Theo báo cáo định kỳ của Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam (USDA Post), sản lượng lúa năm 2017 của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 44,75 và năm 2018 là 45,54 triệu tấn nhờ vào điều kiện thời tiết thuận lợi và đủ nguồn nước tưới tiêu.

canh dong lua
Cảnh nông dân đang thu hoạch lúa (Ảnh: pixabay.com)

Năm 2016, sản lượng lúa của Việt Nam đạt 44,13 triệu tấn, trong điều kiện thời tiết kém thuận lợi hơn. Trong năm 2017, sản lượng lúa có thể tăng nhẹ do thời tiết tiến triển tốt giúp cho năng suất tăng lên, đặc biệt là sản lượng lúa vụ Hè Thu tăng mạnh. Tuy nhiên, sản lượng lúa vụ Đông Xuân ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long lại giảm do mưa nhiều vào đầu mùa khô.

Dự báo sản lượng lúa niên vụ 2018 là 45,54 triệu tấn nhờ vào diện tích canh tác trong vụ Đông Xuân tăng và năng suất lúa vụ Hè Thu tăng (từ 5,65 tấn/hecta năm trước lên 5,8 tấn/hecta).

Về xuất khẩu, từ tháng 1 đến tháng 5/2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 2,3 triệu tấn gạo với giá CIF là 1,1 tỷ USD. Trong năm tháng đầu của niên vụ 2016, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1,1 tỷ tấn so với 786.000 tấn cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Philippines cũng tăng 193.000 tấn lên 343.000 tấn so với cùng kỳ. Như vậy thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc và Philippine, khoảng 50%. Dự báo năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam là 5,6 triệu tấn và năm 2018 là 6 triệu tấn.

Là nước xuất khẩu gạo thứ ba trên thế giới, nhưng gạo Việt Nam chưa chiếm lĩnh được mảng thị trường cao cấp do chất lượng gạo còn thấp. Tại các siêu thị lớn ở các nước phát triển, có rất ít gạo mang thương hiệu Việt Nam và giá cả cũng như chất lượng thường thấp hơn gạo Thái Lan hoặc các nước khác. Gạo Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ Thái Lan hay Ấn Độ.

Theo chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam 2017-2020 vừa được công bố vào tháng 7/2017, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hàng năm khoảng 4,5 – 5 triệu tấn vào năm 2020, trị giá đạt bình quân khoảng từ 2,2 – 2,3 tỷ USD/năm.

Trong giai đoạn 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn vào năm 2030, trị giá xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì ổn định và tăng đạt khoảng 2,3 – 2,5 tỷ USD/năm. Như vậy giai đoạn sau năm 2020, lượng gạo xuất khẩu có thể giảm xuống do Việt Nam chuyển hướng chú trọng vào nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.

Cụ thể, về chất lượng gạo xuất khẩu, mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%, tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 30%, gạo nếp chiếm khoảng 20%, các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%.

ty trong xuat khau gao 2020 up 2
Tỷ trọng xuất khẩu gạo mục tiêu năm 2020 (ảnh: Trí thức VN)

Đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).

ty trong xuat khau gao 2030 up
Tỷ trọng xuất khẩu gạo mục tiêu năm 2030 so với năm 2020 (ảnh: Trí thức VN)

Về thị trường xuất khẩu, cơ bản vẫn tập trung vào thị trường các nước châu Á. Trong đó, đến năm 2020, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, đến năm 2030 giảm xuống còn 50%. Thị trường châu Phi chiếm khoảng 22% năm 2020 và tăng lên 25% vào năm 2030. Thị trường Trung Đông chiếm khoảng 2% vào năm 2020 và tăng lên 5% vào 2030. Thị trường châu Âu chiếm khoảng 5% năm 2020 và 6% vào năm 2030. Thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8% năm 2020 và tăng lên 10% vào 2030. Thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 3% và tăng lên 4% vào năm 2030.

tỷ trọng các thị trường xuất khẩu gạo
Tỷ trọng các thị trường xuất khẩu gạo mục tiêu (ảnh: Trí thức VN)

Sau nhiều năm là quốc gia xuất khẩu gạo chủ yếu trên thế giới, đến nay Việt Nam mới xây dựng được chiến lược xuất khẩu gạo, định hướng mục tiêu cho ngành xuất khẩu trọng yếu này. Tuy nhiên, việc xây dựng các chính sách và chiến lược mới chỉ là một bước khởi đầu để có thể đưa được thương hiệu gạo Việt Nam trở thành đẳng cấp thế giới.

Liên Hương (T/h)

Xem thêm: