Trong nửa đầu tháng Tư, Việt Nam tiếp tục thâm hụt thương mại 0,5 tỷ USD, nâng mức nhập siêu lũy kế tính đến 15/4 là 2,56 tỷ USD. Vấn đề nhập siêu đã cho thấy những bất ổn nhất định trong điều hành cán cân vĩ mô. Đặc biệt là khi nhập siêu đến từ các nước ASEAN, điều này cho thấy khả năng cạnh tranh yếu của khối kinh tế trong nước so với các quốc gia trong khu vực. Nếu không có những chính sách điều chỉnh kịp thời thì việc hàng Thái, hàng Malaysia làm chủ trên đất Việt sẽ là một thực tế hiện hữu. Thêm vào đó, áp lực lên tỷ giá đồng VND/USD sẽ làm tình hình càng trở nên trầm trọng.

nhap-sieu-ca-nam-2015-uoc-dat-4-ty-usd
(Ảnh qua Nhd.vn)

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa mới công bố, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thâm hụt 0,5 tỷ USD trong nửa đầu tháng Tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 7,933 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ; trong khi đó kim ngạch nhập khẩu đạt 8,434 tỷ USD, tăng 16%. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn so với xuất khẩu đã đẩy mức nhập siêu từ đầu năm lên 2,56 tỷ USD.

Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là thành phần chủ đạo trong thương mại của Việt Nam khi chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu và 61% kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu tháng này.

Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng Tư, Việt Nam xuất khẩu 52,5 tỷ USD và nhập khẩu 55,07 tỷ USD, tăng tương ứng 14% và 23% so với cùng kỳ.

bieu-do-cung-ung
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Về xuất khẩu, một số nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất là điện thoại (9,6 tỷ USD), hàng dệt may (6,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (6,3 tỷ USD).

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (9,6 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (8,9 tỷ USD), điện thoại (3,4 tỷ USD).

Khối kinh tế trong nước tiếp tục đà nhập siêu

Nhập siêu đã chính thức quay trở lại với Việt Nam, sau một năm 2016 xuất siêu tới 2,5 tỷ USD và tiếp tục với 1,15 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2017. Đây là dấu hiệu cho thấy những bất ổn của cán cân vĩ mô. Bởi nhập siêu sẽ dẫn đến thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, khiến dự trữ ngoại hối giảm, gây áp lực lên tỷ giá…

Trái ngược với dòng ngoại tệ chảy vào khối FDI, khối kinh tế trong nước liên tục nhập siêu. Trong 15 ngày đầu tháng 4/2017, xuất khẩu của khối kinh tế trong nước đạt 2,25 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,25 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu năm của khối này lên 37,54 tỷ USD, chiếm 34,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng tư, thâm hụt thương mại của khối này đã tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng thâm hụt thương mại của khối lên tới 6,48 tỷ USD tính từ đầu năm.

Nhập siêu từ Trung Quốc và ASEAN

Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trở lại cũng là thông tin rất đáng chú ý. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hết quý I/2017 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt gần 12,7 tỷ USD, tương đương khoảng 280.000 tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại của cả nước, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong quý I, đã có 5 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 2,5 tỷ USD. Tiếp đến điện thoại và linh kiện 1,6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1,6 tỷ USD; vải 1,2 tỷ USD; sắt thép 1,2 tỷ USD.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong ba tháng đầu năm, Việt Nam đã thâm hụt thương mại hơn 1,6 tỷ USD với tám nước có quan hệ thương mại trong ASEAN, tăng hơn 250 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, đẩy tốc độ tăng nhập siêu trên 18%.

Cụ thể, Việt Nam đã chi hơn 6,42 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ tám nước ASEAN, kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng hơn 900 triệu USD.

Điều này cho thấy tốc độ tăng nhập khẩu đang cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu, mặc dù nhiều hàng hóa Việt Nam được bỏ thuế quan xuất khẩu vào các nước ASEAN trước khi các nước ASEAN xuất sang Việt Nam.

Các thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn và tăng mạnh thời gian qua là: Thái Lan, nhập siêu 1,1 tỷ USD, Indonesia hơn 180 triệu USD, Malaysia hơn 400 triệu USD và Singapore hơn 600 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, Việt Nam tăng thêm một thị trường nhập siêu là Indonesia.

Nhập siêu đặt áp lực lên tỷ giá

Tình hình nhập siêu quay trở lại đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng GDP trong quý I/2017, khi GDP quý này tăng thấp đáng kể so với kỳ vọng, thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ đạt 5,1%, trong khi cùng kỳ năm trước là 5,5%. Một trong những vấn đề đáng lo ngại của tình trạng nhập siêu là việc có thể đẩy tỷ giá ngoại tệ lên cao hơn so với thời gian trước.

Trên thực tế, tỷ giá trong 3 tháng đầu năm đã có diễn biến tăng. Tính đến ngày 17/4, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.322 VND/USD, tăng 3 đồng so với phiên giao dịch tuần trước đó, nhưng đã đạt mức cao nhất kể từ khi NHNN bắt đầu công bố tỷ giá trung tâm. Với biên độ ±3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng cho ngày 17/4 là 22.993 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá bán ra đang được các ngân hàng thương mại niêm yết đang ở quanh mức 22.730-22.750 VND/USD, còn cách mức trần khoảng 200 đồng.

Theo TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nghiên cứu Thị trường MarketIntello cho rằng, trong năm 2017, tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,5-2%. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng tỷ giá 2 lần nữa trong năm vào tháng 6 và tháng 9 có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra tình trạng nhập siêu cũng sẽ khiến cầu USD tăng mạnh hơn năm 2016.

Chân Hồ(T/h)

Xem thêm: