Các nhà đầu tư khắp thế giới đang lo ngại khả năng vỡ nợ từ khối nợ xấu ngày một lớn của Trung Quốc hiện nay, danh mục đầu tư của họ tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực bởi vấn đề này. Dù Chính phủ liên tục trấn an mức độ “có thể kiểm soát” nhưng dường như mức độ nghiêm trọng của nợ xấu tại quốc gia này ngày một gia tăng khi xem xét nợ xấu trong mối tương quan với chuẩn mực kế toán, tài chính thế giới.

Số liệu thống kê chính thức, cho tới cuối tháng 5/2016, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc vượt 2,000 tỷ NDT (khoảng 304 tỷ USD); tăng gần gấp 3 lần trong 3 năm gần đây. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ chính thức chỉ ở mức 2,15%, tăng 0,16 điểm % so với đầu năm 2016.

Như vậy, nếu so với tỷ lệ nợ xấu bình quân của thế giới mà World Bank tính toán (4,2% tại thời điểm 31/12/2014[1]), thì tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức bình quân này và so với các nền kinh tế có hệ thống tài chính minh bạch và lành mạnh hơn như Nhật Bản, Mỹ, UK, … Và như vậy, dường như các nhà đầu tư không có lý do gì phải lo ngại về hệ lụy nợ xấu đối với nền kinh tế nói chung và đối với các khoản đầu tư của họ tại quốc gia này nói riêng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia ngân hàng và các tổ chức tài chính luôn nghi ngờ tính chính xác của số liệu này. Nên nhớ, Trung Quốc luôn là quốc gia đi đầu trong việc phớt lờ các chuẩn mực hay nguyên tắc, thông lệ quốc tế.

Nợ xấu tại Trung Quốc được ghi nhận theo cách thức độc đáo, khác hẳn với chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và thông lệ phân loại nợ xấu ở hầu hết các quốc gia.

Nợ xấu (nợ loại 3, 4 và 5 theo cách phân loại của Việt Nam) được ghi nhận theo thông lệ nếu quá hạn trả nợ 90 ngày (đối với cả nợ lãi và/hoặc nợ gốc). Tuy nhiên, ở Trung Quốc, nợ quá hạn hơn 90 ngày được coi là “bình thường” và chưa được phân thành nợ xấu nếu ngân hàng thương mại ( NHTM) – (người cho vay), tin tưởng rằng có thể thu hồi nợ. Nợ xấu chỉ được ghi nhận tại các NHTM ở Trung Quốc khi ngân hàng thấy rằng khách hàng không thể trả được nợ (thậm chí không hoàn trả được ngay cả sau khi đã xem xét tài sản đảm bảo cho khoản vay).

Trong một báo cáo của PwC, một ví dụ về phân loại nợ xấu của NHTM Trung Quốc được đưa ra như sau: Công ty TNHH Thương mại Shenzhen gặp khó khăn trong kinh doanh, đã quá thời hạn 90 ngày nhưng Shenzhen không thể trả khoản vay 100 triệu NDT tại NHTM của mình. Tuy nhiên, NHTM này lại đang nắm giữ cổ phần của Shenzhen; NHTM của Shenzhen cho rằng tài sản đảm bảo của Shenzhen tại thời điểm đó có giá thị trường lớn hơn nhiều so với khoản vay. Tự tin có thể thu hồi nợ, khoản vay quá hạn hơn 90 ngày của Shenzhen không được NHTM này phân loại thành nợ xấu.

Theo tính toán của Bloomberg, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ ước tính tại hệ thống NHTM của Trung Quốc tại thời điểm cuối năm 2015 lên tới 21%. Với cách phân loại nợ xấu độc đáo như trên, nếu được phân loại lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế thì con số 21% của Bloomberg không đáng ngạc nhiên.

Theo lẽ thường, các NHTM Trung Quốc thà tin tưởng sẽ thu hồi được nợ còn hơn phân loại thành nợ xấu và phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR); theo quy định trích lập DPRR tối thiểu là 150% tổng nợ xấu trên bảng cân đối và không thấp hơn 2,5% tổng dư nợ. Không chỉ vậy, tỷ lệ nợ xấu công bố chính thức của Trung Quốc thấp do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, các ngân hàng (đặc biệt nhóm NHTM nhà nước) cần tiếp tục mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp nhà nước (SOEs) và chính quyền địa phương để phục vụ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, nên các NHTM này cần lờ đi các khoản nợ xấu đối với nhóm này; việc có thể “làm ngơ” không phân loại nợ xấu được bảo hộ bởi chính sách (như đã nêu).

Thứ hai, các NHTM có thể bán nợ xấu lại cho 4 ngân hàng quốc gia lớn hoặc cho các công ty xử lý nợ xấu (AMCs). Khi đó, nợ xấu tại bảng cân đối kế toán của các NHTM giảm xuống, nằm ngoài hệ thống dữ liệu của khu vực ngân hàng, nằm im tại các công ty xử lý nợ xấu dưới dạng tài sản hoặc tại các NHTM nhà nước lớn dưới dạng “chứng khoán đầu tư”.

Thứ ba, tổng dư nợ của toàn hệ thống không ngừng tăng với tốc độ cao để khuyến khích tăng trưởng; khi mẫu số tăng với tốc độ lớn, thì tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng có thể duy trì ở mức thấp.

Một cách lô-gic, không khó để hình dung rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng của Trung Quốc lớn đến đâu. Trong hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, đặc biệt là cuộc khủng hoảng 2007-2008, rủi ro đạo đức cao và tính liêm chính trong ngành ngân hàng bị xói mòn chính là một trong những nguyên nhân căn bản khiến khủng hoảng xảy ra trên diện rộng, với quy mô tổn thất lớn và khó lường.

Chú thích: Từ trái sang phải, cột thứ nhất là tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức; cột thứ hai là tỷ lệ nợ xấu công bố chính thức khi tính thêm một số khoản vay đặc biệt đã được xác định (5%); cột thứ 3 và 4 là tỷ lệ nợ xấu được tính lại bởi CLSA và BNP Paribas; cột 5 (cuối cùng) tỷ lệ nợ xấu được ước tính bởi Bloomberg.
Chú thích: Từ trái sang phải, cột thứ nhất là tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức; cột thứ hai là tỷ lệ nợ xấu công bố chính thức khi tính thêm một số khoản vay đặc biệt đã được xác định (5%); cột thứ 3 và 4 là tỷ lệ nợ xấu được tính lại bởi CLSA và BNP Paribas; cột 5 (cuối cùng) tỷ lệ nợ xấu được ước tính bởi Bloomberg.

Sự khác biệt quá lớn giữa tỷ lệ nợ xấu khiêm nhường trên báo cáo chính thức và tỷ lệ nợ xấu thực được ước tính cũng khiến chúng ta nhớ lại các kịch bản tương tự của một số nền kinh tế trước khi xẩy ra hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây 1997/98 và 2007/08. Hàn Quốc khi bước vào khủng hoảng tài chính năm 1998, nợ xấu chiếm tới 18% tổng dự nợ, tương đương với 27% GDP. Trước khi khủng hoảng, năm 1996, số liệu tỷ lệ nợ xấu chính thức được Thái Lan công bố là 5%, và đã tăng vọt lên 50% ngay khi khủng hoảng nổ ra. Ireland công bố tỷ lệ nợ xấu báo cáo là 0,8% năm 2007, nhưng thực tế nợ xấu đã lên tới 30% tổng dư nợ. Tây Ban Nha báo cáo tỷ lệ nợ xấu chính thức là 0,9% năm 2007 và đến năm 2010 nợ xấu của nước này là 30-40% tổng dư nợ.

Như vậy, với tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tại hệ thống NHTM của Trung Quốc ở mức trên 20%, thì nên kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng giống như các quốc gia trên khi hai cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những nguy cơ rất lớn và khủng hoảng có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Nguyên Hương

Xem thêm