Hơn 10 năm thực hiện chương trình bình ổn giá, TP.HCM đã vận hành chương trình khá hiệu quả khi không phải dùng nguồn vốn ngân sách, trong khi đó TP. Hà Nội vẫn áp dụng cơ chế ưu đãi vốn cho doanh nghiệp tham gia chương trình, cơ chế “ưu đãi” kéo dài nhiều năm đã không giải quyết rốt ráo vấn đề kết nối giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng, mặt bằng giá tại Hà Nội luôn cao, nảy sinh nhiều vấn đề về cạnh tranh lành mạnh.

(Ảnh: internet)
(Ảnh: vietq.vn)

Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2017, Bộ Công thương đã phát động các tỉnh thành thực hiện biện pháp bình ổn giá hàng Tết. Theo báo cáo của Bộ Công thương, TP. Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu với tổng vốn trên 23.130 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2016; tại TP.HCM là 6.851 tỉ đồng, tăng tương ứng 25%.

Như vậy, để bình ổn giá hàng hóa phục vụ Tết, Hà Nội với số dân là 7,2 triệu dân chuẩn bị 23.130 tỷ đồng giá trị hàng hóa, tương đương với 3.210.000 đồng/người. Trong khi đó, tại TP.HCM với số dân 8,1 triệu dân chuẩn bị 6.851 tỷ đồng giá trị hàng hóa cho chương trình này, tương đương với 840.000 đồng/người; thấp hơn gần 4 lần so với Hà Nội.

Tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy về nguồn lực chuẩn bị cho chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán của hai thành phố? Có hai nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề này:

Thứ nhất, trên thực tế, chương trình bình ổn giá tại TP.HCM được thực hiện khá hiệu quả, không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán hay các dịp mà nhu cầu tiêu dùng tăng cao. TP.HCM rất thành công trong việc kết nối giữa khu vực sản xuất, phân phối và tiêu dùng, khiến mặt bằng giá hàng tiêu dùng tại thành phố này luôn thấp hơn so với Hà Nội.

Thứ hai, tổng giá trị hàng hóa dành cho chương trình bình ổn giá tại Hà Nội cao gấp 4 lần so với TP.HCM chủ yếu xuất phát từ chính sách “ưu đãi tín dụng 0%” cho các doanh nghiệp tham gia vào chương trình. Với tư duy chính sách “ưu đãi”, nhiều vấn đề nảy sinh như nhiều doanh nghiệp được “ưu đãi vay vốn” dù cung cấp mặt hàng bình ổn giá gây tranh cãi như rượu, bia…; các chuyên gia về kinh tế, chính sách cũng tranh cãi về việc “ưu đãi tín dụng” của Hà Nội có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không.

Chính sách “ưu đãi tín dụng 0%” cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá tại Hà Nội

TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chương trình bình ổn giá. Qua thời gian, chương trình bình ổn giá ngày càng hiệu quả, mặt bằng giá tại TP.HCM hợp lý, tạo kênh phân phối hiệu quả hơn giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp thương mại và người tiêu dùng.

Kết quả này có được do TP. Hồ Chí Minh vận hành chương trình trên nguyên tắc thị trường là bảo đảm nguồn cung ổn định thì giá sẽ ổn định”.  Do vậy, chính quyền thành phố giảm thiểu can thiệp vào giá, can thiệp hành chính, đặc biệt là tránh việc tạo cơ chế “xin -cho” thông qua các chính sách “ưu đãi” kéo dài.

TP.HCM chú trọng vào việc lựa chọn các doanh nghiệp mạnh, thương hiệu mạnh tham gia chương trình. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia ngày càng hoàn thiện chuỗi cung ứng, sản xuất khép kín để giảm giá thành. Để giảm thiểu việc dùng tiền ngân sách để hỗ trợ chương trình, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với ngân hàng. Nhờ đó, từ năm 2013, TP.HCM không còn phải ứng vốn từ ngân sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn nữa.

Trong khi đó, Hà Nội có cách tiếp cận khác. Hà Nội đang cấp tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp để khuyến khích việc trữ hàng Tết nhiều hơn bình thường. Riêng năm 2015, Hà Nội đã tạm ứng vốn 236.074 tỷ đồng với lãi suất 0% cho 10 doanh nghiệp để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn giá trên địa bàn. Con số trên chưa tính đến các hỗ trợ tín dụng ưu đãi của khối Ngân hàng vốn nhà nước cho chương trình. Việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi làm nảy sinh vấn đề các doanh nghiệp đẩy số lượng hàng hóa bình ổn lên cao để được hưởng phần tín dụng ưu đãi lớn.

Điều này lý giải phần nào tại sao Hà Nội lại chuẩn bị khối lượng hàng Tết thiết yếu nhiều gấp 4 lần TP.HCM.

Thậm chí, nhiều mặt hàng gây tranh cãi khi được nằm trong diện được “bình ổn giá” và hưởng “ưu đãi tín dụng”

Theo Luật Giá 2012, các mặt hàng được bình ổn giá bao gồm: Xăng; Điện; Khí dầu mỏ hóa lỏng; Phân đạm, phân NPK; Thuốc bảo vệ thực vật; Vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Muối; Sữa cho trẻ dưới 6 tuổi; Đường; Thóc; Gạo tẻ thường; Thuốc chữa bệnh. So sánh với nhu cầu hàng tết, thì chỉ có đường, muối, gạo là nằm trong danh mục hàng bình ổn giá.

Tuy vậy, theo Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 23/8/2016 của UBND TP.Hà Nội về việc thực hiện Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.Hà Nội, các mặt hàng tham gia chương trình bao gồm nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa các loại; nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… Như vậy, chương trình của thành phố đặt ra đã vượt ra khỏi phạm vi bình ổn do luật định khá nhiều.

Điều đáng nói, tại Hà Nội, mặt hàng bia, rượu, nước giải khát cũng được đưa vào danh mục hàng bình ổn giá với tỷ trọng rất cao, chiếm tới 45% tổng giá trị hàng bình ổn.

Cách tiếp cận “bình ổn giá” của Hà nội có vi phạm Luật cạnh tranh?

Nhiều chuyên gia phản biện rất mạnh mẽ về các giải pháp bình ổn giá được thực hiện vừa qua. Các chuyên gia cho rằng việc doanh nghiệp tham gia bình ổn giá được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi là không công bằng cho các doanh nghiệp khác.

Số lượng tín dụng cấp ra thực tế lớn hơn nhu cầu hàng hóa bình ổn rất nhiều. Điều đáng nói là không thể kiểm soát nguồn tín dụng ưu đãi cấp ra chỉ để dùng cho quay vòng hàng hóa bình ổn hay không, bởi nguồn tín dụng ưu đãi này khi về doanh nghiệp sẽ hòa chung vào nguồn vốn vay và có thể sử dụng với nhiều mục đích khác.

Bên cạnh đó, điều kiện tham gia chương trình bình ổn giá chỉ dành cho doanh nghiệp, trong khi tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và cung ứng hàng hóa Tết đa phần là các hộ gia đình, tiểu thương. Điều này ảnh hưởng xấu tới môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp với các tiểu thương, các hộ gia đình.

Bản thân chính sách này của Hà Nội đã không tạo được các kênh lưu thông với chi phí hợp lý hơn giữa sản xuất – phân phối và tiêu dùng. Ngoài ra, khi có “ưu đãi” sẽ tạo ra các mảnh đất mầu mỡ phát triển cơ chế “xin – cho”, vốn là cơ chế đi ngược lại các nguyên tắc thị trường, đẩy chi phí phi chính thức lên cao, triệt tiêu các động lực cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

Năm 2002, TP.HCM đi đầu cả nước trong triển khai chương trình bình ổn giá cả thị trường. Hơn 14 năm qua, chương trình bình ổn thị trường đã dần trưởng thành và đi vào chiều sâu.

Dự kiến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Lượng hàng chuẩn bị tăng 25 – 45% so Tết Bính Thân 2016.

Nhiều nhóm hàng được chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối từ 35 – 52% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, đường, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo…

Về giá cả, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường đều đã cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng trước và sau Tết. Đồng thời, sẽ thực hiện giảm giá sâu trong những ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm…

Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo…

Mạng lưới các điểm bán hàng bình ổn giá cũng được triển khai rộng khắp. Vào dịp Tết Bính Thân, Tp.HCM đã có 8.967 điểm bán gồm các hệ thống siêu thị hiện đại, các cửa hàng bình ổn, các chợ truyền thống… Bên cạnh việc phát triển các điểm bán cố định, các doanh nghiệp bình ổn còn đẩy mạnh phát triển công tác bán hàng lưu động tới các địa bàn vùng xa, khu lưu trú công nhân tại các KCX-KCN.

Nguyên Hương – Tâm Như

Xem thêm: