Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ký hai sắc lệnh thương mại về chống bán phá giá và điều tra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Hai sắc lệnh này đòi hỏi giới chức Mỹ phải hoàn tất một bản phân tích nghiên cứu nguyên nhân gây nên mất cân bằng thương mại với từng quốc gia và từng loại sản phẩm cụ thể . Báo cáo phải đưa ra trong 90 ngày, tập trung vào 15 nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn năm 2016, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Việt Nam, Italia, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sỹ, Indonesia, Canada, cộng thêm Đài Loan. Chính quyền Mỹ dự định có các cuộc họp công khai để nghe báo cáo từ các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ, công nhân, nông dân và người tiêu dùng tại quốc gia này.

Sắc lệnh đầu tiên tập trung vào việc cưỡng chế thi hành chống bán phá giá và tăng cường các hình thức xử phạt chống bán phá giá và “thuế đối kháng”- một cơ chế chống lại các Chính phủ nước ngoài trợ cấp cho các nhà sản xuất nội địa bán sản phẩm với giá thấp hơn thị trường.

Sắc lệnh thứ hai yêu cầu Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra một báo cáo toàn diện nhằm xác định “mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ”. Thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước có thể do nguyên nhân chính sách, hoặc do nguyên nhân cơ cấu. Nguyên nhân thứ hai có thể không gây nhiều hậu quả nếu Mỹ đe dọa trả đũa. Theo ước tính của chính quyền ông Trump công bố vào ngày 31/3, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000, lên 648 tỷ USD, mà lớn nhất là với Trung Quốc, ở mức 347 tỷ USD năm 2016.

Các quan chức chính quyền Mỹ coi các sắc lệnh thương mại này là bước đi mang tính đột phá. Đây được xem là dấu mốc cho sự bắt đầu một chương hoàn toàn mới trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác nước ngoài. Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump, nói rằng hai sắc lệnh này sẽ thực hiện lời hứa của ông Trump là đưa việc làm trở về nước Mỹ.

Kế hoạch 100 ngày của Trump-Tập

Tin tức về lệnh bổ sung được đưa ra hai ngày sau cuộc gặp đầu tiên của ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida, nơi hai nhà lãnh đạo đồng ý đưa ra kế hoạch 100 ngày cho các cuộc đàm phán thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này.

Ngành thép Hoa Kỳ đã giành được thắng lợi lớn về thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, và ngành nhôm cũng đang tìm kiếm sự bảo hộ tương tự. Nhà sản xuất thiết bị gia dụng Whirlpool của Mỹ cũng đã giành được thuế chống bán phá giá đối với thương hiệu máy giặt Samsung và LG xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Đại diện Thương mại của chính quyền Trump, ông Robert Lighthizer, cho biết họ sẽ tìm cách thiết lập các biện pháp thương mại mới để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu không công bằng. Họ dự kiến sẽ khai thác các hành động thương mại theo Mục 301 của Luật Thuế quan năm 1930, một điều khoản được sử dụng rộng rãi trong những năm 1980 để tăng thuế và hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm của Nhật Bản như thép và xe máy. Mục 301 đã không còn được sử dụng nữa kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập vào năm 1995.

Phản ứng của một số chính quyền trước sắc lệnh mới

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh, Đức đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Washington muốn xa rời thương mại tự do và các thỏa thuận quốc tế. Suốt nhiều năm, do khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của các công ty Đức và nhu cầu cao của người tiêu dùng Mỹ với hàng hóa “Made in Germany”, Mỹ đã nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Đức hơn là xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Đức đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua từ khoảng 28,8 tỷ euro năm 2006 lên 49 tỷ euro năm 2016.

Tại Việt Nam, mặc dù Chính phủ chưa có bất cứ phản ứng gì trực diện với hai sắc lệnh này, nhưng trong Cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh nguy cơ này trong phát biểu của mình: “Nền kinh tế nước ta đang đối diện sức ép lớn, chủ yếu là từ các vấn đề dài hạn tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết và cộng với tình hình quốc tế hết sức phức tạp, nhất là chính sách bảo hộ thương mại, chính sách thuế biên giới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.”

Theo số liệu thống kê năm 2016, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 13 vào thị trường Mỹ. Năm 2016, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng 14,9% so với năm 2015. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn. Năm 2016, xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 29,7 tỷ USD, tương đương với 4,5% tổng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.

Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2016 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2016
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Trước đó, từ cuối năm 2016, đã có nhiều dự đoán về triển vọng thương mại Việt Mỹ dưới thời ông Trump sẽ như thế nào? Có thể là tốt hơn trước hoặc không. Dù sao thì Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại của Việt Nam và Việt Nam cần thực hiện các biện pháp cụ thể để duy trì quan hệ thương mại đó.

Nguyên Hương (T/h)

Xem thêm: