NHNN cho hay đã thực hiện các đề án tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 2011-2015, đề án xử lý nợ xấu, song thừa nhận hoạt động thanh tra, giám sát ngành ngân hàng có nhiều hạn chế. Để khắc phục, NHNN sẽ thực hiện tiếp đề án tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 2016-2020.

ngan-hang-nha-nuoc
NHNN đã phản hồi trước sai phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra. (Ảnh: panoramio.com)

Ngày 1/9, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện thanh tra giám sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo; và phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong giai đoạn 2010-2015. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm tại NHNN.

Tối ngày 2/9, NHNN có văn bản phản hồi liên quan đến hàng loạt sai phạm trong kết luận nêu trên.

Theo văn bản, NHNN thừa nhận thời gian qua, hoạt động thanh tra, giám sát ngành ngân hàng đã bộc lộ số các hạn chế như: Khuôn khổ pháp lý, pháp quy về thanh tra, giám sát ngân hàng, an toàn hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ và đồng bộ; khả năng phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế.

Đồng thời, NHNN cho biết chất lượng, số lượng, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng chưa theo kịp với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng; hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu và chuẩn mực quốc tế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn bất cập.

Bên cạnh việc thừa nhận những mặt yếu kém mà Thanh tra chính phủ chỉ ra, NHNN cho rằng trong thời giai đoạn 2010-2015, NHNN đã thực hiện hai Đề án 254 (Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015); Đề án 843 (Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) – hai đề án này đã góp phần giúp hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn hệ thống các TCTD; Không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước; Hệ thống TCTD được cơ cấu một bước cơ bản.

Đề án đã hoàn thiện một bước quan trọng khuôn khổ pháp lý về an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thanh tra và kiểm tra các TCTD, nhiều rủi ro, yếu kém, vi phạm pháp luật của TCTD đã được NHNN, các cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu các TCTD phải thực hiện các kiến nghị và giải pháp cụ thể để khắc phục.

NHNN cho hay để khắc phục những tồn tại, yếu kém của ngành ngân hàng nói chung và hoạt động thanh tra, giám sát ngành ngân hàng nói riêng đã được nhận diện, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

Theo đó, ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1058 về việc phê duyệt Đề án trên. Hiện NHNN đang chủ động thực hiện các giải pháp và lộ trình được nêu trong Đề án 1058. Cụ thể: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy về thanh tra, giám sát ngân hàng, an toàn hoạt động ngân hàng để đảm bảo đầy đủ và đồng bộ.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng để hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD).

Cùng với đó, NHNN tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành ngân hàng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; nâng cao chất lượng, số lượng và năng lực, đạo đức thực thi công vụ của đội ngũ thanh tra, giám sát ngành ngân hàng,…

Trong phiên giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề còn vướng mắc về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết từ năm 2011-2016, lực lượng công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.

Giải thích về vấn đề trên, ông Hưng cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, do sự bất ổn chính trị, kinh tế thế giới tác động rất mạnh và gây rủi ro rất lớn đến sản xuất kinh doanh trong nước. Kinh tế trong nước cũng còn khó khăn, chất lượng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh. Về nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo NHNN thừa nhận quy trình tín dụng của một số TCTD còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng.

Theo VAMC – Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, từ ngày 1/1 đến hết 15/8/2017, VAMC đã mua nợ của 11 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 15.751 tỷ đồng, giá mua nợ là 15.477 tỷ đồng, đạt 77,4% kế hoạch năm 2017. Tính từ năm 2013 đến thời điểm ngày 15/8/2017, VAMC đã mua 26.049 khoản nợ của 16.154 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng 291.306 tỷ đồng, giá mua nợ là 261.401 tỷ đồng.

Trần Tâm

Xem thêm: