệ mạnh khác (EUR, JPY, GBP, CHF, CAD and SEK) là 97.86  thì ngày 25.11.2016 chỉ số USD đã lên tới 101.48, tăng tới 3.7%.

kinh-te-noi-lo-cua-nguoi-ngheo

Đồng USD tăng so  với đồng tiền khác đương nhiên sẽ tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm trong hai tuần qua (8 lần điều chỉnh tăng) với mức tăng 0.3%. Trong biên độ cho phép +/-3%, các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh tỷ giá niêm yết với mức tăng đến 1.8%. Như vậy, so với USD index, tỷ giá VND/USD còn có thể tiếp tục tăng nữa.

>> Chính sách của Trump tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Trong khi Ngân hàng Nhà nước trấn an rằng biến động tỷ giá là bình thường và Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết thị trường ngoại hối bằng cách bán USD dự trữ. Tuy nhiên, biến động tỷ giá trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ nhu cầu ngoại tệ tăng cao theo mùa vụ (tăng mạnh vào cuối năm), mà còn từ những biến động địa chính trị, từ kỳ vọng của thị trường tiền tệ quốc tế. Thêm vào đó, tính từ đầu tháng 10 cho tới nay, đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá tới 6% so với đồng USD làm tăng kỳ vọng của thị trường về tiền VND mất giá. Tháng 8 năm ngoái, khi đồng CNY mất giá 5% so với đồng USD, NHNN đã đột ngột phá giá đồng VND thêm 3% nữa ngoài dự kiến. Với những biến động khó lường trên thị trường tiền tệ quốc tế, khả năng duy trì ổn định tỷ giá của NHNN còn nhiều nghi ngại.

Phạm vi điều tiết thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước

Nhu cầu ngoại hối cuối năm được hình thành từ các nhóm chính sau: Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Thứ hai, nhu cầu trả nợ nước ngoài. Thứ ba, nhu cầu bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia. Thứ tư, nhu cầu rút vốn, chuyển lợi nhuận về nước của các khoản đầu tư nước ngoài dài hạn, ngắn hạn. Các nhu cầu ngoại hối này sẽ được cân đối với các nguồn ngoại hối có được từ hoạt động xuất khẩu; đầu tư ngắn hạn, dài hạn; các khoản vay bằng ngoại tệ, kiều hối.

Nếu lấy các số liệu của cuối năm 2015 làm căn cứ thì trong tháng tới, và chỉ xét đến nhu cầu nhập khẩu và trả nợ là thiết yếu thì Việt Nam sẽ cần khoảng 14.5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, 600 triệu USD để trả nợ, tổng cộng hai khoản là 15.1 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu sẽ đem lại khoảng 15 tỷ USD, như vậy thiếu hụt USD  không nhiều.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn về cơ cấu xuất nhập khẩu thì thấy khối FDI đang xuất siêu (tháng 12.2015, FDI xuất siêu 1,6 tỷ USD), còn khối trong nước đang thể hiện tình trạng nhập siêu (tháng 12.2015, khối trong nước nhập siêu 1,9 tỷ USD). Bên cạnh đó, nếu như dịp cuối các năm trước, lượng kiều hối đổ dồn dập về, phần lớn từ kiều bào Mỹ thì cuối năm nay tình trạng này có lẽ sẽ không xảy ra. Thêm vào đó, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang ào ạt rút khỏi thị trường. Từ trạng thái mua ròng hồi tháng 10/2016, khối ngoại đã quay ngoắt ra bán ròng  rã trong tháng 11. Điều này đồng nghĩa khối tài sản 3 tỷ USD vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang bốc hơi dần dần, gia tăng nhu cầu ngoại tệ để thoái vốn.

Như vậy, thiếu hụt ngoại tệ có khả năng vượt trên 2 tỷ USD cho riêng tháng 12.2016. Do đó, muốn ổn định thị trường, Nhà nước cần tung ra thị trường ngoại hối tối thiểu 2 tỷ USD/ tháng. Đây là bài toán nan giải khi quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước khá khiêm tốn (theo dự toán ngân sách 2016 là 100 tỷ đồng) và yêu cầu dự trữ ngoại hối tối thiểu của một đất nước vẫn phải là tổng trị giá nhập khẩu trong vòng 3 tháng (nghĩa là lấy ra sử dụng thì phải bù đắp ngay vào).

Như phân tích ở trên, đồng USD đã tăng tới 3.7% so với 6 đồng tiền mạnh, trong khi mới tăng 1.8% so với đồng VND. Do vậy khả năng tỷ giá VND/USD còn có khả năng tiếp tục tăng cao. Nếu Ngân hàng nhà nước tiếp tục kìm giữ tỷ giá thì cũng sẽ xuất hiện những phản ứng nhất định trên thị trường tiền tệ như hoạt động mạnh hơn của thị trường ngoại hối “đen”, hình thành các khoản chi phí đặt cọc, xếp hàng để mua ngoại tệ theo giá niêm yết,….

Giá hàng Tết có biến động?

Thâm hụt thương mại của khối trong nước trong tháng 12 chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới giá cả hàng hóa Tết, không chỉ giá hàng nhập khẩu mà cả giá hàng sản xuất trong nước. Vì hàng hóa trong nước vẫn cần nguyên liệu ngoại nhập, với mức độ phụ thuộc từ 30%.

Do vậy với thông tin Bộ Công thương vừa công bố rằng Hà nội đã chuẩn bị 23.100 ngàn tỷ đồng cho bình ổn giá hàng tết. Đây phải nói là tin vui cho các hộ gia đình sống tại khu vực Hà nội cũng như các khu vực lân cận có thể được hưởng giá ổn định cho các mặt hàng tết thiết yếu vào dịp tết Đinh Dậu 2017 này.

Nguyên Hương

Xem thêm: