Sự tắc nghẽn trong khâu phân phối đã khiến ngành chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với nguy cơ giảm giá chưa từng có.

Theo thông tin của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lợn hơi chăn nuôi trong nước tăng nhanh trong những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng lợn hơi giai đoạn 2011 – 2016 đạt 3,6%/năm, sản lượng năm 2016 đạt 3,75 triệu tấn (tăng 5,1% so với năm 2015), riêng quý I/2017 đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, sự bất cân đối giữa sản lượng chăn nuôi và nhu cầu tiêu dùng, cùng với đó là sự tắc nghẽn trong khâu phân phối đã khiến ngành chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với nguy cơ giảm giá chưa từng có, trong khi nhiều trang trại không trụ vững đã phải phá sản. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ với hoạt động kinh doanh của ngành chăn nuôi.

giá thịt lợn giảm
Người chăn nuôi đứng trước nguy cơ phá sản khi thịt lợn giảm giá quá mạnh (Ảnh: nongnghiep.vn)

Hiện giá lợn hơi xuất chuồng vào khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg, giảm mạnh so với giá bình quân năm 2016, mức giảm khoảng 17.000 – 20.000 đồng/kg, tương đương khoảng 37%. Đáng chú ý là giá vẫn tiếp tục giảm, mức giá mới nhất ghi nhận ở Bến Tre là 16.000 đồng/kg, còn ở Hải Dương là 17.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất hiện nay trên thế giới.

Sản lượng thịt lợn tăng mạnh do kỳ vọng bán sang Trung Quốc bất chấp nhiều cảnh báo rủi ro

Hiện tại, sản lượng chăn nuôi thịt lợn trong nước vượt xa nhu cầu nội địa. Thịt lợn chăn nuôi trong nước chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, chiếm khoảng 75 – 80% và được phân phối qua các chợ bán lẻ truyền thống (khoảng 8.000 chợ, chiếm tới 80% lượng thịt lợn tiêu thụ trong nước) và hệ thống siêu thị (khoảng 560 siêu thị, chiếm 20%). Ước tính, nhu cầu tiêu dùng bình quân thịt lợn của Việt Nam là 3,55 triệu tấn thịt hơi/năm, như vậy, chỉ tính riêng nguồn cung thịt lợn trong nước (năm 2017 ước đạt 3,75 triệu tấn), thị trường đã dư thừa khoảng hơn 200.000 tấn.

Sở dĩ có mức sản lượng vượt quá cầu trong nước vì người chăn nuôi kỳ vọng sẽ bán sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là sản phẩm lợn sống và thịt lợn của Việt Nam chưa được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc, người chăn nuôi của Việt Nam chỉ có thể xuất theo đường tiểu ngạch (phi chính thức) nên chịu mọi rủi ro về thị trường. Trong một vài năm gần đây, nhu cầu về lợn sống và thịt lợn của Trung Quốc tăng mạnh nên xuất khẩu tiểu ngạch qua các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn diễn ra trong các năm trước đây và tăng nhanh trong năm 2016 (đạt khoảng 600 nghìn tấn với kim ngạch 1 tỷ USD) do giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc tăng cao (tăng trung bình khoảng 50% so với năm 2015). Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 10/2016 cửa khẩu phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nên không xuất khẩu được nhiều, tại cửa khẩu Tà Nùng (Cao Bằng) và Na Sầm (Lạng Sơn) chỉ xuất được 3-4 xe/ngày (tương đương khoảng 50-60 tấn/ngày).

Như vậy, nếu phía Trung Quốc làm chặt và ngừng nhập khẩu qua các tỉnh phía Bắc thì sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu, hệ quả là lượng nhập khẩu thịt của Việt Nam sẽ cao hơn hẳn so với sản lượng xuất khẩu. Cùng với 200.000 tấn thịt dư cung ước tính, việc thịt lợn giảm giá là một điều không quá khó hiểu. Đây không phải là lần đầu tiên xẩy ra vấn đề rớt giá sản phẩm nông, lâm nghiệp khi người nông dân làm ăn với thương lái Trung Quốc.

Rủi ro về dư cung thịt lợn cho thấy công tác quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Như nhiều mặt hàng nông sản khác, mặt hàng lợn thịt được chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ (hình thức chăn nuôi truyền thống, kiểu tận dụng với quy mô nhỏ lẻ đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước, chiếm khoảng 65-70% về đầu con) nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương (cá nhân) mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ. Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.

Bên cạnh đó, chưa có hỗ trợ của các cơ quan ban ngành trong việc nghiên cứu thị trường, dự báo thị trường, thông tin kịp thời tới các hộ chăn nuôi. Kết quả là chăn nuôi theo tin đồn, kinh nghiệm (do thiếu thông tin) đã dẫn đến các tổn thất lớn cho người chăn nuôi nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Dù sản xuất trong nước dư thừa nhưng xuất khẩu còn hạn chế trong khi nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài vẫn cao

Về xuất khẩu, hiện nay thịt lợn Việt Nam mới chỉ được phép xuất khẩu sang Hồng Kông và Malaysia (thịt lợn choai 20 – 30 kg, thịt lợn sữa đông lạnh) với sản lượng khoảng 10.000 – 11.000 tấn/năm. Từ năm 2006 Liên bang Nga đã ngừng nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam do Việt Nam xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng và giá thịt của Brazil cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn được nhập khẩu từ các nước EU, Úc, Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Liên bang Nga… về Việt Nam năm 2016 đạt 39,4 nghìn tấn với kim ngạch 44 triệu USD và tính đến hết ngày 15 tháng 3 năm 2017, lượng thịt lợn các loại nhập khẩu đạt khoảng 7,8 nghìn tấn với kim ngạch là 9,4 triệu USD, tăng 16% về lượng và 21% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Giá sản phẩm thịt lợn trong chuỗi phân phối không liên thông, cả người tiêu dùng và chăn nuôi đều thiệt hại

Trong khi giá bán từ trang trại chăn nuôi giảm thấp, thì mức giá thực tế đến tay người tiêu dùng vẫn giữ mức cao. Giá nhập khẩu bình quân là 27.000 đồng/kg, cộng thêm thuế MFN đối với thịt lợn các loại nhập khẩu trung bình là 15 – 25% và thuế VAT 5%, tổng giá nhập khẩu tại cảng là 40.000 – 42.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khảo sát mức giá thịt lợn nhập khẩu tại một số siêu thị hiện nay thì vẫn trên 100.000 đồng/kg, chẳng hạn như Vinmart 125.000 – 130.000 đồng/kg; Big C trung bình 102.000 – 120.000 đồng/kg; Fivimart trung bình 115.000 – 120.000 đồng/kg… Sự tương phản về giá giữa thịt lợn hơi trong nước và thịt lợn nhập khẩu, cũng là một bất cập gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi và cả người tiêu dùng.

Hiện chuỗi cung ứng có sự sắp xếp lại, công ty thức ăn phải giảm giá xuống, các hộ nông dân bỏ chuồng, giảm số lượng, nhiều người vỡ nợ mất nhà cửa. Mảng bán lẻ tại các tỉnh chăn nuôi có thêm hình thức mới: Một số người chung nhau (gọi là “ăn đụng”) 1 con lợn thay vì mang bán cho thương lái. Hình thức này sớm muộn thì cũng sẽ lan rộng và có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh do giết mổ không tập trung. Một liều vacxin có giá khoảng 300 nghìn đồng, trong khi giá bán lợn giống chỉ được 200 nghìn đồng thì việc bỏ bê không chăm sóc phòng bệnh cho lợn là điều dễ xảy ra.

Minh Ngọc