Việt Nam đang dần nổi lên như một trung tâm gia công BPO kế tiếp của khu vực nhờ nhân công rẻ và nhiều ưu đãi chính sách.

Hoi nghi gia cong phan mem 2017
Hình ảnh buổi Hội nghị Xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin 2017 (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Trong Hội nghị ngành công nghiệp gia công phần mềm 2017 kéo dài 2 ngày (19-20/10) tại TP.HCM, Việt Nam bày tỏ tham vọng muốn trở thành một trung tâm dịch vụ BPO (gia công quy trình doanh nghiệp) lớn của khu vực Đông Nam Á.

Ngành công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đang được hỗ trợ bởi các chính sách ưu đãi của chính phủ, cùng với lực lượng lao động trẻ và có trình độ công nghệ. Ước tính có khoảng hơn 50 triệu người dưới 35 tuổi.

Hội nghị về Gia công phần mềm CNTT tại Việt Nam năm 2017, tổ chức tại TP.HCM thu hút 500 đại diện từ các công ty trong, ngoài nước. Đây là hội nghị thứ 2 về BPO diễn ra tại Việt Nam, với chương trình nghị sự là làm thế nào để biến Việt Nam, từ một điểm nóng gia công thuê ngoài ở Đông Nam Á thực sự trở thành một trung tâm BPO của khu vực.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 1.000 công ty CNTT sử dụng khoảng 80.000 lao động. Và có khoảng 40.000 sinh viên IT mới ra trường hàng năm giúp mang đến nguồn nhân lực mới mẻ.

Tất cả điều này đã biến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho ngành dịch vụ gia công phần mềm.

Đứng thứ 6 về gia công phần mềm toàn cầu

Vào tháng 9/2017, Hãng tư vấn AT Kearney đã công bố Bảng xếp hạng các Quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm (GSLI) năm 2017, trong đó Việt Nam đã tiến năm bậc để xếp vị trí thứ sáu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Brazil.

Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được kể từ khi AT Kearney công bố chỉ số GSLI. Mặc dù vậy, so với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam vẫn đứng sau Malaysia và Indonesia.

>> 22 năm gia nhập ASEAN: Việt Nam nhập siêu hơn 90 tỷ USD

Tiếp theo vào đầu tháng 10, trong báo cáo “Điểm sáng tại Việt Nam” của công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC cho Hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã đánh giá BPO sẽ là một trong năm lĩnh vực phát triển nóng nhất của Việt Nam trong vài năm tới, cùng với các lĩnh vực ngân hàng thương mại; năng lượng mặt trời và gió; khu nghĩ dưỡng cao cấp; và nông nghiệp công nghệ cao.

Trước đó, theo bảng xếp hạng của Tập đoàn tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield năm 2016, thì Việt Nam đứng số 1 thế giới về dịch vụ BPO.

Nhật Bản là khách hàng chính của Việt Nam trong ngành dịch vụ BPO, do đó sự tăng trưởng của ngành sẽ phụ thuộc lớn vào nền kinh tế Nhật Bản. Nhưng theo AT Kearney, trong những năm gần đây, thị trường New Zealand đang nổi lên như một khách hàng lớn của Việt Nam.

Công ty BPO như ‘nấm mọc sau mưa’

Trong giai đoạn 2005-2015, ngành BPO Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20% hàng năm, với trị giá 2 tỷ USD.

Mặc dù mức này vẫn còn xa so với mức 22 tỷ USD của Philippines (lớn nhất trong khu vực), nhưng sự bất ổn về chính trị ở Philippines được cho là sẽ mở ra cơ hội cho những quốc gia khác.

>> Philippines: Thời kỳ ‘trăng mật’ của TT Duterte đã hết?

Ngoài ra, lĩnh vực BPO mà Việt Nam phát triển khác với của Philippines và Ấn Độ, vốn là những thị trường đã thành công với dịch vụ chăm sóc khách hàng qua điện thoại (Call Center) cho thị trường nói tiếng Anh. Các công ty Việt Nam tập trung vào các dịch vụ xử lý văn bản cho hơn 20 thị trường ngôn ngữ khác nhau – bao gồm thu thập dữ liệu, xử lý hình ảnh, phân loại dữ liệu và cập nhật dữ liệu.

Ông Frank Schellenberg, người sáng lập Digi-Texx, nhà cung cấp dịch vụ BPO đầu tiên và nổi tiếng nhất tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi không cạnh tranh với các đối tác Philippines hay Ấn Độ. Chúng tôi cung cấp dịch vụ mà Việt Nam có nhiều lợi thế hơn và được chính phủ ưu đãi hỗ trợ.”

Để tăng cường hơn nữa ngành công nghiệp này, Liên minh Tổ chức CNTT Việt Nam (VNITO) tại Hội nghị Gia công phần mềm năm nay đã ký kết 3 bản ghi nhớ với các đối tác Hoa Kỳ và Nhật Bản: Diễn đàn Thung lũng Silicon, Tập đoàn Phát triển Công nghệ Việt Nam và Quỹ phát triển công nghiệp Shonan. Với nội dung liên quan đến hỗ trợ về công nghệ và marketing.

Chia sẻ với Nikkei Asian Review, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Liên minh VNITO và là Giám đốc điều hành Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, các tổ chức này mong muốn nâng cao năng lực và kết nối nhiều khách hàng hơn với các nhà cung cấp dịch vụ BPO Việt Nam.

Kế hoạch này là để vun đắp ngành công nghiệp BPO của Việt Nam trong 10 năm tới trước khi chuyển sang quá trình gia công quy trình tri thức (KPO), vốn đòi hỏi đội ngũ nhân viên có tay nghề cao và các chuyên gia.

“Đây sẽ là khoảng thời gian tốt để Việt Nam mở rộng cũng như nâng cấp ngành công nghiệp BPO, từ phân khúc sản phẩm vừa và nhỏ như hiện tại lên mức cao hơn và chuyên nghiệp hơn,” ông Long nói.

FPT softwave
Trụ sở FPT softwave HCM, một trong những công ty gia công phần mềm lớn của Việt Nam (Ảnh: fsoft.com.vn)

Hiện có hàng chục công ty ở Việt Nam đang cung cấp các dịch vụ BPO và các chuyên gia. Đa số họ cung cấp dịch vụ BPO như một phần của bộ giải pháp công nghệ trọn gói.

Ông Việt Hồ, Giám đốc phát triển sản phẩm của Russell Investments – một khách hàng BPO của các đối tác Việt Nam – cho biết đất nước đang ngày càng thu hút nhờ lĩnh vực gia công phần mềm IT mạnh mẽ. Việc có các dịch vụ BPO và ITO một cách đồng bộ có thể giảm chi phí và sự phức tạp cho khách hàng nước ngoài.

NashTech, một thương hiệu của công ty tuyển dụng và gia công phần mềm Anh, Harvey Nash, có hơn 2.000 nhân viên tại Việt Nam.

Dựa trên nền tảng công nghệ hiện có, công ty này liên tục nâng cấp các dịch vụ của mình cho phù hợp với mỗi dự án BPO. Bà Tam Trương Hồng, Giám đốc dịch vụ quy trình kinh doanh và dịch vụ nhân sự tại Việt Nam nói: “Điều này giúp tiết kiệm được chi phí và nhanh chóng cho phép công nhân của chúng tôi thực hiện nhiều dự án khác nhau.”

Bà nói thêm rằng chưa đầy 1/3 nhân viên của công ty bà, bao gồm mảng BPO, đóng góp chỉ 20% tổng doanh thu nhưng lại chiếm đến 50% lợi nhuận ròng.

Giá không phải là tất cả

Khảo sát cho thấy lợi thế cạnh tranh lớn nhất của các dịch vụ BPO Việt Nam là lao động giá rẻ, thấp hơn đến 50% so với các thành phố lớn của Trung Quốc và Ấn Độ.

>> Lao động phổ thông Việt Nam chưa được Singapore cấp phép

Mặc dù vậy, các nhà cung cấp dịch vụ BPO của Việt Nam không hề dựa dẫm vào mức chi phí thấp. Mà họ nhận thức được áp lực cạnh tranh từ những thị trường mới nổi như Myanmar, cũng như sự gia tăng của tự động hóa và người máy sẽ thay đổi luật chơi.

Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho các dịch vụ BPO tiên tiến như khai phá dữ liệu, phân tích và đổi mới dữ liệu.

“Các khoản đầu tư của chúng tôi đã thu được lợi nhuận cao, và chúng tôi đang tiếp tục đầu tư vào công nghệ để cung cấp các dịch vụ BPO phức tạp hơn,” ông Schellenberg của Digi-Texx cho biết.

Năm ngoái, công ty của ông đã mua lại công ty Business Intelligence Processes của đối tác địa phương để tăng cường dịch vụ cho các khách hàng ở Mỹ, Châu Âu, Nhật và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, y tế, tiếp thị và chuỗi cung ứng.

Công ty gia công BPO khác là Swiss Post Solutions (SPS) Việt Nam, với đội ngũ khoảng 1.200 nhân viên, đã cải tiến hoạt động của mình vượt lên việc chỉ nghe lệnh khách hàng. Ông Franc Parcon, giám đốc kinh doanh của công ty cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu giải pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất cho khách hàng thay vì chỉ dừng ở mức mà họ yêu cầu.”

Không chịu thua kém, công ty công nghệ lớn nhất của Việt Nam, FPT đã vừa thoái vốn khỏi mảng phân phối (FPT Trading) và bán lẻ (FPT Shop) để tập trung đầu tư chuyên sâu vào các dịch vụ BPO tiên tiến.

Thị trường BPO Việt Nam sẽ còn tiếp tục sôi động trong những năm sắp tới.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: