Hiệp hội Taxi Hà Nội vào hôm thứ hai (2/10) đã gửi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dừng thí điểm loại hình taxi công nghệ Grab và Uber Việt Nam, lấy lý do các hãng taxi công nghệ này đang làm “thất thoát ngân sách” quốc gia.

grabBike
(Ảnh qua: economist.com)

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, Grab và Uber chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài mỗi năm gây ra thất thoát ngân sách cho chính phủ.

Trong khi nhiều hãng taxi truyền thống phải vật lộn để cạnh tranh và tồn tại, thì sự xuất hiện của Grab và Uber lại không ngừng phát triển và thị phần ngày càng được mở rộng, điều này đã đẩy các hãng taxi truyền thống vào tình huống khó khăn.

Số lượng xe Grab và Uber đã vượt 50.000 chiếc trên toàn quốc.

Mặc dù đề xuất dừng thí điểm hoạt động của Grab và Uber, nhưng chính bản thân các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun, Thành Công,…cũng đua nhau ra mắt ứng dụng gọi xe tương tự mô hình của các hãng taxi công nghệ.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu rằng mô hình taxi công nghệ bị cho là không phù hợp, hay đơn giản đấy chỉ là mặt lobby về chính sách của các hãng taxi truyền thống, và sự kém hiệu quả, không theo kịp xu hướng công nghệ, và đặt biệt là không thể cạnh tranh nổi với Grab, Uber đã khiến Hiệp hội taxi Hà Nội đưa ra những đề nghị mang tính chủ quan và không công bằng?

Bộ GTVT nói gì?

Trước kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội, đại diện Bộ GTVT cho rằng, không thể bắt Grab, Uber dừng hoạt động như kiến nghị, vì đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng, việc gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp có quyền làm.

Liên quan tới các lập luận của Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, các xe hợp đồng hoạt động kiểu Grab, Uber không bị quản lý, ràng buộc như taxi truyền thống, gây thiệt thòi và bất công bằng đối với taxi truyền thống, đại diện Bộ GTVT khẳng định xe hợp đồng được quản lý theo quy định và cơ quan chức năng đã xử lý nhiều xe hợp đồng vi phạm.

Theo đại diện của Bộ GTVT, bản chất hoạt động của Grab, Uber chỉ là sử dụng hình thức hợp đồng điện tử thay vì bằng giấy, và họ cũng đều có đăng ký kinh doanh, công khai giá cả như các hãng truyền thống khác.

Về việc taxi truyền thống “tố” Grab, Uber trốn thuế, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu thật sự có vi phạm quy định thì trách nhiệm giải quyết, truy thu thuế thuộc cơ quan thuế, vi phạm về thuế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

>> Hàng trăm ngàn lái xe Grab, Uber có nguy cơ bị truy thu thuế

Người tiêu dùng đánh giá gì?

Sau khi Bộ GTVT bác bỏ kiến nghị của Hiệp hội taxi, nhiều người dùng xe taxi bày tỏ sự ủng hộ với quyết định này.

Một người dùng ứng dụng xe taxi công nghệ bày tỏ: Đúng là tầm nhìn rất rộng của bộ GTVT, còn Hiệp hội vận tải tầm nhìn rất hạn hẹp. Ở góc độ doanh nghiệp phải luôn cạnh tranh để đổi mới, có như vậy mới thúc đẩy xã hội phát triển được”.

Nhiều người dùng cho rằng các hãng taxi công nghệ mang lại sự tiện lợi cao, thái độ phục vụ tốt và mang lại nhiều sự giản tiện cho khách hàng khi lịch trình, điểm đến và giá cả đều minh bạch, trong khi đó, thái độ làm ăn chộp giật của một số tài xế taxi truyền thống đã đánh mất đi thiện cảm của người dùng. Trong quá khứ có không ít ví dụ về việc các tài xế hãng taxi truyền thống (bấy giờ chưa có Grab, Uber) gian lận về đồng hồ tính tiền, đi ban đêm khách hàng chịu phí tổn cao, và thậm chí là đi đường vòng nhằm kéo dài chặng đường. Với Grab và Uber, khách hàng cảm thấy mình được yên tâm về mặt phí tổn.

Cùng quan điểm trên, một bạn đọc trên mạng xã hội cho rằng quyết định của Bộ GTVT trong vấn đề Grab, Uber lần này rất đúng, không như vụ thu phí BOT thời gian qua đã khiến người dân nhiều phen khổ sở vì có quá nhiều trạm thu phí.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng Grab và Uber chỉ được giảm giá trong các khung thời gian nhất định, còn đối với khung giờ cao điểm, giá của nó cũng không ít hơn so với các hãng taxi truyền thống.

Xét về góc độ một doanh nghiệp kinh doanh trong bất kỳ lĩnh vực nào mà nói, thì sẽ luôn có những mặt mạnh và mặt yếu khác nhau, điều đó tạo nên sự đa dạng trong ngành, tính cạnh tranh lành mạnh và nhất là không bị độc quyền hóa thị trường khi chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ trong ngành. Do đó, những mặt hạn chế của Grab, Uber thì có những nhà quản lý kinh tế luôn xem xét, ngược lại, taxi truyền thống cũng có những yếu tố bất cập. Việc nêu ra điểm xấu của đối thủ và tìm cách loại bỏ đối thủ cạnh tranh không thông qua việc cải thiện chất lượng dịch vụ bản thân tốt hơn là một cách làm phiến diện, không công bằng. Và hơn nữa, người tiêu dùng cuối cùng mới là những người quyết định liệu công ty, dịch vụ đó có được tồn tại trên thị trường hay không.

Chân Hồ

Xem thêm: