Sáng ngày 5/1, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề Giới thiệu về 10 Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), có hiệu lực từ 1/1/2018.

Pham Tuan Anh
Ông Phạm Tuấn Anh trao đổi với các cơ quan báo chí. (Ảnh: Bộ Tài chính)

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tác động tới thuế nhập khẩu năm nay bao gồm: ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Ấn Độ, ASEAN – Úc – New Zealand, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Chile và Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Các biểu thuế này được công bố áp dụng cho giai đoạn 5 năm (từ 2018) nhằm đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho doanh nghiệp.

Theo tiến trình của Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), năm 2018 sẽ có 588 dòng thuế được cắt giảm từ mức 5% năm 2017 về 0%. Chủ yếu là các mặt hàng sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử, nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo…

Thép nhập khẩu từ Trung Quốc

Trước đó vào đầu tháng 12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khẳng định rằng có một lượng lớn thép Trung Quốc đang “đội lốt” thép Việt để hưởng chênh lệch thuế và cho biết sẽ áp mức thuế cao, có thể lên tới 238% đối với tôn mạ, và 531% đối với thép cuộn cán nguội nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.

Cơ quan này đưa ra dẫn chứng kể từ thời điểm Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ năm 2015, các sản phẩm thép cuộn cán nguội từ Việt Nam nhập khẩu hàng năm vào Mỹ tăng mạnh lên tới 295 triệu USD so với chỉ 11 triệu USD trước đó. Các mức thuế cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 16/2/2018. Bên cạnh Mỹ thì Trung Quốc cũng là mục tiêu áp thuế chống bán phá giá hàng đầu ở các thị trường EU, Châu Á…

Tại Trung Quốc, trong tháng 12/2017, Bộ Tài chính nước này đã công bố cắt giảm thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm thép dây và thanh từ ngày 1/1/2018. Thuế xuất khẩu thép tấm không gỉ sẽ giảm từ 10% xuống còn 5%, trong khi thuế phôi thép sẽ là 10% (giảm từ 15% hiện nay). Thuế giảm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thép Trung Quốc tăng tính cạnh tranh ở thị trường ngoài nước, giảm áp lực nguồn cung trong nước và dọn đường cho giá nội địa tăng.

>> Nhập siêu: Những áp lực và hệ lụy không nhỏ cho doanh nghiệp Việt

Ngoài ra, theo biểu thuế Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á- Âu (VN-EAEU FTA), sau khi cắt giảm 5.535 dòng thuế, năm nay sẽ có thêm 3.720 dòng được cắt về 0% gồm: sữa và sản phẩm từ sữa, ôtô và phụ tùng linh kiện ôtô, sắt thép, điện gia dụng… Trong khi đó, biểu thuế Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có đến 10.078 dòng thuế (chiếm 92,9%) được ưu đãi đặc biệt; và có 704 dòng thuế được cắt giảm về mức 0% từ năm 2018, tập trung ở các mặt hàng thủy sản, bột mỳ, bánh kẹo, nhiên liệu diesel, máy móc thiết bị điện và điện tử…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc giảm thuế nhập khẩu có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước hay không, ông Phạm Tuấn Anh – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết “Từ góc độ ngành tài chính, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách nhưng không nhiều. Phạm vi tác động chưa tới 5% số dòng thuế, vì vậy thu ngân sách giảm rất ít.”

Đối với mặt hàng ôtô, ông Phạm Anh Tuấn cho biết 2017 là năm cuối cùng trong lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN và là năm cuối áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 30% (trước khi giảm thuế về 0%). Tuy nhiên, ông nhận định vẫn chưa thể đánh giá việc giảm thuế này sẽ tác động thế nào trong năm 2018.

Chân Hồ tổng hợp

Xem thêm: