Sau nhiều năm chờ đợi, Trung Quốc đã công bố kế hoạch cải cách ngành năng lượng theo hướng để thị trường quyết định giá cả xăng dầu. Liệu Việt Nam có bắt kịp với tiến trình cải cách để hội nhập sâu hơn với thế giới hay không?

Ngày 21/5/2017, Trung Quốc đã công bố kế hoạch cải cách ngành năng lượng vốn được chờ đợi bấy lâu. Kế hoạch này khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo trong việc cải cách sâu hơn đối với các công ty xăng dầu thuộc sở hữu nhà nước.

Theo đó, Trung Quốc sẽ cho phép các công ty đủ tiêu chuẩn tham gia cạnh tranh khai thác nguồn dầu khí qua hình thức đấu thầu công khai. Khích lệ các công ty nhà nước đa dạng hình thức sở hữu và chia tách các đơn vị chức năng nhằm tạo ra cơ chế hoạt động theo quy luật thị trường với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp và nguồn lực tư nhân. Đồng thời khiến cho các công ty nhà nước cần phải nâng cao chất lượng quản lý và tự khắc phục những vấn đề tồn tại trong quá khứ để thích ứng với thị trường.

Kế hoạch này cũng hướng đến sự tách bạch các hoạt động sở hữu, khai thác ống dẫn dầu với các hoạt động kinh doanh nhằm đạt được tính chuyên môn hóa cao.

Theo kế hoạch cải cách này, sẽ có thêm nhiều nguồn lực tư nhân tham gia vào lĩnh vực dầu khí, và giá cả xăng dầu sẽ được điều tiết bởi quy luật thị trường, nhà nước chỉ can thiệp trong các tình huống đặc biệt.

Tuy nhiên kế hoạch này không đưa ra lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể. Đồng thời nó cũng không thu hẹp hoạt động của ba công ty trụ cột thuộc sở hữu nhà nước là Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn Dầu mỏ ngoài khơi quốc gia Trung Quốc. Tuy vậy Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc đã có kế hoạch hợp tác với các công ty tư nhân và Tập đoàn dầu mỏ quốc gia sẽ cho phép các công ty tư nhân nắm giữ hơn 49% cổ phần trong các công ty khai thác dầu.

Tại Việt Nam, cơ chế vận hành của thị trường xăng dầu Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc, đó là sự sở hữu và quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực này.

Đơn vị khai thác dầu khí lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với nhiều công ty con và đơn vị trực thuộc; và hoàn toàn thuộc sở hữu của nhà nước Việt Nam. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc phát hiện, khai thác và làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí tại Việt Nam.

Về cơ chế điều hành giá cả thị trường xăng dầu, theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Trong đó Chính phủ cho phép thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn, nhưng việc tăng giá xăng dầu phải nằm trong các mức trần quy định. Trên thực tế, sự tăng giảm giá cả xăng dầu được điều chỉnh thông qua các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời việc điều chỉnh giá của các thương nhân đầu mối cũng phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền thông qua.

Theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về mức 0%. Mặc dù Việt Nam tuân thủ các điều khoản trong hiệp định thương mại, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu nhưng giá cả xăng dầu trên thị trường vẫn không giảm do nhà nước điều chỉnh tăng các loại thuế nội địa như thuế môi trường hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt.

Có thể nói thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn đang hoạt động với sự điều tiết và kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Trong tiến trình hội nhập Việt Nam sẽ phải tính đến các biện pháp và chính sách cải cách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động khai thác vận hành của các công ty khai thác, xuất nhập khẩu dầu thuộc sở hữu nhà nước, để giá xăng dầu trong nước phù hợp với quy luật cung cầu trên thị trường.

Liên Hương

Xem thêm: