Giá vàng miếng trong nước niêm yết tại một số đơn vị đã lao dốc mạnh sau ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch – tức ngày 25/2) với 5 phiên giảm giá liên tục (hiện đang nhích nhẹ trở lại). Tại một số đơn vị, giá đã giảm tới gần 700.000 đồng mỗi lượng, có lúc giá giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng (vào ngày 2/3) so với mức giá cao nhất 37,6 triệu đồng/lượng trong ngày Vía Thần Tài.

huy dong
Giá vàng lao dốc 5 phiên liên tiếp sau ngày Vía Thần Tài. (Ảnh qua: wsj.net)

Đây là một trong những rủi ro đáng tiếc khi người dân đổ xô đi mua vàng ngày Thần Tài mặc dù biết việc giá vàng giảm sâu ngay sau đó là điều khó tránh khỏi và đã thành quy luật trong nhiều năm qua. Còn nhớ, trong ngày vía Thần Tài năm 2017, giá mỗi lượng vàng buổi sáng so với cuối chiều cùng ngày 6/2/2017 đã chênh lệch lên đến 800.000 đồng/lượng, người mua vàng không tránh khỏi bị thua lỗ nặng.

Việc giá vàng biến động mạnh và luôn duy trì cao hơn từ vài triệu so với vàng thế giới có một phần đến từ chính sách quản lý vàng của Nhà nước, mà cụ thể đó là Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

>>NHNN đề xuất Nhà nước độc quyền huy động vàng miếng và kinh doanh vàng trên tài khoản

Nghị định 24 ra đời năm 2012 trong bối cảnh thị trường vàng hỗn loạn (giai đoạn 2008 – 2011), đóng vai trò ổn định thị trường vàng khi đã hạn chế được hoạt động nhập lậu vàng và các NHTM huy động và cho vay vàng rủi ro, tuy nhiên đến nay Nghị định này đã không còn phù hợp. Các doanh nghiệp đề xuất phải sửa đổi để trả lại thị trường vàng hoạt động đúng quy luật.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Thế Hùng – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Kinh doanh vàng, sau khi áp dụng vào thực tế, Nghị định 24 đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải được sửa đổi.

Thứ nhất, việc NHNN đứng ra mua bán, kinh doanh vàng là không thực hiện đúng chức năng, vai trò của một cơ quan quản lý Nhà nước.

Thứ hai, mặc dù hiện có khoảng 38 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng, tuy nhiên, nhiều điều kiện ràng buộc tạo cơ chế xin cho khiến các tổ chức này khó kinh doanh trên thực tế, doanh nghiệp không dám đầu tư mạnh.

Thêm vào đó, các quy định đối với hoạt động kinh doanh vàng trang sức cũng chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, vì các doanh nghiệp không được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, buộc các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức phải mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, dẫn đến giá thành cao do giá vàng trong nước luôn chênh lệch cao hơn so với giá vàng thế giới, doanh nghiệp không cạnh tranh được với các doanh nghiệp quốc tế.

Một số khái niệm cần được làm rõ

Trao đổi với Truyền hình Quốc hội hôm 26/2 với nội dung “Ngày thần Tài bàn về quản lý vàng trong dân”, ông Hùng cho rằng có một số khái niệm cần được làm rõ tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về việc Nhà nước được độc quyền huy động vàng từ các cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng trên tài khoản.

Theo ông Hùng, về quy định Nhà nước độc quyền huy động vàng, việc biến vàng gửi của dân thành các nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển kinh tế là việc nên làm, tuy nhiên, khái niệm này phải nằm trong phạm vi vai trò phát triển kinh tế, chứ không phải để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh vàng.

Về quy định độc quyền kinh doanh vàng tài khoản, ông Hùng cho hay Nhà nước chỉ nên độc quyền tổ chức quản lý sàn vàng quốc gia, và không nên để các NHTM tự mở sàn giao dịch như trước đây vì chưa có khung pháp lý đầy đủ.

Nói về giải pháp để đưa thị trường vàng phát triển ổn định mà không để bị tình trạng vàng hóa nền kinh tế, ông Hùng cho biết NHNN chỉ nên thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chứ không nên trực tiếp mua bán vàng mà nên để cho các doanh nghiệp và thị trường hoạt động theo đúng cơ chế của nó.

Ngoài ra, lý giải về nguyên nhân thị trường vàng trở nên trầm lắng – trong khi giá vàng thế giới năm 2017 tăng 14,3% thì giá vàng SJC trong nước chỉ tăng 5% – chuyên gia đến từ Hiệp hội Kinh doanh vàng lý giải do các nguyên nhân: tỷ giá được giữ ổn định; khối lượng giao dịch vàng SJC ngày càng giảm vì không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nên không tạo ra nguồn vàng SJC mới. Gần đây, người dân cũng không còn tích trữ vàng như một kênh đầu tư nữa mà chuyển vàng SJC thành tiền để đầu tư vào các kênh hấp dẫn hơn như: chứng khoán, bất động sản…

Chân Hồ

Xem thêm: