Việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động phản ánh thực tế hệ thống tài chính đang gặp những bất ổn nhất định. Hệ lụy kéo theo từ động thái này là sản xuất bị đình trệ do chi phí đi vay tăng cao, đẩy giá thành lên, từ đó tạo tiền đề cho những bất ổn gia tăng.

(Ảnh: seekingalpha.com)
(Ảnh: Shutterstock)

Thị trường tiền tệ trong tháng cuối cùng của quý I/2017 đã xuất hiện xu hướng rất đáng quan ngại. Đó là hàng loạt ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất vượt 9%/năm. Kể từ khi Ngân hàng (NH) VPBank tung ra gói chứng chỉ tiền gửi (CCTG) lãi suất lên đến 9,2%/năm áp dụng kỳ hạn 60 tháng với số tiền từ 5-10 tỷ đồng; hay Sacombank phát hành CCTG với lãi suất 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm, đến nay đã có NH đưa ra mức lãi suất còn hấp dẫn hơn.

Cầu tiền của các ngân hàng hiện tại quá lớn đã phơi bày một thực tế là hệ thống tài chính vẫn đang gánh khoản nợ xấu khổng lồ nằm trong VAMC, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải thực hiện nghĩa vụ trích lập dự phòng để bù đắp nợ xấu khiến dòng tiền bị thiếu hụt. Và khi mà mức tín nhiệm của các ngân hàng xuống thấp, họ không thể vay được qua thị trường liên ngân hàng, các NHTM buộc phải tăng lãi suất huy động để bổ sung nguồn vốn đang thiếu hụt.

Rủi ro chi phí tài chính tăng cao

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, cuộc đua lãi suất CCTG cũng như lãi suất tiết kiệm dài hạn hiện nay có thể khiến lãi suất cho vay sẽ nhích lên bởi giá vốn của các NH đã tăng lên. Cộng với tác động đã được dự báo trước đó như áp lực lạm phát tăng trở lại, đồng USD lên giá thì xu hướng tăng lãi suất trong năm nay trở nên rõ nét hơn. Điều này chắc chắn sẽ làm khó cho nhiều doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ gánh chịu thiệt hại lớn nhất khi lãi suất tăng, và bất ổn vĩ mô lớn. Trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng năm 2017 khó đạt kế hoạch 6,7%, khi mà kết quả tăng trưởng Quý I/2017 chỉ đạt 5,1% – mức thấp nhất kể từ năm 2014. Lãi suất huy động tăng chắc chắn sẽ đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo, đặc biệt là ở kỳ hạn trung và dài hạn. Thực tế mối lo tăng lãi suất cho vay đã hiện hữu. Đại diện một công ty thực phẩm cho biết, dù cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp… nhưng lãi suất khó có thể hạ. Hiện thị trường dường như đang đi ngược lại các mong muốn chính sách.

“Chi phí vay vốn tăng sẽ khiến các doanh nghiệp khó hơn trong cạnh tranh với đối thủ nước ngoài”, vị đại diện công ty này bày tỏ.

Nhưng lo lắng hơn cả có lẽ là các công ty trong lĩnh vực bất động sản. Tổng giám đốc một công ty địa ốc cho biết nếu lãi suất cho vay tăng thì đương nhiên sẽ kéo theo chi phí đầu tư, nguyên liệu xây dựng, chi phí nhân công… tăng. Qua đó đẩy giá thành sản phẩm tăng lên. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và chung quy lại mọi thiệt hại sẽ đổ lên đầu khách hàng.

Áp lực từ bội chi ngân sách kéo dài và rất lớn

Tỷ trọng nợ công bằng đồng USD của Việt Nam lên tới 44%. Như vậy, với động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang (FED) trong thời gian tới sẽ làm cho khoản nợ bằng USD phình to, gây áp lực lớn lên nền kinh tế.

Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 13/4 chỉ ra lo ngại khi tăng trưởng tín dụng Việt Nam rất cao ở mức 19% cuối năm 2016. Đặc biệt khi mà tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện đã rất cao, lên tới 120% vào tháng 12/2016, trong khi áp lực nợ xấu trong quá khứ còn chưa được giải tỏa đủ, cho thấy có lý do để quan ngại.

Theo kế hoạch, tháng 7/2017, World Bank sẽ chấm dứt cho Việt Nam vay ODA. Đến 2019, ADB và các nhà tài trợ song phương cũng không còn dành ưu đãi ODA cho Việt Nam. Ngoài ra, nguồn kiều hối sụt giảm trầm trọng (từ 13,2 tỷ USD xuống còn 9 tỷ USD năm ngoái) và được dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới, do ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát biên giới của Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãi suất tiền gửi ngoại tệ tại Việt Nam giảm xuống 0% từ đầu năm.

Tất cả những điều này dẫn đến một thực tiễn: để có tiền đảo nợ và bù đắp bội chi, Việt Nam buộc phải phát hành Trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong nước và quốc tế với mức lãi suất cao do tín nhiệm Chính phủ ở mức quá thấp (BB-). Không chỉ rủi ro nợ công tăng mà tăng trưởng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực hơn.

Bên cạnh đó, bội chi ngân sách ở mức rất cao, theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều này dẫn đến hệ quả tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã xấp xỉ 65%, cao thứ hai Asian, chỉ sau Singapore. Nhưng Singapore sẽ không gặp rủi ro vì mức độ tín nhiệm đối với TPCP nước này cao, còn Việt Nam hoàn toàn trái lại. Theo các chuyên gia kinh tế, đối với các quốc gia mới nổi hay đang phát triển, tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 40% là tỷ lệ được đề xuất và tỷ lệ này không nên bị phá vỡ trong dài hạn.

Tỷ giá hối đoái sẽ là vấn đề thực sự của năm 2017

FED tăng lãi suất, đồng USD tăng giá, Việt Nam cũng như các nền kinh tế mới nổi khác sẽ đứng trước thách thức dòng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục rời khỏi thị trường. Mặc dù trong 3 tháng đầu năm, xu hướng này chưa hiện thực ở Việt Nam, nhưng thách thức này thực sự hiện hữu, hiện tại lợi suất TPCP gia tăng cho thấy rủi ro vĩ mô tăng, tín nhiệm của nhà đầu tư với nền kinh tế nói chung và Chính phủ nói riêng là giảm.  

Mặc dù thặng dư thương mại với Mỹ là 22 tỷ USD, nhưng Việt Nam lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc 30 tỷ USD. Khi FED tăng lãi suất, Trung Quốc chịu áp lực giảm giá đồng NDT, và khi là nước thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, Việt Nam sẽ chịu thiệt hại nặng nề, nên áp lực phá giá tiền đồng sẽ lớn hơn để cân bằng quan hệ thương mại này.

Ngoài ra, hệ quả của chính sách mở rộng cung tiền và tín dụng trong năm 2015 và 2016 đã làm lạm phát gia tăng khá rõ nét, dự tính có thể lên đến 4%.

FED đã tăng lãi suất lên 1% và còn có thể tăng thêm tiếp nữa vào thời gian tới. Điều này đã đẩy các vùng kinh tế mới nổi vào nguy cơ khủng hoảng cận kề, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc với quá nhiều dấu hiệu bất ổn ngày càng lộ diện như bong bóng bất động sản, sự tháo chạy của các tập đoàn đa quốc gia khỏi thị trường này, lạm phát tăng cao,… mà hệ lụy là gián tiếp ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Việt Nam.

Tâm Như – Chân Hồ

Xem thêm: