Trong năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay thêm 2 tỷ USD, nâng tổng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ lên tới 9,7 tỷ USD. Với con số này, EVN giữ “quán quân” về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty khác, đặc biệt khi phần lớn nợ của EVN là do Chính phủ bảo lãnh.

 Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng chi chi sản xuất kinh doanh của EVN bị “đội” thêm 7.230 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Nợ lớn, nhiều sự cố gây tử vong trong vận hành thủy điện, nhiệt điện

Tại buổi làm việc với EVN vào chiều ngày 21/6, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục nêu lại ba vấn đề Thủ tướng yêu cầu EVN báo cáo, vốn đã được đưa ra tại phiên họp Chính phủ tháng 5.

Thứ nhất, yêu cầu EVN báo cáo các giải pháp thực hiện mục tiêu phải đạt tăng trưởng 11,5% trong năm 2017, bảo đảm điện cho nền kinh tế, cung ứng điện cho miền Nam, không để xảy ra thiếu điện… Trong 4 ngày nắng nóng đầu tháng 6 đã có tới 12.632 cuộc gọi liên quan sự cố mất an toàn về điện – ông Lục dẫn một ví dụ.

Lưu ý EVN về việc vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Nhiều vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua như 4 học sinh bị đuối nước, tử vong tại khu vực hạ lưu Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên); sự cố công trình Thủy điện Sông Bung 2 vào tháng 9/2016 khiến 2 công nhân tử vong; ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắkngập lụt tại Hà Tĩnh vào cuối năm 2016… liên quan đến việc các thủy điện xả lũ. Gần đây là sự cố nổ tại nhiệt điện Phả Lại vào ngày 6/6.

Tổ công tác nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng: “Không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Vậy cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được”, yêu cầu EVN báo cáo các giải pháp.

Thứ hai, yêu cầu EVN báo cáo về tiến độ đầu tư của các dự án EVN như một số dự án trong Quy hoạch điện VII bị chậm so với dự kiến, đưa ra giải pháp.

Thứ ba, yêu cầu EVN báo cáo kết quả tái cơ cấu tập đoàn. “Theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN giữ vị trí “quán quân” nợ vay. So với các tập đoàn khác thì vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay do Chính phủ bảo lãnh. Cuối năm 2015, nợ vay được Chính phủ bảo lãnh khoảng 26 tỷ USD, trong đó EVN chiếm 37%”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục cho hay.

Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, năm 2015, Công ty mẹ – EVN vay thêm 2 tỷ USD, nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD.

Thứ trưởng Nội vụ – Nguyễn Trọng Thừa, thành viên tổ công tác nói về số nợ còn “treo” của EVN: “Đây là gánh nặng lớn cho tập đoàn trong hạch toán, điều hành. Nợ tính vào giá nên giá điện buộc phải cao là đúng rồi”.

Tuy nhiên, về giải pháp, vị này cho rằng EVN cần tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hoá ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỷ giá, tiết giảm chi phí; ngoài ra, tập đoàn cần đẩy nhanh áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động, qua đó giảm được số nhân lực “trèo cột, cầm gậy, ghi sổ điện” đang rất đông hiện nay.

EVN: Giá than, dầu, khí, tỷ giá… tăng, chi phí ‘đội’ thêm hơn 7.000 tỷ đồng

Báo cáo về tình hình hoạt động, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN cho biết 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 95,7 tỷ kWh, tăng 7,9% cùng kỳ năm trước.

EVN đảm bảo cung cấp điện nếu nhu cầu tăng 11,5% và chuẩn bị sẵn sàng cho phương án cao hơn nhưng mặt khác cho rằng tốc độ tăng trưởng điện phụ thuộc vào nhu cầu của phụ tải.

Đối với hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn, Tổng giám đốc EVN cho biết kiểm toán Nhà nước đang thực hiện thẩm định kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của tư vấn tại Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3), dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2017; đối với Tổng công ty phát điện 1, đã lựa chọn được đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Đáng chú ý, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, ông An cho rằng đang chịu nhiều áp lực của các yếu tố đầu vào. Ông An cho biết tổng chi chi sản xuất kinh doanh tăng thêm 7.230 tỷ đồng, nguyên nhân do việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện, giá than nhập khẩu, giá dầu, khí, tỷ giá… cũng tăng.

Để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, ông An cho biết EVN sẽ giảm tổn thất điện năng xuống 7,47% (thêm 0,13% so với kế hoạch), giảm chi phí mua điện khoảng 363 tỷ đồng.

Ngành điện chưa theo cơ chế thị trường nhưng lại phụ thuộc vào nhiều mặt hàng khác. Khoản chi phí ‘đội’ lên 7.230 tỷ đồng là có thực, phải cân đối lại đầu ra như thế nào cho hợp lý”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói, đồng thời cho hay “giá có thể cao, tăng nhưng phải có giải thích rõ ràng“.

Nhưng Thứ trưởng Tài chính – Đỗ Hoàng Anh Tuấn lại cho rằng theo cơ chế giá hiện nay, điện đang lỗ, phải bù chéo ở nhiều nơi bởi giá bán rất rẻ so với khu vực.

Ông Tuấn dẫn chứng giá thế giới với điện gió là 9,35 cent/kWh, còn giá điện bình quân của Việt Nam là 7,3 cent/kWh. Giá điện rẻ nên rất khó để nhà đầu tư rót vốn, nhất là vào các công trình cung cấp năng lượng sạch.

Ngoài ra chưa kể việc phải bù lỗ cho những năm trước. “Phải có cơ chế chính sách phù hợp để ngay trong năm 2017 này xử lý được hậu quả tài chính 10 năm trước“, ông Tuấn cho hay.

Theo số liệu của Bộ Công thương công bố tháng 1/2017, năm 2015, EVN đạt lợi nhuận hơn 2.132,7 tỷ đồng và chưa có đề xuất tăng giá điện năm 2017.

Doanh thu bán điện năm 2015 là 234.339 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện bình quân 1.630,96 đồng/kWh. Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2015 của EVN là 2.132,74 tỷ đồng.

Về việc xây bể bơi, sân tennis, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương cho biết theo quy định hiện nay, các chi phí  đều phải lấy từ quỹ phúc lợi của ngành điện nên trong giá thành điện sản xuất không có các chi phí này.

Về chi phí phát sinh, Phó Tổng Giám đốc EVN – ông Đinh Quang Tri cho biết năm 2015 do giá dầu thế giới giảm mạnh nên chi phí của EVN giảm khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ giá biến động nhiều nên khiến ngành điện phát sinh chênh lệch tỷ giá khoảng 9.800 tỷ đồng.

Khoảng 3.500 tỷ đồng được xử lý qua việc tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động. Còn hơn 5.000 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá, nếu đưa hết vào giá điện, EVN sẽ lỗ rất lớn đồng thời giá điện sẽ tăng rất cao. EVN đã báo cáo Bộ Công Thương và được chấp thuận cho số chênh lệch tỷ giá chưa được xử lý sẽ phân bổ dần vào giá điện trong 5 năm. Khi có điều kiện thuận lợi, sẽ đưa dần vào giá điện.

Vĩnh Long

Xem thêm: