Nếu đề xuất của Bộ Tài chính sửa đổi luật thuế giá trị gia tăng được thông qua, giá cả hàng loạt hàng hóa, dịch vụ sẽ đồng loạt tăng giá, lạm phát cao khó tránh khỏi trong khi lạm chi ngân sách không thể giải quyết.

tang thue VAT
(Ảnh: shutterstock)

Cụ thể, với thuế VAT thông thường, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Tăng thuế VAT mức 10% hiện hành lên 12% từ ngày 1/1/2019; hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ năm 2019 và lên 14% từ 1/1/2021. Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1, nghĩa là nâng đồng loạt VAT lên 12% từ đầu năm 2019.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội nên cân nhắc trước đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng với hàng hóa tiêu dùng của Bộ Tài chính. Ông nêu ba lý do:

Thứ nhất, thuế VAT nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT, vì vậy, sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn – do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.

Thứ hai, mức thuế suất VAT trung bình của Việt Nam hiện đã khá cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể VAT ở Việt Nam là 10%, trong khi ở Malaysia là 6%, Singapore, Thái Lan là 7%, Indonesia 10%, Philippines 12%.

Với mức thuế suất trung bình 10%, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, khoảng 27,5% tổng thu Ngân sách nhà nước (NSNN). Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT của các nước EU cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách.

Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp. Tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP.

Dù đầu năm nào Thủ tướng cũng ban hành chỉ thị cắt giảm chi tiêu, tinh giản bộ máy nhưng trên thực tế chi ngân sách đã không ngừng tăng lên trong nhiều năm. Ngay cả thời điểm cận kề ngưỡng báo động nợ công thì bội chi ngân sách năm 2016 ước tính 192.000 tỷ đồng, tương đương 6,2% GDP.

Sang năm 2017, dù được dự toán ở mức thấp hơn nhưng bội chi ngân sách vẫn được tính là 5,47% GDP, nhưng vẫn vượt xa mức 3,5% mục tiêu đặt ra.

Bộ máy công chức, viên chức nhà nước không những không được tinh giản mà ngày càng phình to. Tính đến cuối năm 2016, có hơn 11 triệu người hưởng lương ngân sách, chiếm 12% dân số. Riêng năm 2017, để cải cách tiền lương cho khối công chức, viên chức đã lấy mất 6.600 tỷ đồng của chi thường xuyên.

Nếu không có biện pháp căn cơ cho việc chi tiêu ngân sách thì biện pháp tăng thuế VAT không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi tiêu bừa bãi của bộ máy chính quyền, đè thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Tuệ San

Xem thêm: