Năm 2017 sắp khép lại với nhiều sự kiện nổi bật đã qua đi, nhưng những ảnh hưởng của chúng sẽ còn kéo dài đến những năm sắp tới. Ngoại trừ những biến số lớn, ngày mai luôn là kết quả của những hành động và cái “bắt tay” của ngày hôm nay. Hãy điểm lại một số “cái bắt tay” đáng chú ý trong năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Jack Ma

Jack Ma - Ng Xuan Phuc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) tiếp Chủ tịch Alibaba – Jack Ma (trái) tại Hà Nội. (Ảnh: VGP)

Ngày 6/11, Chủ tịch Alibaba – Jack Ma đã có cuộc gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội. Tại đây, Jack Ma được “trao ấn” tiến nhập vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam thông qua lời đề nghị của Thủ tướng về việc hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về ứng dụng các mô hình thương mại điện tử và học tập mô hình Alibaba ứng dụng tại Việt Nam.

Sẽ không có gì để nói nếu câu chuyện dừng lại ở đây, việc học hỏi mô hình thành công của nước bạn là điều đáng khích lệ, tuy nhiên, đằng sau Jack Ma là cả một đội quân chinh chiến hùng hậu đang sẵn sàng “chinh phạt” thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng của Việt Nam.

Năm 2016, Alibaba của Jack Ma đã tuyên bố chiếm quyền kiểm soát trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam – Lazada với khoản đầu tư lên đến 1 tỷ USD.

Trong chuyến đi vừa rồi đến Việt Nam, Jack Ma cũng đã kịp thời tiến thêm một bước trong kế hoạch bằng một biên bản ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty ví điện tử Alipay thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba. Theo đó, NAPAS và Alipay sẽ bắt tay nhau trong việc thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Nhìn cái cách mà ứng dụng gọi xe Didi đã “thổi bay” Uber và trang web mua sắm Taobao đánh bật Ebay ra khỏi thị trường Trung Quốc nhờ áp dụng chiến lược thanh toán ưu đãi bằng Alipay (khách hàng chấp nhận thanh toán bằng Alipay sẽ được ưu đãi lớn và giảm giá đến 50-60%), chúng ta không khỏi dè chừng với khả năng càn quét thị trường của bộ đôi thần chú Lazada-Alipay của Alibaba.

Thêm vào đó, với tiềm lực tài chính mạnh và chiến lược mở rộng thị trường khắp Đông Nam Á, Jack Ma không giấu giếm tham vọng độc chiếm ngành thương mại điện tử Việt Nam nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng, qua đó kiểm soát sâu rộng hơn vào ngành tài chính và các lĩnh vực thiết yếu, khiến Việt Nam có nguy cơ ngày càng bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

ThaiBev – Sabeco

ty phu Thai Sabeco 2
Tỷ phú Thái Lan – Charoen Sirivadhanabhakdi (trái/forbes); Logo công ty bia Sài Gòn SABECO (phải/Sabeco)

Cuộc bán mình của Sabeco cho người Thái vào cuối năm đã thu hút được dòng dư luận khi đây là thương vụ bán vốn quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với mức giá khởi điểm cao kỷ lục 320.000 đồng/cp, cao hơn mức 186.000 đồng/cp của đợt thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk diễn ra trước đó.

Theo đó, kết thúc phiên đấu giá cạnh tranh ngày 18/12, công ty mới thành lập Vietnam Beverage thuộc tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chính thức trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ 53,6% cổ phần của Sabeco.

Đối với Việt Nam, thương vụ thoái vốn lần này đã giúp Nhà nước đã thu về được một lượng ngoại tệ gần 5 tỷ USD để bổ sung kịp thời vào kho dự trữ ngoại hối eo hẹp, và tạm thời lắng dịu tình trạng bội chi ngân sách và nợ công đáng báo động.

Nhận xét về thương vụ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng bày tỏ: “Vì sao thương vụ Sabeco thành công lớn như thế? Nhà đầu tư họ thấy niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ, vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam.”

Về phía người Thái mà nói, sau khi thâu tóm thành công chuỗi siêu thị Metro vào năm 2015, công ty phân phối hàng tiêu dùng Phú Thái Group, đến việc nắm giữ 19% cổ phần trong Vinamilk, thương vụ thâu tóm Sabeco lần này là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phủ rộng hàng Thái trên thị trường Việt Nam. Khi đã nắm giữ các kênh phân phối quan trọng, việc đi đến thôn tính các thương hiệu lớn Việt Nam là bước tiếp theo nhằm tận dụng hệ thống đại lý phân phối sẵn có sau đó tiến đến gia tăng sự hiện diện của hàng Thái trên thị trường. Nguy cơ hàng Việt bị đánh bật ngay trên “sân nhà” đang ngày càng hiện diện.

Người miền Nam chưa thể quên bài học từ Colgate Palmolive sau khi mua lại thương hiệu kem đánh răng đình đám bấy giờ của Việt Nam là Dạ Lan, sau đó cái tên Dạ Lan đã dần dần bị xóa sổ và biến mất khỏi thị trường.

dalan
Thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan giờ chỉ còn là quá khứ.
(Ảnh qua: brandsvietnam.com)

Do đó, có lý do để các chuyên gia kinh tế lo ngại khi hơn 19% cổ phần của Vinamilk và gần 54% cổ phần của Sabeco rơi vào tay tỷ phú người Thái. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo lắng: “Tôi đau nhất vẫn là không chỉ Sabeco mà nhiều doanh nghiệp nhà nước sau bao năm nuôi dưỡng, phải bán cho đối tác ngoại. …”

Trung Quốc – Triều Tiên

Kim-Tap
Kim Jong-un (trái) và Tập Cận Bình (phải). (Ảnh qua: liverostrum.com)

Mặc dù không có những cái bắt tay công khai, nhưng mới đây, báo chí đã bắt được hình ảnh tàu Trung Quốc “âm thầm” chuyển dầu cung cấp cho Triều Tiên.

Truyền thông Hàn Quốc mới đây đưa ra bằng chứng là các ảnh vệ tinh trong đó cho thấy các tàu Trung Quốc bị “bắt quả tang” tuồn dầu cho Bắc Hàn trái phép.

Trước đó vào hồi tháng 10, chính phủ Mỹ đã công bố các bức ảnh chụp vệ tinh cho thấy một vụ chuyển dầu trên biển từ tàu Trung Quốc sang tàu Bắc Hàn. Việc này đã khiến Tổng thống Trump đăng tweet chỉ trích Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc và nói họ đang điều tra làm rõ.

Tau buon Trung Quoc va Bac Han
Ảnh vệ tinh cho thấy 2 tàu Trung Quốc đang thực hiện chuyển dầu cho Tàu Rye Song Gang 1 của Triều Tiên trên biển Hoàng Hải. (Ảnh do Bộ Tài chính Mỹ công bố)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: “Chúng tôi đang có thái độ chân thành, nghiêm túc và hành động mạnh mẽ, hiệu quả”.

Chưa biết thực hư ra sao, nhưng có một thực tế là chẳng có lý do gì để Bắc Kinh phải áp dụng mạnh tay các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Những ồn ào xung quanh các vụ bắn thử tên lửa và thử đầu đạn hạt nhân của Bắc Hàn đã hướng sự chú ý của thế giới vào nó, trong tình huống đó, Bắc Kinh dễ dàng triển khai các chiến lược quy mô với sáng kiến Vành đai và Con đường mà ít bị chú ý hơn. Trong khi thế giới còn đang chú ý đến Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đã tranh thủ đẩy mạnh các hoạt động xây dựng trái phép trên các vùng biển tranh chấp tại biển Đông cũng như thâu tóm các cảng biển chiến lược trên khắp thế giới.

Sri Lanka – Trung Quốc

China-Sri Lanka
Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa (phải) tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong một chuyến thăm vào năm 2014. (Ảnh qua: ips.lk)

Chắc hẳn đây là một cái bắt tay đầy cay đắng khi Sri Lanka nhìn lại, quốc gia Nam Á này đã buộc phải bàn giao cảng Hambantota chiến lược của mình cho Trung Quốc tiếp quản vào tháng 12/2017. Đây là bằng chứng về chiến lược ngoại giao bằng “bẫy nợ” cực kỳ lợi hại của Trung Quốc – một nước cờ quan trọng của sáng kiến “Vành đai và Con đ​ường” của Trung Quốc, mà Tập Cận Bình gọi đó là “dự án của thế kỷ” .

Theo đó, Bắc Kinh đã ký được hợp đồng thuê cảng biển Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm. Đây là một điều kiện trong thỏa thuận giảm nợ cho Sri Lanka.

Sri Lanka không phải là trường hợp đầu tiên sập “bẫy nợ” của Trung Quốc, trước đó, bằng chiến lược ngoại giao tương tự Trung Quốc đã mua lại các cảng biển chiến lược ở Piraeus (Hy Lạp), Darwin (Úc) và Djibouti (châu Phi).

Người ta đang nhắc đến Trung Quốc với một khái niệm mới: Chủ nghĩa đế quốc chủ nợ. Không giống như các khoản cho vay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các khoản cho vay của Trung Quốc được đảm bảo bởi các tài sản tự nhiên có tầm quan trọng chiến lược với giá trị dài hạn cao (ngay cả khi các tài nguyên ấy thiếu giá trị kinh tế hiện thời).

Một số quốc gia khác như Argentina, Namibia hay Lào đều bị rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, buộc những nước này phải đối mặt với những quyết định đau đớn để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Khoản nợ nần của Kenya với Trung Quốc giờ đây đang đe dọa biến cảng Mombasa tấp nập – cửa ngõ vào Đông Phi – thành một Hambantota khác.

Những kinh nghiệm này nên được nghiêm túc coi như một lời cảnh báo rằng sáng kiến Vành đai và Con đường về cơ bản là một dự án đế quốc nhằm mục đích hoàn thành tham vọng bành trướng hoang đường của Trung Quốc. Các quốc gia bị nô lệ nợ cho Trung Quốc có nguy cơ mất cả tài sản thiên nhiên có giá trị nhất lẫn chủ quyền của họ.

Venezuela – Chủ nghĩa xã hội: Cái bắt tay với “tử thần”

Embed from Getty Images

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) bắt tay với cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (phải) trong cuộc gặp chính thức tại Phủ Chủ tịch vào năm 2015.

Năm 2017 ghi dấu sự thất bại của chủ nghĩa xã hội tại Venezuela, ít nhất là về mặt kinh tế. Quốc gia dầu mỏ một thời rất thịnh vượng đã phải tuyên bố chính thức vỡ nợ, sau khi không thể chi trả các khoản tiền lãi và nợ vay đến hạn vào tháng 11/2017.

Mùa Giáng Sinh năm 2017, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, không có ánh đèn lễ hội hòa với cuộc sống của người dân Venezuela trong mùa Giáng Sinh ở một đất nước có đến 88% theo Công giáo và Tin lành.

Đó là cảnh tượng mà nhiều người cho rằng nó phản ánh đúng bầu không khí ảm đạm tại Venezuela. Người dân giới trung lưu năm nay đã cắt giảm mua các món quà và phải vật lộn để sắm những nguyên liệu cơ bản cần thiết nấu các món Giáng Sinh truyền thống.

Người nghèo là tầng lớp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, một số quanh năm thường phải bới rác để tìm kiếm thức ăn, lấp đầy dạ dày trống rỗng.

Trước thời điểm năm 1998 khi Hugo Chavez hướng Venezuela theo con đường chủ nghĩa xã hội, quốc gia này từng là một đất nước có nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú như kim cương, bauxite, vàng, nickel, khí đốt gas tự nhiên và đặc biệt là dầu mỏ và có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành sản xuất. Đất nước này là thành viên của OPEC và là quốc gia từng có thế lực xếp trên nước Nga về ảnh hưởng dầu khí trên thị trường giao dịch Commodities. Cho đến đầu thập niên những năm 80, Venezuela vẫn là một trong bốn nước thuộc khu vực Mỹ Latin được đánh giá là nước có thu nhập cao (an upper-middle-income economy).

Cái bắt tay với Chủ nghĩa xã hội đã đưa Venezuela từ đỉnh cao xuống vực thẳm, khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn cách đây 3 năm khi giá dầu thế giới bắt đầu sụt giảm, chính phủ ồ ạt in thêm tiền để chi tiêu khiến Venezuela trở thành quốc gia nợ nần nhiều nhất thế giới bởi không có quốc gia nào có khoản nợ lớn hơn cả GDP, hơn cả kim ngạch xuất nhập khẩu. Người dân Venezuela phải chịu đựng cảnh đói nghèo, lạm phát tăng cao và thiếu thuốc men.

Đây là hậu quả của các chính sách kinh tế phi thị trường như tước đoạt quyền sở hữu tư nhân, hợp thức hóa bằng mỹ từ “quốc hữu hóa”, “sở hữu toàn dân” tiến đến kiểm soát mọi nguồn thu quốc gia để chu cấp cho các chương trình chi tiêu phóng túng của chính phủ.  Chỉ trong một thời gian ngắn chủ nghĩa xã hội lên cầm quyền, tham nhũng và các nhóm lợi ích đã kéo sập nền kinh tế Venezuela, đẩy người dân và quốc gia này vào tình cảnh hỗn loạn, không lối thoát.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng có câu nói nổi tiếng cảnh báo sự nguy hiểm khi chính phủ mở rộng: “9 từ đáng sợ nhất trong tiếng Anh là: Tôi đến từ chính quyền và tôi đến đây để giúp“. Còn người Venezuela sau gần 2 thập kỷ trải nghiệm chính phủ cánh tả của Đảng Xã hội Chủ nghĩa đã đúc rút được một câu mà họ gọi là định luật Maduro: “Một việc có thể đúng hoặc sai, nhưng đã vào tay chính phủ làm thì chỉ có sai“.

Chân Hồ

Xem thêm: