Tình trạng hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục nhận được các cảnh báo từ những thị trường lớn về việc nhiễm kim loại nặng là một thực trạng rất đáng lo ngại cho tương lai của ngành này.

formosa va tham hoa moi truong bien mien trung
(Ảnh: nld.com.vn)

Ngày 5/4/2018, tại Hội nghị “Bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm khai thác khai thác” do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại TP Nha Trang, ông Ngô Hồng Phong – Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng Nông lâm – Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã cho biết về tình trạng gia tăng đột biến tình trạng hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam nhiễm kim loại nặng trong năm 2017 so với năm 2015 và 2016.

Theo ông Phong, năm 2017, có 50 lô hàng thủy sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm. Các thị trường cảnh báo là EU (35 lô), Nhật Bản (4 lô) và Liên minh kinh tế Châu Âu (11 lô). Chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là kim loại nặng (Cd, Hg), Histamin, vi sinh vật như TPC, Coliforms.

“Như vậy, trong năm 2017, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, phát hiện chất ô nhiễm (kim loại nặng như thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép đã gia tăng đột biến, đặc biệt là EU tăng gấp 2 lần so với năm 2016, tăng gấp 6 lần so với năm 2015”, ông Phong cho biết.

Theo ghi nhận, hàng thuỷ sản Việt Nam nhận được cảnh cáo bị nhiễm kim loại nặng bắt đầu từ tháng 5/2015 và đặc biệt tăng mạnh từ sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) liên quan đến việc công ty Formosa xả thải vào tháng 4/2016.

Tháng 6/2016, tại cuộc họp với Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lo lắng cho biết: Cơ quan thẩm quyền của Liên minh Châu Âu (EU) đã có văn bản cảnh báo số tới 28 nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.

Tháng 10/2016, EU tiếp tục phát đi cảnh báo về tình trạng 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị dư lượng kim loại nặng là thuỷ ngân, Cadmium vượt giới hạn tối đa cho phép và đề nghị các nước thành viên kiểm tra tăng cường kim loại nặng đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu.

Ngày 23/10/2017, thủy sản khai thác của Việt Nam đã bị Tổng vụ Sức khỏe và an toàn thực phẩm DG-MARE (Liên minh châu Âu EU) rút thẻ vàng.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, việc liên tục bị EU rút thẻ vàng gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu, nếu bị chuyển sang thẻ đỏ sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản sang thị trường EU. Với kim ngạch xuất khẩu từ 400 triệu đến 450 triệu USD/ năm, đó sẽ là một tổn thất rất lớn với ngành thuỷ sản Việt Nam.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: